Nếu trùm quảng cáo Roger Ailes giúp ông Trump…

Ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump vẫn tự gọi mình là bậc thầy về “nghệ thuật đàm phán”. Song nếu ông muốn tăng khả năng giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới, ông cần phải thuyết phục được Roger Ailes, vị chủ tịch vừa "thoái vị" của kênh Fox News, giúp điều hành chiến dịch tranh cử của mình.

Ông Roger Ailes (phải) có thể trở thành "chìa khóa" cho chiến thắng của tỷ phú Trump.

Liệu nhân vật bảo thủ “buôn vua” 76 tuổi này có chấp nhận lời đề nghị của ông Trump hay không vẫn còn là câu hỏi ngỏ. Song nếu nhận lời, Ailes có thể trở lại "gốc gác" của mình là một nhà chiến lược và đặc vụ đảng Cộng hòa, chế nhạo các đồng sự cũ ở Fox- những người đã hối thúc việc ra đi của ông, và có thể lại được tung hô lần cuối trong cuộc đời vốn hấp dẫn như trong sách của ông.

Với tỷ phú Trump, ứng cử viên ủng hộ luật pháp và trật tự, lợi ích có thể thấy rõ. Không ai biết rõ hơn Ailes cách thức khuyến khích, động viên các cử tri bảo thủ. Ông là quân sư đằng sau Richard M. Nixon trong chiến dịch vận động tranh cử đầy sáng tạo trên truyền hình năm 1968, một chiến dịch cũng về luật pháp và trật tự. Bởi vậy Ailes có thể giúp ông Trump khai thác triệt để vấn đề và dùng nó để thẳng tiến vào Nhà Trắng.

Ailes là một nhà sản xuất truyền hình khi lần đầu gặp mặt Nixon, người xuất hiện với tư cách là khách trong “Chương trình Mike Douglas”. Hai người đã tranh luận với nhau về tầm quan trọng của truyền hình trong chính trị. Nhưng sau đó nhà điều hành quảng cáo một thời đã tham gia vào chiến dịch tranh cử của cựu phó tổng thống và đã tạo ra một loạt chương trình quảng bá chính trị gây chấn động.

Các quảng cáo sinh động và ấn tượng đã khéo léo khuấy động sự sợ hãi và lo lắng trong những cử tri trung niên da trắng thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Mỹ, khu vực cử tri được ông Trump coi là con đường đi tới quyền lực của riêng ông.

Các cử tri đó, như ông Nixon trong hồi ức mô tả lại, là “đa số thầm lặng”- một cụm từ mà ông Trump gần đây hay dùng. Với những cử tri này, Ailes đã cẩn thận tạo nên và trưng ra hình ảnh về một “Nixon Mới” đầy bình thản, điềm tĩnh và tự chủ. Ông cũng đủ cứng rắn để đối đầu với cuộc khủng hoảng uy tín và an ninh ở Mỹ năm 1968, khi các vụ bạo lực đã tăng vọt tới 50% kể từ năm 1964.

“Trật tự” là tiêu đề cho một trong những quảng cáo về chiến dịch tranh cử hiệu quả nhất của Ailes. Quảng cáo khai phá này đã đưa ra một hình ảnh ghép về cảnh sát và những người chống đối, âm nhạc không xuôi tai, nhiều cảnh cắt cúp và lời thuyết minh từ chính Nixon, nhắc lại một câu nói được ưa thích trích trong phát biểu của ông tại Đại hội đảng Cộng hòa: “Hãy cho chúng tôi nhận thấy được rằng quyền dân sự đầu tiên của mỗi công dân Mỹ là không bị bạo lực trong nước”.

Quảng cáo đã gây chấn động khắp đất nước bởi truyền hình đã truyền đi các hình ảnh về biểu tình phản đối chiến tranh và bạo loạn ở đô thị tới tận các phòng ở của người Mỹ. Với nhiều cử tri trong nhóm “đa số thầm lặng”, đất nước dường như đang bên bờ của sự hỗn loạn và vô chính phủ tràn lan.

Mối lo sợ bạo lực tăng mạnh, và các cuộc biểu tình trong khuôn viên các trường đại học xảy ra thường xuyên. Bạo động nổ ra ở hơn 100 thành phố sau vụ ám sát Luật sư Martin Luther King. Vụ sát hại ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Robert F. Kennedy tiếp tục phá hỏng niềm tin trong dân chúng vào tiến trình hòa bình. Bạo lực đã nổ ra trong Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ tại Chicago, cả trong lẫn ngoài hội trường.

Lúc đó, như hiện nay, xã hội Mỹ đang thay đổi. Trong thời kỳ đó, cuộc cách mạng giới tính và văn hóa thuốc phiện lan rộng. Phong trào phụ nữ phát triển, hiện tượng hippi (thanh niên lập dị chống lại những quy ước xã hội) xuất hiện. Với những người tuân thủ đạo đức truyền thống, đây thực sự là một trận bão.

Trong bầu không khí hỗn loạn đó, luật pháp và trật tự là một khẩu hiệu hoàn hảo cho những người bảo thủ. Ảo và trừu tượng, nó như một phép thử tâm lý cho những cử tri đang lo lắng, những người có thể qua đó tìm ra mối lo ngại nào là trước nhất trong tâm trí họ vào thời điểm đó.

Năm 1968, luật pháp và trật tự là yếu tố quyết định cho chiến thắng sít sao của Nixon trước ứng cử viên đảng Dân chủ Hubert Humphrey. Với đa số người dân Mỹ, vấn đề này sát sườn và thiết thực hơn nhiều so với cuộc chiến tranh Việt Nam. Như một nhà thăm dò ý kiến về ông Humphrey cho biết, ông “quá mềm dẻo trong lĩnh vực luật pháp và trật tự, và sự mềm dẻo đó làm hại ông hơn những thứ khác”.

Tất nhiên, năm 2016 không phải là năm 1968, ít ra là vào lúc này. Có ít dữ kiện cho thấy hiện có nỗi lo ngại đang lan rộng và sâu sắc về bạo lực, mặc dù đã xảy ra hàng loạt vụ thảm sát. Sự bất ổn ở các khu vực thành thị chưa đến mức đỉnh điểm như những năm 1960. Mỹ không tiến hành chiến tranh ở mức quy mô lớn như ở Việt Nam.

Song các điều kiện đang chín muồi và “yếu tố sợ hãi” đang nổi lên trong nền chính trị Mỹ. Vụ bắn cảnh sát ở Dallas, Texas và Baton Rouge, Louisiana, đã đưa việc thực thi luật pháp lên mức báo động cao. Ở một số bang, cuộc chiến văn hóa về hôn nhân đồng tính và nhà tắm chuyển giới tiếp tục dữ dội.

Sau vụ thảm sát ở San Bernardino và hộp đêm Orlando, Florida, có một khả năng thực tế là chủ nghĩa khủng bố quốc tế có thể khiến bạo lực trong nước thậm chí gia tăng trong những tháng tới.

Và nếu quân bài lợi thế đó chìa về phía ông Trump, ai có thể giúp ông sử dụng nó tốt hơn Ailes?

TTK
Chọn “phó tướng”, ông Trump mắc sai lầm chiến lược?
Chọn “phó tướng”, ông Trump mắc sai lầm chiến lược?

Ngày 15/7, ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa Donald Trump quyết định liên danh với Thống đốc bang Indiana Mike Pence để chạy đua vào Nhà Trắng. Trong khi cả ông Trump và ông Pence vui mừng thông báo tin trên, tạp chí Politico coi đây là một “sai lầm lớn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN