Nền chính trị Ukraine chưa qua khủng hoảng?

Chiến thắng của "Ông hoàng chocolate" Petro Poroshenko trong cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn vừa qua tại Ukraine đã phản ánh những thay đổi đáng kể trong bối cảnh chính trị cũng như tâm trạng của cử tri nước này.

           

Tân Tổng thống Ukraine Poroshenko. Ảnh: AFP/TTXVN


Đảng Các khu vực, vốn gần như trong suốt 15 năm qua luôn nắm giữ các vị trí trọng yếu trong nội các, nay đã bị "hạ bệ" khỏi vũ đài chính trị. Trong khi đó, thủ lĩnh các chính đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa lên nắm quyền lại không thể đề cử một ứng cử viên duy nhất. Và việc tỷ phú Poroshenko đắc cử cho thấy một sự thỏa hiệp rõ ràng, khi doanh nhân này ít nhiều cũng giành được sự chú ý của các nước phương Tây, các doanh nghiệp lớn cũng như không bị cử tri Ukraine phản đối quyết liệt.

           

Chiến thắng của ông Poroshenko đương nhiên không đồng nghĩa việc Ukraine sẽ sớm ổn định chính trị. Cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn này, theo nhận định ngày 29/5 của Báo Độc lập (Nga) sẽ chỉ như một bước đệm, một giai đoạn trung gian trong tiến trình phát triển của lịch sử nhà nước Ukraine hiện đại.


Hơn thế, cuộc đấu tranh quyền lực giữa tân Tổng thống và các đối tác cũ trong cuộc chiến chống lại "thể chế Yanukovych" rất có thể lại dẫn Ukraine đến một vòng xoáy mới của cuộc xung đột chính trị.

           

Ông Poroshenko lên nắm quyền kiểm soát đất nước trong bối cảnh hiện hữu nguy cơ về một cuộc nội chiến và một nền kinh tế èo uột với ngân khố trống rỗng. Trong khi đó, tồn tại quá nhiều lực lượng chính trị trong bộ máy lãnh đạo với những quan điểm dân tộc khác nhau, và đây chính là một thách thức nhỡn tiền đối với tân Tổng thống.


Chắc chắn, ông Poroshenko sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề của đất nước. Vị Tổng thống thứ sáu này của Ukraine sẽ bị chi phối giữa nhiệm vụ ổn định tình hình chính trị đất nước, vực dậy nền kinh tế cũng như "lắng nghe" yêu cầu của các lực lượng dân tộc. Cụ thể, các lực lượng này chủ yếu đòi hỏi Tổng thống phải điều hành đất nước, áp dụng chính sách đối nội và đối ngoại theo đúng quan điểm của họ. Hơn nữa, việc này diễn ra trong bối cảnh xảy ra cuộc đấu tranh triền miên giữa các chính đảng và các doanh nghiệp lớn, vốn đang gia tăng sức ép lên chính quyền trung ương Kiev.

           

Tân Tổng thống Ukraine bắt đầu cải tổ Quốc hội. Ảnh: Photoxpress


Trong khi đó, từ năm 2012, ông Poroshenko vào Quốc hội với tư cách là nghị sĩ độc lập. Điều đó không đảm bảo cho ông có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các đảng phái trong Quốc hội và như vậy sẽ không có đủ ảnh hưởng để khiến Quốc hội thông qua các đạo luật. Hiện tại, đồng minh duy nhất của ông Poroshenko chính là các thành viên của đảng UDAR (chỉ có 40 người trong tổng số 450 ghế Quốc hội). Sẽ ra sao khi người đứng đầu đất nước không có "đội ngũ riêng" của mình, mà phải trông chờ vào các lực lượng chính trị khác. Điều này cũng lý giải vì sao tân Tổng thống tuyên bố sẵn sàng giữ lại ông Arseniy Yatsenyuk trên cương vị Thủ tướng.      

           

Ngoài ra, ông Poroshenko cũng không có sự hậu thuẫn từ phía Đông đất nước, trong khi ở miền Tây, uy tín của ông phụ thuộc chính vào tình hình chính trị hiện tại. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, uy tín của Poroshenko rất có thể sẽ suy yếu nhanh chóng.


Đó là chưa kể những khó khăn khác như ở một số vùng miền Tây đất nước, tồn tại những đảng phái dân tộc cực đoan, và các phe phái này cũng có tầm nhìn riêng của họ về tình hình chính trị cũng như những ưu tiên riêng trong chính sách đối ngoại.

           

Bên cạnh những thách thức kể trên, chắc chắn ông Poroshenko cũng không tránh khỏi phải đương đầu với  một Quốc hội ngày càng muốn thâu tóm nhiều quyền lực. Cơ quan này đang nỗ lực hết sức nhằm tiếp tục giảm bớt quyền lực của tổng thống và phân phối lại quyền lực giữa quốc hội và chính phủ. Các chính đảng lớn cũng quan tâm việc cắt giảm quyền lực của tổng thống và mục tiêu hướng tới một thể chế nghị viện - tổng thống rất có thể lại đẩy Ukraine vào một cuộc xung đột mới giữa tổng thống và quốc hội.

           

Trong bối cảnh tân Tổng thống phải nhanh chóng dập tắt các cuộc nổi loạn ở nhiều tỉnh miền Đông đòi ly khai, khoanh vùng không cho phép phong trào này lan rộng, rõ ràng ông Poroshenko cũng không thể xem nhẹ các khó khăn thách thức khác, trong đó nhiều phe phái chính trị cực đoan khác nhau, đang đòi hỏi tổng thống phải "chơi" theo các quy tắc của họ, thì mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng chính trị mới tại Ukraine không phải là vô căn cứ.

 

 

Quế Anh(P/v TTXVN tại Nga)

 

1.200 lính Ukraine thiệt mạng trong chiến dịch đặc biệt ở Slaviansk
1.200 lính Ukraine thiệt mạng trong chiến dịch đặc biệt ở Slaviansk

Khoảng 1.200 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng, 8 trực thăng và 15 xe thiết giáp bị phá hủy trong một chiến dịch đặc biệt ở Slaviansk, Thị trưởng thành phố Vyacheslav Ponomaryov ngày 29/5 cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN