Năm lý do khiến phương Tây không thể xem nhẹ Saudi Arabia

Quan hệ Mỹ và Saudi Arabia đang trở nên căng thẳng sau vụ nhà báo đối lập nổi tiếng Jamal Khashoggi người Saudi Arabia, làm việc cho tờ The Washington Post của Mỹ nghi bị điệp viên Saudi Arabia thủ tiêu.

Chú thích ảnh
Saudi Arabia là một thế lực khu vực và thế giới. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ trừng phạt nghiêm khắc Saudi Arabia nếu nước này thủ tiêu nhà báo Saudi Arabia. Nhà báo Jamal Khashoggi đã mất tích khi tới Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Sáng 15/10, Tổng thống Trump thông báo trên Twitter rằng ông vừa thảo luận vụ nhà báo Khashoggi với Quốc vương Saudi Arabia Salman. Quốc vương Salman khẳng định không biết gì về số phận của ông Khashoggi. Ông Trump cho biết đã ngay lập tức cử Ngoại trưởng Mike Pompeop tới gặp Quốc vương Salman.

Chú thích ảnh
Nhà báo Khashoggi. Ảnh: DPA

Giới chức Mỹ phỏng đoán rằng nếu Saudi Arabia xác nhận rằng ông Khashoggi bị giết, nước này có thể nói rằng các phần tử hắc ám đã tự hành động, chứ không phải theo chỉ đạo của Chính phủ Saudi Arabia. 

Về phần mình, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Khashoggi đã bị phía Saudi Arabia giết hại. Không chỉ thế, điệp viên Saudi Arabia còn có thể đã phân xác ông Khashoggi để tiêu hủy.

Cáo buộc trên đã bị Saudi Arabia bác bỏ, đồng thời nước này cam kết đáp trả mạnh hơn nếu bị phương Tây trừng phạt.

Tuy nhiên, với thế mạnh của Saudi Arabia, BBC nhận định có nhiều lý do mà phương Tây không thể xem nhẹ cảnh báo của Saudi Arabia.

1. Nguồn cung dầu và giá dầu

Chú thích ảnh
Saudi Arabia có tiềm lực lớn về dầu. Ảnh: Getty

Saudi Arabia chiếm 18% trữ lượng dầu thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Vai trò trên thị trường dầu khiến Saudi Arabia có quyền lực và ảnh hưởng lớn trên quốc tế.

Trong trường hợp Mỹ hoặc các nước khác áp đặt trừng phạt, Saudi Arabia có thể đáp trả bằng cách giảm sản xuất dầu, khiến giá dầu thế giới tăng cao.

Trong một bài bình luận đăng ngày 14/10, ông Turki Aldakhil, Tổng giám đốc của kênh truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia, nhận định: Áp đặt trừng phạt Saudi Arabia sẽ gây ra thảm họa kinh tế làm rung chuyển toàn thế giới. 

Ông Aldakhil viết: “Nếu giá dầu đạt 80 USD khiến Tổng thống Trump nổi giận, không ai có thể loại trừ khả năng giá dầu có thể nhảy vọt lên 100 USD hoặc 200 USD, hoặc thậm chí gấp đôi con số đó”.

Giá dầu tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng khi họ phải bỏ nhiều tiền mua xăng hơn.

2. Hợp đồng quân sự

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự lễ khánh thành một trung tâm chống chủ nghĩa cực đoan ở Riyadh năm 2017. Ảnh: AFP

Saudi Arabia có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới năm 2017. Năm đó, Saudi Arabia đã ký hợp đồng 110 tỷ USD với Mỹ. Trong 10 năm tới, giá trị có thể lên tới 350 tỷ USD. Nhà Trắng gọi thỏa thuận này là lớn nhất lịch sử Mỹ.

Các quốc gia khác cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia gồm Anh, Pháp và Đức.

Theo ông Aldakhil, để đối phó với các lệnh trừng phạt, Saudi Arabia có thể sẽ tìm tới Trung Quốc và Nga khi có nhu cầu mua vũ khí.

3. An ninh và khủng bố

Các nước phương Tây cho rằng Saudi Arabia đóng vai trò quan trong trong duy trì an ninh ở Trung Đông và đấu tranh với chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố.

Thủ tướng Anh Theresa May đã bảo vệ việc duy trì quan hệ gần gũi với Saudi Arabia bất chấp lực lượng nước này bị cáo buộc gây tội ác chiến tranh trong xung đột ở Yemen.

Saudi Arabia là thành viên liên minh toàn cầu chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo do Mỹ dẫn đầu. Năm ngoái, Saudi Arabia đã thành lập Liên minh chống khủng bố Hồi giáo với 40 quốc gia Hồi giáo khác.

Một khi bị trừng phạt vụ nhà báo Khashoggi mất tích, Saudi Arabia sẽ không còn chia sẻ thông tin về an ninh và khủng bố với Mỹ cũng như các nước phương Tây.

4. Liên minh khu vực

Chú thích ảnh
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei (trái) và Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Reuters, EPA

Saudi Arabia đã phối hợp chặt chẽ với Mỹ để chống lại ảnh hưởng của Iran. Hai nước Hồi giáo theo dòng Sunni và Shiite từ lâu đã tham gia vào các cuộc xung đột ủy nhiệm khắp Trung Đông trong hàng thập kỷ qua.

Ở Syria, Saudi Arabia ủng hộ các phe đối lập tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Còn Iran cùng với Nga đã giúp chính phủ của ông al-Assad lật ngược lại tình thế, củng cố vị trí.

Ông Aldakhil nhận định một khi Mỹ trừng phạt Saudi Arabia khiến quan hệ của nước này với Nga tốt đẹp hơn, các hợp đồng vũ khí mới có thể sẽ khiến Saudi Arabia gần hơn với Iran và thậm chí còn có khả năng hòa giải.

5. Đầu tư và thương mại

Khi Saudi Arabia bị trừng phạt, các công ty Mỹ có thể bị tước khả năng tiếp cận thị trường Saudi Arabia.

Thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và Saudi Arabia năm 2017 là 46 tỷ USD, trong đõ Mỹ thặng dư thương mại 5 tỷ USD.

Bộ Thương mại Mỹ ước tính thương mại song phương hỗ trợ 165.000 việc làm ở Mỹ năm 2015.

Chú thích ảnh
Thương mại giữa Saudi Arabia và Canada từng bị ảnh hưởng vì chính trị. Ảnh: iznewsagency

Rủi ro này đã từng xảy ra với Canada hồi tháng 8 khi Saudi Arabia đóng băng mọi hoạt động thương mại mới với Canada sau khi cho rằng Canada can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Khi đó, Canada đã kêu gọi Saudi Arabia thả một số nhà hoạt động vì quyền lợi phụ nữ và xã hội dân sự. Saudi Arabia gọi động thái này là vi phạm chủ quyền.

Saudi Arabia cũng cấm nhập ngũ cốc Canada và quyết định ra lệnh cho hàng nghìn người Saudi Arabia học ở các trường đại học Canada theo diện học bổng chính phủ về nước.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Saudi Arabia sẵn có 30 chiêu thức trả đũa ngay khi Mỹ áp đặt trừng phạt
Saudi Arabia sẵn có 30 chiêu thức trả đũa ngay khi Mỹ áp đặt trừng phạt

Nếu như Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Saudi Arabia, Mỹ sẽ “tự tay giết chết nền kinh tế nước họ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN