Năm lý do Mỹ có thể sớm can thiệp vào Syria

Michael Doran, Cộng tác viên khoa học cao cấp của Viện Brookings, và McBush, Cộng tác viên khoa học cao cấp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CRF) và là cố vấn cho ứng cử viên Mitt Romney của Đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng hiện nay, là đồng tác giả trong một bài viết vừa đăng trên "Thời báo New York", chỉ rõ 5 lý do để Mỹ cần sớm can thiệp vào Syria (Xyri).


Theo bài báo trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama có học thuyết quân sự riêng của mình. Đấy là đưa quân Mỹ vào vùng đang có xung đột, rồi kéo quân ra ngay, không tham chiến trên mặt đất hay cố gắng tham chiến trong thời gian ngắn nhất có thể. Và học thuyết ấy đã rất thành công ở Libya (Libi). Tuy nhiên, cho đến lúc này, Obama vẫn chưa, hoặc ngại, áp dụng học thuyết này ở những nơi mà ông cảm thấy nước Mỹ không có nhiều lợi ích, mà Syria là một thí dụ.



Phản biện lại quan điểm này, hai tác giả bài báo đã nêu ra năm lý do để bên ngoài (cụ thể là Mỹ) cần sớm can thiệp quân sự vào Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar Al-Assad:


Thứ nhất là can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria sẽ giúp làm suy giảm ảnh hưởng của Iran trong thế giới Arập. Nó sẽ giúp triệt tiêu các căn cứ của Iran tại Syria, bấy lâu nay vẫn được coi như tuyến hành lang để Iran cung cấp vũ khí, khí tài và mọi loại viện trợ khác cho phong trào Hezbollah ở Lebanon (Libăng), một tổ chức bị Mỹ liệt vào "danh sách đen".


Thứ hai là nếu Mỹ sớm can thiệp quân sự vào Syria sẽ ngăn chặn được nguy cơ xung đột lan sang các nước láng giềng, như Lebanon, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước mà vì lợi ích chiến lược của mình, Mỹ đang rất cần được yên ổn.


Thứ ba là can thiệp quân sự vào Syria, trực tiếp giúp đỡ lực lượng đối lập ở nước này, Mỹ sẽ tạo được lá chắn, không cho tổ chức khủng bố Al-Qaeda và các phe nhóm khủng bố khác tự do tung tác ở Syria, biến nơi đây thành nơi ẩn náu lâu dài.


Thứ tư là nếu can thiệp để lật đổ được Bashar Al-Assad, Mỹ đương nhiên sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc giải quyết vấn đề Syria, từ đó sẽ giúp tăng cường quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar (là hai nước rất muốn "bình ổn” Syria, nhưng chưa làm được).


Và cuối cùng là hành động can thiệp của Mỹ sẽ giúp đặt dấu chấm hết cho thảm họa nhân đạo hiện nay ở Syria và mở lối thoát cho vấn đề người tị nạn đang rất nan giải ở vùng này.


Để cổ súy cho những lập luận trên, hai ông Michael Doran và McBush còn chỉ rõ mặt trận đầu tiên mà Mỹ nên mở là thành phố Aleppo ở miền bắc Syria, tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Các tác giả cho rằng với sự trợ giúp của quân Mỹ, từ thành phố biên giới này, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dễ dàng lập tuyến hành lang để cung cấp vũ khí và hậu cần vào sâu lãnh thổ Syria cho lực lượng nổi dậy.


Theo họ, mặt trận thứ hai cần mở ngay sau đó là thủ đô Damascus (Đamát), song thừa nhận sẽ không dễ dàng như Aleppo, vì thế, trước đó cần xây dựng một sở chỉ huy của lực lượng nổi dậy ở thành phố Dara’a, nằm cách nước láng giềng Jordan (Gioócđani) “vài bước chân”, nơi mà từ đó quân Mỹ sẽ rất dễ hậu thuẫn, để rồi quân nổi dậy từ Dara’a sẽ "đánh úp" Damascus.


Ngoài ra, theo hai tác giả trên, để "ngoại kích" Syria như vừa nêu, trước hết Mỹ cần lập vùng cấm bay trên toàn không phận nước này để không quân và hải quân Mỹ “xóa sổ” lực lượng phòng không-không quân của quân chính phủ Syria, được trang bị, theo đánh giá của giới tình báo, là ”không tồi” bằng các phương tiện và vũ khí của Liên Xô trước đây và nay là Nga.



Phú Phúc

Syria: Phe nổi dậy phát động trận chiến 'quyết định' vào Aleppo

Hàng nghìn binh sĩ nổi dậy tại Syria (Xyri) chiều 27/9 đã phát động trận chiến mà lực lượng này nói mang tính quyết định để giành quyền kiểm soát thành phố chiến lược Aleppo, miền bắc Syria.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN