Năm 2015 nhiều thử thách với 'nữ hoàng' Merkel

Trong nhiều năm qua, đối với toàn thế giới, khi có những vấn đề liên quan tới châu Âu và cần đối thoại thì bà Angela Merkel luôn là chính trị gia được nhắc tới với tiếng nói có trọng lượng. Và 2015 là năm đặc biệt với các vấn đề nổi cộm ảnh hưởng nhiều tới vai trò của người phụ nữ quyền lực nhất thế giới này tại Đức cũng như châu Âu.

Lý do khiến cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều cần bà Merkel trong nhiều vấn đề ngoại giao ở thời điểm Moscow và Washington có quan hệ không nồng ấm bởi họ đều coi bà Merkel như một người trung gian.

Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel.


Ông Obama được đánh giá là một người quảng giao trong giới chính trị do vậy việc trao đổi thường xuyên với bà Merkel cũng không quá khó khăn. Còn về phía Tổng thống Nga, trong năm 2014 có thống kê cho thấy ông Putin đã dành 110 giờ đồng hồ để trao đổi với nữ lãnh đạo Đức qua điện thoại.

Bà Merkel là người có nhiều kỷ niệm với nước Nga, ở tuổi thiếu niên, bà đã thắng một chuyến du lịch tới Moskva do thành thạo tiếng Nga. Trong khi đó, ông Putin cũng đã có nhiều năm hoạt động tại Đức từ thời KGB với khả năng nói tiếng Đức lưu loát.

Tuy nhiên, vì ở vị trí trung gian nên nữ Thủ tướng Đức sẽ gặp nhiều tình huống khó xử. Hiện nay Ukraine được coi là nguyên nhân dẫn đến "cơn đau đầu" của bà Merkel. Tuy mối quan hệ Đức - Mỹ có sự xáo trộn sau bê bối do thám, nhưng trên thực tế, qua NATO, Đức vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ Mỹ liên quan tới vấn đề an ninh. Do vậy, nếu Washington cho rằng Berlin không cùng chí hướng trong vấn đề Ukraine hoặc trở nên gần gũi hơn với Moskva thì hậu quả nghiêm trọng sẽ xảy ra.

Bên cạnh đó, nếu bà Merkel ủng hộ việc Ukraine gia nhập liên minh châu Âu (EU) thì nhiều khó khăn về kinh tế sẽ nổi lên và với việc Đức gánh trọng trách hàng đầu trong EU thì nhiều cử tri Đức sẽ không hài lòng, điều này dẫn tới khả Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc (CDU) có thể truất quyền chủ tịch của bà Merkel.

Một vấn đề khác ảnh hưởng tới bà Merkel trong năm 2015 là các biện pháp trừng phạt Nga. Hiện Nga và Trung Quốc là hai thị trường "béo bở" với hàng hóa cao cấp của Đức, đặc biệt là xe ô tô.

Tuy nhiên, trước Giáng sinh năm 2014, tờ New York Times đăng thông tin cho biết, các nhà sản xuất ô tô Đức dự kiến sẽ mất 18 tỉ USD trong khoảng thời gian từ 2014-2017 bởi lệnh trừng phạt Nga.

Điểm đáng chú ý là các nhà sản xuất ô tô Đức thường tập trung chủ yếu tại vùng Bavaria và Baden-Wittenberg, "trái tim" của Đảng CDU, cho nên điều này có thể làm gia tăng cảm giác không hài lòng với bà Merkel trong chính đảng của bà.

Nhắc đến CDU lại có một vấn đề khác liên quan tới bà Merkel đó là bà khác hoàn toàn với các lãnh đạo điển hình của CDU, bởi đảng này có đa số thành viên là nam giới theo Công giáo ở khu vực phía Nam và phía Tây nước Đức còn bà Merkel là một phụ nữ được nuôi dậy theo đạo Tin lành và trưởng thành ở vùng Đông Đức.

Bà Merkel bị bao vây bởi truyền thông. Ảnh: AP


Trên cương vị Thủ tướng, bà Merkel luôn có những bước đi cẩn trọng. Nhưng Liên minh châu Âu mà Đức giữ vai trò đầu tàu hiện đang có nhiều dấu hiệu thay đổi, xuất phát từ hai thành viên là Tây Ban Nha và Hy Lạp. Cả hai nước này đang xuất hiện những biểu hiện muốn "rút chân" khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hành động này có thể gây phản ứng dây chuyền với nhiều nước khác, như Italy.


Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu luôn mang lại nhiều lợi thế cho Đức với việc xuất khẩu hàng hóa được đảm bảo về giá do không có nhiều biến động trong tỉ giá hối đoái. Việc Eurozone đổ vỡ cũng đồng nghĩa với khủng hoảng cho bà Merkel và Đức.

Quá coi trọng cân bằng ngân sách cũng là một điểm yếu tiềm tàng của bà Merkel. Cơ sở hạ tầng của Đức với ít đổi mới trong đường xá giao thông do bà từ chối chi tiêu mạnh đã khiến công chúng không đồng tình.

Trong khi đó, sự hoành hành của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq, Syria và thông tin có khoảng 500 chiến binh hồi giáo là người mang quốc tịch Đức một lần nữa lại làm dấy lên câu hỏi liên quan tới chính sách nhập cư của Đức đồng thời khiến bà Merkel chịu nhiều chỉ trích từ đảng đối lập.

Những giải pháp ngắn hạn thường không mang tính bền vững, năm 2015 này sẽ là năm quan trọng để bà Angela Merkel chứng minh liệu bà có vượt qua được nhiều bài kiểm tra để giữ vững danh hiệu “nữ hoàng châu Âu”, hay sẽ mất ngai vị.


Hà Linh (Theo RT)
Tờ Times bầu bà Merkel là ‘Nhân vật của năm’
Tờ Times bầu bà Merkel là ‘Nhân vật của năm’

Tờ The Times của Anh đã bình chọn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel là "Nhân vật của năm 2014" bởi vai trò quan trọng của bà trong việc thiết lập đối thoại giữa Nga và phương Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN