Mỹ-Trung nỗ lực vượt qua khác biệt

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở bang Florida đã bị phủ bóng đen bởi sự kiện Mỹ bất ngờ tấn công bằng tên lửa nhằm vào một căn cứ quân sự của Syria, một động thái cực kỳ nguy hiểm có thể khiến cuộc nội chiến tại Syria càng thêm thảm khốc và tình hình thế giới càng thêm rối ren.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida ngày 6/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, hai cuộc gặp diễn ra trong vòng 24 giờ giữa nguyên thủ hai cường quốc này đã đem lại nhiều tín hiệu tích cực, góp phần định hướng mối quan hệ phức tạp Mỹ - Trung trong tương lai và giúp định hình trật tự thế giới trong thời gian tới. Mặc dù một số vấn đề khác biệt đã được thẳng thắn nêu ra, nhưng nhìn chung cả hai bên đều cố gắng tỏ thái độ hòa nhã, tránh đi sâu vào những mâu thuẫn lớn.

Cho dù còn rất nhiều bất đồng trong các vấn đề CHDCND Triều Tiên, việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc, sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại song phương, vấn đề xung đột tại Syria và an ninh khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông,… nhưng rõ ràng hai nhà lãnh đạo đều không muốn tạo ra sự căng thẳng trong lần đầu gặp gỡ đầu tiên này. 

Hai bên đều hy vọng vượt qua được mâu thuẫn để tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề khác biệt, vốn được coi là “xương sống” trong quan hệ hai nước. Tổng thống Donald Trump cho biết mối quan hệ của ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc “thật tuyệt vời” sau khi hai bên thảo luận về những bất bình đẳng thương mại và những quan ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định hợp tác là lựa chọn duy nhất đúng đắn của hai nước và hai bên hoàn toàn có thể trở thành đối tác tốt của nhau thông qua việc tận dụng hiệu quả 4 cơ chế đối thoại cao cấp mới gồm: Đối thoại an ninh ngoại giao, Đối thoại kinh tế toàn diện, Đối thoại an ninh mạng và thực thi pháp luật, Đối thoại về vấn đề xã hội và giao lưu nhân dân. 

Hai bên cần giải quyết ổn thỏa các vấn đề nhạy cảm, kiểm soát tốt bất đồng, tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực, giải quyết tốt các điểm “nóng”, mở rộng hợp tác để đối phó với các thách thức mang tính toàn cầu như chống phổ biến vũ khí hạt nhân, chống hoạt động phạm tội xuyên quốc gia, tăng cường hợp tác trong các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, G20... để cùng duy trì hòa bình, ổn định, thịnh vượng trên thế giới.

Vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là một trong hai nội dung chính được đề cập trong cuộc hội đàm chính thức. Đây được xem là thách thức lớn nhất đối với ông Trump về an ninh quốc gia và khu vực, nhất là sau khi Bình Nhưỡng lại thách thức cộng đồng quốc tế khi bắn một quả tên lửa vào vùng biển Nhật Bản một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung. 

Mặc dù Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều nhất trí cho rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là vấn đề nghiêm trọng, song hai bên vẫn lảng tránh đề cập cụ thể đến cách thức đối phó với Triều Tiên. 

Ông Trump kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để kiềm chế Triều Tiên, đồng thời cảnh báo rằng Washington có thể sẽ tự giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng nếu cần thiết. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc đang làm tất cả những gì có thể và sẵn sàng cùng Mỹ “hạ nhiệt” tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Thương mại là một trong những vấn đề “nóng” nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã lên án các hoạt động thương mại của Trung Quốc, cho rằng các hoạt động này đang làm giảm công ăn việc làm của Mỹ. Ông cam kết sẽ áp thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Dù chưa có hành động gì trong lĩnh vực thuế quan, nhưng chính quyền của ông Trump đang tìm cách cắt giảm mức nhập siêu lên đến 347 tỷ USD từ Trung Quốc thông qua thực thi luật thương mại chặt chẽ hơn và áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. 

Trước sự quan ngại của ông Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất mở rộng hợp tác và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Mỹ thông qua các hiệp ước đầu tư song phương, cho phép Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng Mỹ và thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đánh giá: "Cuộc gặp giữa hai nhà nhà lãnh đạo diễn ra trong không khí tích cực. Chúng tôi đều cảm thấy hài lòng về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh này".

Cho dù có nhiều tín hiệu tích cực từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, nhưng rõ ràng những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung không dễ giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Mâu thuẫn, cạnh tranh và xung đột luôn là vấn đề giữa các cường quốc và cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này là một cuộc thử nghiệm lớn đối với cả hai bên. 

Trong cuộc gặp mang tính xã giao này, cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đều là những người đủ khôn ngoan để hiểu rằng không nên làm cho đối phương mất mặt nếu như không muốn rơi vào một cuộc đối đầu thực sự trên nhiều mặt trận bởi hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, vì lợi ích của mỗi bên.

TTXVN/Tin Tức
Chủ tịch Trung Quốc tới Mỹ, 'ngoại giao golf' của ông Trump sẽ phát huy tác dụng?
Chủ tịch Trung Quốc tới Mỹ, 'ngoại giao golf' của ông Trump sẽ phát huy tác dụng?

Tháng 2 vừa qua, “ngoại giao golf” đã có thành công nhất định trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Floria. Nhưng khi Chủ tịch Trung Quốc tới đây, câu hỏi đặt ra là liệu “ngoại giao golf” của ông Trump có đi kèm với hứng thú của ông Tập Cận Bình ?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN