Mỹ, Trung Quốc bắt tay thống trị thế giới?

Báo "Độc lập" (Nga) ngày 29/5 cho rằng Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách bàn bạc để cùng nhau thống trị thế giới. Trong buổi tiếp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Thomas Donilon vừa có chuyến thăm Bắc Kinh 3 ngày (26 - 28/5), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng hai cường quốc này cần thiết lập quan hệ theo “một phương thức mới”.


Tuyên bố này cho thấy mong muốn của Trung Quốc là hợp tác bình đẳng với Mỹ trên trường quốc tế. Sự tương tác này có thể bao trùm lĩnh vực an ninh cũng như các giao dịch tài chính - tiền tệ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thiết lập sự bá chủ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ vấp phải sự phản đối của Nhà Trắng.


 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp Cố vấn an ninh Mỹ Thomas Donilon tại Bắc Kinh ngày 28/5. Ảnh: THX/TTXVN

 

Cố vấn Donilon đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ, dự kiến được tổ chức tại California (Mỹ) trong hai ngày 7 - 8/6 tới. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng "quan hệ giữa hai nước đang trải qua thời điểm nước sôi lửa bỏng, bởi vậy hai nước cần dựa vào những thành tựu đạt được trong quá khứ để mở ra những chân trời hợp tác mới trong tương lai". Ông Tập Cập Bình khẳng định trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Obama, hai bên sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chiến lược quan trọng.


Về phần mình, cố vấn Donilon cho rằng Mỹ và Trung Quốc đã đạt được bước tiến bộ chưa từng có trong quan hệ đối thoại và hợp tác. Nhận định về các động thái này, chuyên gia Zhou Qi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng những tuyên bố trên có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ. Ông Zhou Qi đề cập sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc xây dựng quan hệ với Mỹ theo “một phương thức mới”. Phải chăng ông muốn ngụ ý rằng hai cường quốc hàng đầu thế giới về kinh tế và quân sự cần phải xây dựng một mô hình trong đó họ cùng nhau quản lý mọi tiến trình trên toàn thế giới?


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo "Độc lập", ông Andrey Karneev - Phó Giám đốc Viện các quốc gia châu Á và châu Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva (MGU) - cho rằng trong các cuộc đàm phán sắp tới, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ không thảo luận việc cùng nhau lãnh đạo thế giới, mà chú trọng khả năng hợp tác trong các lĩnh vực mà ở đó hai nước cùng có chung lợi ích. Chẳng hạn, hai bên sẽ thảo luận về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc và Mỹ có thể tìm được tiếng nói chung, bởi Bắc Kinh cũng không muốn có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc sẽ không giúp Mỹ tăng cường sự cô lập hoặc lật đổ chế độ ở Triều Tiên. Ngược lại, họ sẽ tận dụng thế mạnh gần gũi với Triều Tiên nhằm buộc Mỹ phải nhượng bộ họ trong các vấn đề khác.


Trong thời gian ở Bắc Kinh, "sứ giả" của Tổng thống Obama cũng kêu gọi tăng cường hơn nữa mối quan hệ chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang hai nước, trước hết trong các hoạt động nhân đạo, chống cướp biển... Rõ ràng, ở khía cạnh này, Trung Quốc không có gì đáng phải phản đối. Tuy nhiên, như nhà ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi đã nhấn mạnh, điều cốt lõi trong quan hệ Trung - Mỹ là vẫn tồn tại sự "thiếu tin tưởng lẫn nhau". Trên thực tế, Bắc Kinh đang nghi ngờ Oasinhtơn thực hiện các chính sách nhằm kiềm tỏa ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi và các khu vực khác, trong khi Mỹ tiếp tục cáo buộc gián điệp Trung Quốc tấn công không gian mạng và đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ.


TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN