Mỹ tích cực "cải tổ" Kiev

Theo Viện trưởng Viện chính trị Ukraine Kostantin Bondarenko, Ukraine không chỉ chịu sự kiểm soát mà cả sự quản lý từ bên ngoài, và không loại trừ khả năng chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden tới Kiev sẽ là một bước cải tổ.

“Báo Độc Lập” (Nga) số ra ngày 6/12 có bài viết cho biết, trong những ngày này, Washington đang tăng cường liên lạc với Kiev. Sau một loạt cuộc hội đàm kín và cuộc gặp với Tổng thống Ukraine ngày 7/12, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã phát biểu trước Quốc hội Ukraine trong ngày 8/12 trước khi Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ và ngân sách 2016..

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Biden ngày 7/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông Ukraine gọi hoạt động của Mỹ là những ưu tiên hàng đầu trong công tác cải tổ thời gian tới tại Kiev. Vào tuần tới, Chính quyền của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk sẽ báo cáo trước Quốc hội việc thực hiện kế hoạch cải cách đã được phê duyệt từ năm ngoái. Thời điểm kết thúc bản báo cáo này cũng là lúc hết thời hạn miễn trừ việc miễn nhiệm của Chính phủ.

Tại Kiev, phần lớn người dân bày tỏ không hài lòng và dự đoán sẽ có thay đổi trong Chính phủ. Mặc dù vậy, các chuyên gia lại cho rằng Yatsenyuk sẽ bảo vệ được vị trí của mình. Nếu không, phe của ông sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền, dẫn đến xáo trộn trong Quốc hội, gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc mới tại Ukraine.

Mặt khác, việc duy trì trạng thái như hiện nay cũng có nguy cơ dẫn đến khủng hoảng bởi sự bất mãn của người dân trong xã hội hay chính những người thuộc vây cánh Tổng thống Petro Poroshenko đối với hành động của những người xung quanh ông Yatsenyuk.

Hai tuần trước, Thống đốc tỉnh Odessa Mikheil Saakashvily khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình “112 Ukraine” đã tuyên bố rằng những gương mặt thân cận với Chính phủ đều “đã trở thành triệu phú trong vòng nửa năm trở lại đây”.

Ông Saakashvily giải thích thêm: “Họ lấy số tiền này từ đâu? Người thì chi phối lĩnh vực năng lượng, người khác thì nắm giữ trữ lượng titan. Tất cả đều biết về điều này. Trong khi đó tiền không hề đi vào ngân sách. Chính phủ nói: 'Đừng đụng đến chúng tôi'. Thủ tướng nói: 'Nếu phản đối và miễn nhiệm tôi khỏi chức vụ thì đảng của tôi sẽ ra khỏi Liên minh'. Đừng lấy tổ quốc ra để làm sự đảm bảo cho quyền lực và chức vị của mình! Đừng để nhiều người phải chết vì địa vị của ông Yatsenyuk...".

Thống đốc Odessa cũng cho biết một trong những bị cáo trong vụ bê bối lớn tháng 11 vừa qua là Nghị sĩ Nikolai Martyinenko, người được xem là thân cận với ông Yatsenyuk, hồi cuối tuần trước đã tuyên bố từ bỏ tư cách đại biểu quốc hội và những ưu đãi miễn trừ liên quan. Ông này phủ nhận sự tham gia của mình trong các hoạt động gian lận và đề nghị tiến hành một cuộc điều tra.

Trong khi đó, các đại diện của nhóm Thủ tướng cho rằng phe cánh của Tổng thống cũng không thực sự công tâm trong giải quyết vấn đề nhân sự. Trong trường hợp này, người ta ám chỉ tới Chánh văn phòng Tổng thống Boris Lozkin, các cấp “phó” của ông cũng như Tổng chưởng lý Viktor Sokin và một vài nhân vật thuộc Ủy ban chống tham nhũng Quốc hội.

Sergey Leshenko, nhà báo nổi tiếng với các vụ điều tra tham nhũng, hiện là đại biểu Quốc hội thuộc đảng “Khối Petro Poroshenko”, viết trên trang mạng xã hội: “Chuyến thăm của Joe Biden sẽ là gáo nước lạnh đối với các quan chức tham nhũng chính quyền”.

Ngoài ra, đến cuối tháng 12, Quốc hội Ukraine cần kết thúc việc xem xét các nội dung mới của Hiến pháp liên quan đến phân quyền. Nội dung mới này có điểm cho rằng một cơ chế đặc biệt cho các vùng tự trị ở Donbass cần phải được công nhận bằng một đạo luật riêng.

Cuộc bỏ phiếu cho dự luật, diễn ra ngày 31/8, đã dẫn đến hành vi sử dụng lựu đạn gây nổ lớn bên ngoài toà nhà Quốc hội để phản đối. Nhưng các đại biểu quốc hội vẫn ủng hộ dự thảo phần hiến pháp mới này. Việc thông qua phần hiến pháp mới cần được sự chấp thuận của đa số trong 300 đại biểu quốc hội. Các chuyên gia không loại trừ khả năng một cuộc bỏ phiếu sẽ dẫn đến xung đột mới trong liên minh cầm quyền.

Ở Kiev, người ta không loại trừ khả năng Mỹ đang tổ chức các cuộc hội đàm bí mật. Hôm 5/12, vấn đề về tương lai Donbass có thể đã được bàn thảo trong 2 cuộc gặp riêng giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Pavlov Klimkin tại Belgarade, nơi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng OSCE.

Cùng lúc đó, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, Bộ trưởng Ngoại giao Stepan Poltopak và hai Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Kostantin Elisev và Andrey Taranov đã bất ngờ được mời đến thăm tàu sân bay “Garry Truman” của Mỹ ở Địa Trung Hải. Chiều 2/12, các phóng viên Ukraine được biết rằng chính Đại sứ Mỹ Geoffrey R. Pyatt đưa ra lời mời này.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp giữa Ukraine với NATO ở Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Chương trình hợp tác với Ukraine đã được thảo luận”. Tuy nhiên, các thoả thuận cụ thể đã không được các bên công bố.

Nhà phân tích chính trị Ukraine Taras Trornovil trả lời “Báo Độc Lập” rằng kết quả cuộc họp này chính là bài phát biểu của ông Biden trước Quốc hội Ukraine: “Các tuyên bố được ông Biden nêu lên tại Kiev có thể sẽ không chỉ dành cho người nghe Ukraine mà tôi nghĩ nó cũng là một thông điệp đối với Nga, đối với các nhà lãnh đạo châu Âu, đó là sẽ không thể đánh đổi vấn đề Ukraine với vấn đề Syria hoặc bất cứ chủ đề nào khác”.

Trornovil cũng nhận định Tổng thống Poroshenko gần đây đã lên tiếng nhắc nhở rằng thời hạn thực hiện thoả thuận Minsk là đến cuối năm nay. Mỹ đang tích cực tham gia vào giai đoạn này của trò chơi.

TTXVN/Tin Tức
Mỹ công bố khoản viện trợ mới cho Ukraine
Mỹ công bố khoản viện trợ mới cho Ukraine

Mỹ sẽ dành khoản viện trợ bổ sung trị giá khoảng 190 triệu USD cho Ukraine để giúp quốc gia Đông Âu này tiến hành cải cách trong lĩnh vực tư pháp và thực thi pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN