Mỹ thừa nhận đánh giá thấp sự phức tạp tại Syria

Lầu Năm Góc tiết lộ, ngay từ đầu, họ biết rằng sứ mệnh xây dựng một lực lượng chiến đấu từ "mớ hỗn độn" các nhóm nổi loạn tại Syria là rất khó khăn.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 5/10 nhận định sự hiện diện của không quân Nga trên không phận Syria trong chiến dịch không kích IS có gây khó khăn nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch tác chiến của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chiến lược can dự của Mỹ tại Syria đã thất bại. Ban đầu, Mỹ muốn thông qua việc huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các lực lượng đối lập Syria để đối trọng với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad được Nga và Iran hậu thuẫn, đồng thời để ngăn chặn sự phát triển của lực lượng khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Tuy nhiên, giờ đây, các quan chức Mỹ thừa nhận rằng họ đã đánh giá thấp sự phức tạp của tình hình trên thực địa tại Syria.

Trong một cuộc họp báo ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận rằng chương trình của Mỹ đã không đạt hiệu quả như dự tính vì những khó khăn trong việc tìm kiếm các đồng minh tại Syria sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chống IS thay vì chống chế độ cầm quyền của Tổng thống Assad. Trong khi đó, "Nhật báo Phố Wall" ngày 5/10 cho biết trong các cuộc phỏng vấn riêng rẽ, các quan chức chính quyền, cả đương nhiệm và đã nghỉ hưu, cũng như các quan chức Lầu Năm Góc cũng thừa nhận rằng họ đã đánh giá không đúng về tình hình tại Syria.

Các nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc xây dựng một lực lượng trung dung trong phe nổi loạn đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực thi, và cũng không đạt được cả những mục tiêu khiêm tốn nhất. Lầu Năm Góc và các chỉ huy của các nhóm đối lập tại Syria đã liệt kê danh sách 7.000-8.000 tay súng tốt nhất, phỏng vấn họ và chọn lựa để đưa họ đi huấn luyện. Tuy nhiên, hầu hết các tay súng được lựa chọn ban đầu đều mơ hồ về sứ mệnh của họ, và sau khi biết được sứ mệnh là gì, rất nhiều trong số họ đã viện dẫn lý do để rút lui.

Một cuộc oanh tạc của không quân Nga ở Syria ngày 5/10. Ảnh: Reuters/ TTXVN

Các quan chức Lầu Năm Góc tiết lộ: ngay từ đầu, họ biết rằng sứ mệnh xây dựng một lực lượng chiến đấu từ "mớ hỗn độn" các nhóm nổi loạn tại Syria là rất khó khăn. Các quan chức lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ đã nêu ra những câu hỏi với Nhà Trắng về sứ mệnh này, và đã phải chờ đợi nhiều tháng mới có được trả lời. Tất nhiên, ưu tiên của Nhà Trắng và cả Quốc hội là làm thế nào để gặp ít rủi ro nhất, và do đó đề nghị ưu tiên "công tác xét tuyển" để tránh tuyển nhầm khủng bố. Với ít thông tin tình báo về thực địa, rõ ràng việc xác định được các tay súng cam kết với sứ mệnh chống IS của Mỹ là vô cùng khó khăn, nếu như không muốn nói là không thể.

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, các tư lệnh Mỹ bị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, một mặt vừa chịu áp lực không được phép "tuyển nhầm", vừa chịu áp lực phải có một kết quả nhất định. Trong 1 năm qua, đã có 3 "lớp" được mở ra để huấn luyện các tay súng nổi loạn được lựa chọn. Hai lớp đầu, với 124 tay súng được luấn luyện và đưa trở lại thì tới nay chỉ còn 3 tay súng đang hợp tác cùng Mỹ chống IS. Số còn lại một phần trở lại các nhóm chống chính phủ của Tổng thống Assad, một phần "giũ áo quân sự Mỹ" vì sợ bị tấn công. Lớp thứ 3 đã đào tạo xong và hiện ở lại Jordan để hỗ trợ cho lớp huấn luyện thứ 4, chứ chưa được đưa trở lại Syria. Các quan chức Lầu Năm Góc nói rằng vì không có sự hiện diện lớn của quân đội Mỹ trên thực địa nên họ không thể "theo dõi" được các tay súng đã qua huấn luyện trên đất Syria.

Theo lời các quan chức Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Nga quyết định can thiệp quân sự tại Syria, các đồng minh của Mỹ tại khu vực - trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ - đã yêu cầu Tổng thống Obama đẩy mạnh các nỗ lực huấn luyện và cung cấp vũ khí hạng nặng cho các tay súng. Tuy nhiên, việc làm như vậy sẽ tạo ra một thách thức công khai với Nga, thể hiện sự leo thang lớn của Mỹ tại Syria, và đây là điều mà chính quyền Obama không muốn.

"Nhật báo Phố Wall" cho hay, nhiều khả năng chính quyền Obama sẽ giảm quy mô chương trình huấn luyện, chỉ tập trung huấn luyện các "nhóm có đủ khả năng xác định vị trí cho các cuộc không kích nhằm vào IS", đồng thời tập trung đầu tư cho chỉ huy các nhóm nổi loạn, thay vì các tay súng. Một kế hoạch khác đang được xem xét là Mỹ sẽ cung cấp vũ khí trực tiếp cho các lực lượng người Kurd tại Syria.

Lê Dương
Canh bạc “có tính toán” của Nga tại Syria
Canh bạc “có tính toán” của Nga tại Syria

Quyết định ném bom chống IS ở Syria là một canh bạc có tính toán của Tổng thống Nga Putin, nhằm phá thế cô lập Moskva của phương Tây và ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan đang gây ra tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở khu vực Bắc Kavkaz và Trung Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN