Mỹ - Thổ đối đầu hậu đảo chính

Vụ đảo chính quân sự bất thành ngày 15/7 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến quan hệ nước này với Mỹ rơi vào thế đối đầu vô cùng nguy hiểm. Thổ Nhĩ Kỳ ám chỉ Mỹ dính líu vào vụ đảo chính, còn Mỹ liên tục bác bỏ.

Nhiều năm qua, Mỹ luôn tìm cách tận dụng mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh Hồi giáo, một thành viên NATO quan trọng nằm ở khu vực giao nhau giữa châu Âu và Trung Đông, đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, có thể giúp ngăn chặn dòng người tị nạn Syria đổ vào châu Âu, ngăn chặn các tay súng nước ngoài vào Trung Đông đầu quân cho khủng bố. Thế nhưng, vụ đảo chính vừa diễn ra có thể khiến những lợi ích đó trôi tuột khỏi tay.

Phản ứng của Tổng thống Erdogan sau đảo chính bất thành sẽ định hình lại quan hệ Mỹ - Thổ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giáo sĩ lưu vong

Việc Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ có vai trò bắt nguồn từ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulem đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania của Mỹ. Ông Gulen bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan coi là người xúi giục một nhóm trong quân đội đảo chính. Theo ông Nicholas Heras thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới, điều gây tổn hại nhất trong mấy ngày qua là giọng điệu gây hấn từ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Mỹ. Ông Erdogan rõ ràng bất mãn với việc ông Gulen hiện diện ở Mỹ và không hiểu tại sao một người bị ông coi là khủng bố lại có thể sống tự do ở Mỹ.

Ngoài ông Erdogan, nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ khác cũng chung cáo buộc. Thậm chí, Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ còn nói thẳng: “Mỹ đứng đằng sau vụ đảo chính”. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Mỹ đã “làm hỏng” ông Gulen để ông này tìm cách lật đổ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan đã công khai đề nghị Mỹ dẫn độ ông Gulen: “Nếu chúng ta là đối tác chiến lược, các anh cần phải thực hiện yêu cầu của chúng tôi”. Ông nói thêm Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ từ chối đề nghị dẫn độ khủng bố của Mỹ. Đáp lại, phía Mỹ đòi Thổ Nhĩ Kỳ phải cung cấp bằng chứng về việc giáo sĩ Gulen có dính líu đến vụ đảo chính vừa rồi.

Đến ngày 18/7, những lời cáo buộc Mỹ của chính phủ và truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ nhiều đến mức Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông John Bass, đã phải phát tuyên bố phủ nhận mọi thứ: “Những đồn đoán như vậy gây tổn hại cho quan hệ hữu hảo kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai quốc gia”.

“Món quà của chúa”

Không chỉ mâu thuẫn quanh việc dẫn độ giáo sĩ Gulen - người đã bác bỏ liên quan tới vụ đảo chính, Mỹ còn thấy “chướng mắt” với những gì mà ông Erdogan thực hiện sau đảo chính. Trước mắt là việc chính phủ của ông Erdogan bắt giữ tới 6.000 người, từ binh sĩ tham gia đảo chính cho tới các thẩm phán bị nghi ngờ ủng hộ phe đảo chính.

Việc ông Erdogan coi vụ đảo chính là “món quà của chúa” để ông thanh lọc quân đội chắc chắn không khiến Mỹ hài lòng. Con đường mà ông Erdogan đang chọn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho hợp tác quân sự giữa hai quốc gia. Ông James Jeffrey, cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh: “Nếu ông Erdogan tiếp tục chính phủ kiểu như độc tài và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nền dân chủ hạn chế về mặt hiến pháp, điều đó có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị chia rẽ, suy yếu. Chúng tôi không cần điều đó và điều đó sẽ vi phạm các giá trị Mỹ. Chúng tôi sẽ phải phản ứng lại. Đó sẽ là một công thức cho mối quan hệ tồi tệ hơn”.

Không chỉ dừng lại ở việc bắt giam, Tổng thống Erdogan còn muốn khôi phục án tử hình để áp dụng với những người tham gia đảo chính. Khi ông Erdogan mới chỉ đưa ra ý định này đã ngay lập tức bị cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phản đối. Ông Erdogan bị cảnh báo rằng động thái này nếu được thực hiện sẽ đóng sập cửa vào EU của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu ông Erdogan phớt lờ cảnh báo đó, đi theo hướng độc đài, củng cố quyền lực nhân vụ đảo chính, quan hệ với Mỹ chắc chắn sẽ xấu đi.

Phép thử cho quan hệ Mỹ - Thổ sau vụ đảo chính sẽ diễn ra vào cuối tuần này, khi một phái đoàn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tới Washington để tham gia cuộc họp chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) với các quốc gia trong liên minh của Mỹ. Tình hình hiện nay nhạy cảm đến mức Lầu Năm góc không biết quan chức quân đội nào sẽ tới Mỹ trong bối cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra xáo trộn lớn.

Hiện chưa rõ quan hệ quân sự Mỹ - Thổ sẽ diễn tiến như thế nào, nhưng trước mắt, những binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Incirlik là bị ảnh hưởng nhièu nhất. Hôm 17/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã dừng mọi chiến dịch của NATO và Mỹ tại căn cứ này - nơi có ít nhất 1.500 nhân sự Mỹ đồn trú và là trung tâm quan trọng trong chiến dịch không kích chống IS của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ còn cắt điện của căn cứ, khiến lực lượng Mỹ phải dùng nguồn điện nội bộ. Lý do được đưa ra là những kẻ âm mưu đảo chính đã sử dụng căn cứ này và máy bay tiếp liệu trên không để tiếp liệu cho các máy bay chiến đấu dùng trong vụ đảo chính.

Sau này, khi cuộc tranh cãi xung quanh giáo sĩ Gulen được giải quyết, thì Mỹ cũng sẽ chắc chắn phải ngồi im bất lực khi ông Erdogan phớt lờ lời kêu gọi kiềm chế để tăng cường củng cố quyền lực, trấn áp kẻ thù trong nước. Theo các nhà phân tích, phản ứng của ông Erdogan với cuộc khủng hoảng sẽ định hình lại quan hệ Mỹ - Thổ và có thể sẽ là một vấn đề đau đầu mới với tổng thống tiếp theo của Mỹ.
Thùy Dương
Ông Trump làm Tổng thống, nước Mỹ đối mặt với đảo chính quân sự
Ông Trump làm Tổng thống, nước Mỹ đối mặt với đảo chính quân sự

Đó là nhận định của James Kirchik trên tờ Thời báo Los Angeles ngày 20/7 và theo bình luận viên gạo cội này, khả năng đảo chính quân sự dưới thời "Tổng thống Donald Trump" là rất lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN