Mỹ chống Nga: Từ chia cắt lãnh thổ đến phát động Chiến tranh Lạnh

Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đã phản ánh sự rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa Nga với phương Tây, mà cụ thể là Mỹ. Tuy nhiên, nhìn lại tiến trình lịch sử, có thể nhận thấy rằng phong tỏa, kiềm chế Nga luôn là lựa chọn chính sách của nhiều đời Tổng thống Mỹ, bất kể người đó là đảng Cộng hòa hay Dân chủ.

Kế hoạch của Zbigniew Brzezinski

Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết có thể tạm coi là "thành công" của Mỹ, giúp Washington thỏa mãn phần nào tham vọng bá chủ thể giới, tạo lập trật tự đơn cực. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, Mỹ vẫn luôn dành sự chú ý đặc biệt đối với Nga. Trong cuốn hồi ký 600 trang gây chấn động dư luận mới được xuất bản hồi tháng 1 vừa qua có tiêu đề “Duty: Memoirs of a Secretary at War” (tạm dịch: "Bổn phận: Những hồi ức của một bộ trưởng thời chiến"), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tiết lộ kế hoạch của Bộ trưởng Dick Cheney dưới thời Tổng thống Bush (cha) như sau: “Khi Liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991, Dick muốn chứng kiến không chỉ sự tan rã của Liên Xô, đế chế Nga mà ngay cả bản thân nước Nga, để rồi Nga sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành mối đe dọa đối với thế giới”. Ý tưởng này đã trở thành phổ biến trong guồng máy chính sách của Mỹ lúc bấy giờ, với người lãnh xướng không ai khác chính là “Giáo chủ áo xám” Zbigniew Brzezinski, một người chống Nga kịch liệt.

Quan hệ Nga - Mỹ chưa bao giờ yên ả kể từ sau Chiến tranh Lạnh


Kế hoạch của Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Carter là: Thúc đẩy tiến trình chia nhỏ nước Nga thành 68 khu vực tự trị; trung hòa nước Nga, chia nhỏ quốc gia lớn nhất thế giới này thành những thực thể thu nhỏ, tạo điều kiện để Mỹ “duy trì vị thế áp đảo tại khu vực Á-Âu” vốn được xem là trung tâm của quyền lực thế giới.

Trong bài viết được coi là kinh điển có tiêu đề “Địa chiến lược cho lục địa Á-Âu”, Brzezinski đã lý giải thích bản kế hoạch này như sau: Một nước Nga rộng lớn, đa dạng, với một hệ thống chính trị phân quyền và theo đuổi tự do hóa kinh tế sẽ dễ dàng giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của người Nga và nước Nga giàu tài nguyên. Kể cả kịch bản về một chính quyền liên bang lỏng lẻo, bao gồm một nước Nga châu Âu, một nước cộng hòa của người Serbia và Cộng hòa Viễn đông thì những thực thể này vẫn cho phép Nga huy động các tiềm năng này, vốn bị kìm hãm sau hàng thế kỉ điều hành quan liêu. Chỉ có cách phân hóa, phân quyền ở nước Nga mới có thể buộc Moskva không có khả năng tập hợp sức mạnh để gây dựng đế chế.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhanh chóng thất bại với sự xuất hiện của một nhân vật mà sau đó trở thành “cái gai” trong mắt người Mỹ, đó là Vladimir Putin. Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Putin đã quyết lập lại sự điều hành quyền lực tập trung, thống nhất từ chính quyền trung ương đến các chính quyền địa phương và  thực thể trong liên bang, không để xảy ra các tình cảnh cát cứ. Nga cũng đã thành công trong việc ngăn chặn làn sóng chảy máu chất xám, đánh bại ý đồ thúc đẩy “tham nhũng” tràn lan trong xã hội Nga mà Mỹ từng khởi xướng. Dưới sự chèo lái của Putin, Nga đã làm những người trước đây luôn nói rằng “Nga sẽ sụp đổ ngay sau sự sụp đổ của Liên Xô” chỉ còn biết đến thất vọng.

Mỹ đương nhiên cũng không đứng nhìn. Một lần nữa Brezinski lại là người đưa ra ý tưởng mở rộng Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông, áp sát biên giới Nga, coi đây là biện pháp “phòng ngừa”. Chính sách này được chính quyền Bill Clinton triển khai tích cực, mà cụ thể nhất là việc sáp nhập các nước vùng Baltic vào NATO năm 2002.

Một cuộc chiến tranh Lạnh mới?

Khi cuộc khủng hoảng Ukraine đang ở thời điểm cao trào, tờ New York Times ngày 19/4 đã tiết lộ một thông tin rất đáng chú ý: Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với bộ sậu cố vấn tại Nhà Trắng đang thực hiện một kế hoạch mang tính “tương kế tựu kế”: Lợi dụng chính xung đột hiện nay để tạo lập một đối sách dài hạn đối với Nga, vận dụng chiến lược kiềm tỏa kiểu “Chiến tranh Lạnh”, nhưng theo một phiên bản mới.

Cả Barack Obama và Vladimir Putin chắc hẳn sẽ không còn nhiều điều để nói với nhau


Ý đồ thực sự là: Tập trung cô lập nước Nga dưới thời Putin thông qua việc cắt đứt các liên hệ kinh tế, chính trị của Moskva với thế giới bên ngoài; hạn chế việc Nga mở rộng ảnh hưởng ra các nước láng giềng, đẩy Nga trở thành một nước “bị bỏ rơi”. Chiến lược mới của Mỹ lặp lại những gì nhà ngoại giao Mỹ George Kennan đưa ra năm 1947: Kiểm tỏa, ngăn chặn Liên Xô. 

Xem ra, Mỹ đang rất quyết tâm theo đuổi đường hướng này. Các cố vấn của Obama nói là, người đứng đầu Nhà Trắng kết luận thẳng rằng: Ngay cả khi có một nghị quyết giúp giải tỏa thế đối đầu liên quan đến Crimea và miền đông Ukraine, ông cũng sẽ không bao giờ có một mối quan hệ mang tính xây dựng với Putin. Hai năm cuối nhiệm kì sẽ là quãng thời gian để ông Obama giảm thiểu những tác động “bất ổn” mà Kremlin có thể gây ra, duy trì hợp tác tối thiểu trong những lĩnh vực khẩn thiết, gây sức ép với Nga.

Đâu đó cũng đã có tiếng nói cổ súy cho bản kế hoạch mới này. Ông Ivo H. Daalder, cựu đại sứ của Mỹ tại NATO, hiện là Chủ tịch Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago nói: “Đó là một chiến lược mà chúng ta cần phải theo đuổi. Hãy buộc Nga tuần tự phải trả những cái giá đắt hơn. Nó không chỉ giúp giải quyết vấn đề Crimea, miền đông Ukraine, mà còn có thể giải quyết vấn đề nước Nga”.

Bước đi đầu tiên cũng đã lộ hình. Thông tin mới nhất cho thấy, ông Obama sẽ bổ nhiệm một nhân vật có quan điểm “bài Nga” là John F.Tefft làm Đại sứ Mỹ tại Nga. Ông Tefft từng là Đại sứ Mỹ tại Gruzia, Ukraine và Litva. Giới phân tích Nga nhận định: Nhiệm vụ chính của ông John F.Tefft chính là thúc đẩy các chính sách chống lại Nga, nhằm cô lập Moscow trên trường quốc tế. Và đây chính là kịch bản của Chiến tranh Lạnh mới mà Washington đang muốn áp dụng trong quan hệ với Moscow.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu chiến lược mới có thành công hay không, khi mà bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện nay hoàn toàn khác biệt so với thời kì Chiến tranh Lạnh, cùng với đó là vị thế ngày một tăng của nước Nga trên trường quốc tế?


Hoài Thanh

Quan hệ Nga-Mỹ năm 2013: Cuộc so găng cân não
Quan hệ Nga-Mỹ năm 2013: Cuộc so găng cân não

Năm 2013, cộng đồng quốc tế lại được chứng kiến một cuộc "so găng cân não" mới về nhiều vấn đề song phương và quốc tế nóng bỏng trong mối quan hệ vốn được coi là một trong những trụ cột quan trọng nhất của thế giới đa cực ngày nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN