Mùi dầu trong cuộc chiến mới ở Libi

Giữa lúc tiếng súng vẫn còn nổ ở nhiều nơi trong thủ đô Tripôli, các quốc gia phương Tây - những người dùng bom đạn để tự cho mình là ân nhân của phe đối lập ở Libi- đã bắt đầu lao vào một cuộc chiến khác, không kém phần quyết liệt, đó là giành giật nguồn dầu khí của quốc gia Bắc Phi vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn này.

Quân nổi dậy trong cuộc giao tranh với lực lượng trung thành với ông Kadhafi tại Tripoli ngày 25/8.THX-TTXVN


Theo các tờ Thời báo New York và Nước Mỹ ngày nay, ngày 22/8, ngay sau khi lực lượng nổi dậy tràn vào thủ đô Tripôli bao vây dinh thự của nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini đã công khai phát biểu trên truyền hình quốc gia, tự cho rằng Eni SPA - tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Italia có hợp đồng làm ăn tại 70 quốc gia, trong đó chính phủ Italia nắm giữ 30% cổ phần - "phải đóng vai trò số 1 trong tương lai" của quốc gia Bắc Phi này.

Ông Frattini thậm chí còn tung tin các kỹ sư của Eni "đã trên đường sang miền đông Libi để nối lại việc khai thác". Italia, trong những năm gần đây, phụ thuộc vào hơn 20% nguồn dầu nhập khẩu từ Libi. Pháp, Thụy Sỹ, Ai Len và Áo, trước khi chiến tranh bùng nổ, cũng phụ thuộc vào 15% nguồn dầu nhập từ Libi. Nguồn dầu nhập khẩu từ Libi quan trọng với Pháp tới mức Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chính thức mời người đứng đầu Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (TNC) của phe đối lập Libi, Mustafa Abdel-Jalil, đến Pari để tham vấn.

Các tập đoàn năng lượng của các quốc gia phương Tây khác như British Petroleum (BP) của Anh, Repsol của Tây Ban Nha và Total của Pháp, ConocoPhillips và Marathon Corporation - tập đoàn khai thác và lọc dầu lớn thứ 5 có trụ sở ở bang Ohio của Mỹ - cũng đều đã có các thỏa thuận làm ăn với chính phủ của ông Kadhafi trước khi chiến sự nổ ra ở Libi.

Trung Quốc và Nga - hai quốc gia thường chỉ trích các cuộc không kích của NATO ở Libi - cũng đang muốn tìm kiếm các hợp đồng dầu khí tại quốc gia Bắc Phi này. Một bất lợi cho Trung Quốc và Nga là ngày 22/8, một lãnh đạo của Hội đồng dân tộc chuyển tiếp (NTC) - cơ quan đầu não của lực lượng đối lập ở Libi - đã hé lộ chủ trương NTC sẽ "ưu tiên quan hệ" với những quốc gia ủng hộ họ trong cuộc lật đổ ông Kadhafi. Lo ngại các công ty dầu khí của Trung Quốc có thể bị mất các hợp đồng làm ăn tại Libi, ngày 24/8, Wen Zhongliang, một quan chức cấp cao Bộ Thương mại Trung Quốc, đã lên tiếng hối thúc Giám đốc thông tin của Công ty dầu lửa AGOCO do phe nổi dậy kiểm soát, ông Abdeljalil Mayouf, cần tôn trọng các hợp đồng đầu tư của Trung Quốc vào Libi, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ, vì hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Libi là "một phần trong mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước vì lợi ích của người dân hai nước”. Năm ngoái, Trung Quốc giành được 3% nguồn dầu thô xuất khẩu của Libi; trung bình mỗi ngày, 150.000 thùng dầu - chiếm 1/10 lượng dầu thô xuất khẩu của Libi - được chuyển tới Trung Quốc.

Các chuyên gia dự báo phải mất nhiều năm thì hoạt động khai thác dầu mỏ của Libi mới trở lại mức 1,6 triệu thùng/ngày như thời điểm trước khi bất ổn xảy ra. Chiến sự đã buộc các công ty dầu khí nước ngoài phải rút các nhân viên của họ ra khỏi Libi, do vậy, lượng dầu khai thác tại Libi trong vài ba tháng qua chỉ ở mức 60.000 thùng/ngày.

Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN