Mục tiêu mạo hiểm của tân Tổng thống Ai Cập

Ngày 30/6/2012, ông Mohammed Morsi thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo đã chính thức trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm với một mục tiêu đầy mạo hiểm là giành lại toàn bộ quyền lực từ tay quân đội. Hậu quả của cuộc chiến sắp xảy ra giữa ông Morsi và giới tướng lĩnh đầy quyền lực sẽ làm thay đổi bức tranh chính trị của Ai Cập sau 60 năm dưới sự cai trị trên thực tế của quân đội.


Nếu ông Morsi thành công, tổ chức Anh em Hồi giáo chắc chắn sẽ có động lực để tiến lên thực hiện mục tiêu lâu nay của họ là biến Ai Cập thành một quốc gia Hồi giáo. Nếu không, quân đội - lực lượng đã buộc phải từ bỏ quyền lực mà họ được tiếp quản sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ - sẽ tiếp tục duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với Ai Cập trong nhiều năm, thậm chí là hàng thập kỷ tới.


 

Tổng thống Mohammed Morsi (phải) được Hội đồng Quân sự Ai Cập chuyển giao quyền lực ngày 30/6/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Đối với 82 triệu người dân Ai Cập, viễn cảnh xảy ra cuộc chiến dai dẳng giữa phe quân sự và Anh em Hồi giáo - phong trào chính trị lớn nhất ở Ai Cập - sẽ chỉ khiến những bất ổn về chính trị, đã làm chấn động quốc gia này kể từ khi Mubarak bị lật đổ, kéo dài hơn nữa.


Bày tỏ mong muốn có được sự ổn định ở Ai Cập, Mohamed ElBaradei - nhân vật được nhận giải Nobel Hòa bình và cũng là người chủ trương ủng hộ dân chủ hàng đầu của Ai Cập - nói rằng đã đến lúc phải giải quyết các vấn đề hóc búa của Ai Cập như soạn thảo hiến pháp mới, quy định các quyền của tổng thống và làm luật. Ông nói: "Giờ là lúc phải xây dựng đất nước để có thể đạt được các mục tiêu của cuộc cách mạng".


Trong lễ nhậm chức Tổng thống của ông Morsi, cả hai bên (ông Morsi và giới quân sự) đã thể hiện sự đoàn kết. Ông Morsi - một kỹ sư được đào tạo ở Mỹ - đã tuyên thệ tại Tòa án Hiến pháp Tối cao của Ai Cập và đã có bài phát biểu vài giờ sau đó tại trường Đại học Cairô, trong khi các tướng lĩnh đã lên tiếng hoan nghênh một cách lịch thiệp. Ông Morsi đã nhắc lại lời tuyên thệ của ông tại giảng đường lớn của Đại học Cairô và hết lời ca ngợi Hội đồng Quân sự Ai Cập - lực lượng đã hứa chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự trước ngày 1/7, song đã nỗ lực thông qua một loạt sắc lệnh hồi tháng 6 mà theo đó tước đi một số quyền của tổng thống trước khi chuyển giao quyền lực. Các sắc lệnh này đã trao cho quân đội quyền lập pháp sau khi quốc hội bị giải tán theo yêu cầu của tòa án cũng như quyền kiểm soát quá trình soạn thảo hiến pháp của nước này. Các sắc lệnh cũng giúp phe quân sự duy trì ảnh hưởng đối với các vấn đề đối nội và đối ngoại then chốt.


Phát biểu trước các cử tọa, trong đó có rất nhiều thành viên của quốc hội đã bị giải tán, ông Morsi nói: "Các lực lượng vũ trang là tấm khiên và thanh gươm của quốc gia. Tôi xin hứa sẽ bảo vệ thể chế này, bảo vệ những binh lính và các tư lệnh của lực lượng này, làm tăng uy tín của lực lượng này và hỗ trợ họ bằng tất cả quyền lực của tôi để lực lượng này có thể trở nên mạnh mẽ hơn". Tuy nhiên, dường như sau đó ông Morsi đã thúc giục quân đội chuyển giao toàn bộ quyền lực cho chính phủ của ông.


Tham dự lễ nhậm chức, Thống chế Lục quân Hussein Tantawi và Tướng Sami Anan đã tỏ ra không mấy quan tâm đến bài phát biểu của ông Morsi, dù đôi lúc họ vẫn vỗ tay hoan hô. Tuy nhiên, buổi lễ nhậm chức cho thấy quân đội - một trong số rất ít thể chế trụ vững sau cuộc khủng hoảng - hiện đã chấp nhận thực tế rằng cựu thù của họ (tổ chức Anh em Hồi giáo) được dân chúng ủy quyền để giúp quyết định tương lai của Ai Cập.


Trong khi đó, tổ chức Anh em Hồi giáo luôn tỏ ra nghi ngờ về tính hợp pháp của các sắc lệnh mà phe quân đội đã ban hành, đồng thời kêu gọi khôi phục quốc hội mà trong đó quân đội chỉ kiểm soát gần 1/2 số ghế. Một số thủ lĩnh của phong trào này muốn ông Morsi tuyên thệ trước các thành viên của cơ quan lập pháp đã bị giải thể, song ý tưởng này đã bị bác bỏ do có những lo ngại rằng động thái đó có thể sẽ dẫn đến một cuộc đàn áp của quân đội.


Trong bài phát biểu ngắn gọn trước các thẩm phán, ông Morsi nói: "Chúng tôi mong muốn một ngày mai tốt đẹp hơn, một Ai Cập mới. Ngày hôm nay, nhân dân Ai Cập đã đặt nền tảng cho một cuộc sống mới - một cuộc sống hoàn toàn tự do, dân chủ thật sự và ổn định". Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là trong ba bài phát biểu của ông Morsi ngày 30/6, ông không đề cập đến mục tiêu của tổ chức Anh em Hồi giáo muốn Ai Cập hỗ trợ chính trị nhiều hơn nữa cho các lý tưởng Hồi giáo. Ông cũng không đề cập tới trường hợp của Omar Abdel-Rahman - lãnh tụ Hồi giáo bị mù người Ai Cập đang bị giam tù ở Mỹ vì tội âm mưu đánh bom các tòa nhà quan trọng ở thành phố New York và ám sát ông Mubarak.


TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN