Mục tiêu chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình

Mục tiêu hàng đầu mà Bắc Kinh đặt ra trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình (từ ngày 22-25/9) là xây dựng sự nhất trí chung về khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới”.


Bài phân tích được đăng trên tờ “Đại Công báo”
của Hong Kong số ra ngày 16/9 khẳng định rằng mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề trong các lĩnh vực, từ thương mại song phương tới an ninh mạng và các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, song mục tiêu hàng đầu của ông Tập Cận Bình sẽ là xây dựng một sự nhất trí chung về ý nghĩa của khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa Trung Quốc và Mỹ trong vòng 5-10 năm tiếp theo.

Khái niệm có phần khó hiểu này được đưa ra lần đầu tiên trong tài liệu của Trường Trung ương Đảng từ năm 2005, và sau đó ít khi được nhắc tới cho đến tháng 11/2012, khi nó được đưa vào báo cáo tại Đại hội Đảng, lúc đó ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Tổng bí thư mới của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ tại Bắc Kinh hồi năm 2014. Ảnh: AP

Tại cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Obama tại trang trại Sunnylands, bang California vào tháng 6/2013, vài tháng sau khi nhậm chức Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được dẫn lời cho biết Trung Quốc và Mỹ “cần phải cùng nhau hành động để xây dựng một hình mẫu mới về quan hệ nước lớn giữa hai quốc gia, dựa trên sự tôn trọng chung và sự hợp tác cùng có lợi vì lợi ích của người Trung Quốc, người Mỹ, và cả người dân trên toàn thế giới”.

Khái niệm này cũng được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nhắc đến trong một bài phát biểu tại trường Đại học Georgetown hồi tháng 11/2013. Bà nói rằng Washington đang nỗ lực để “cụ thể hóa việc xây dựng một hình mẫu mới cho mối quan hệ nước lớn” với Trung Quốc. Theo bà, điều này có nghĩa là “vừa kiềm chế những cạnh tranh không thể tránh được, vừa đẩy mạnh hợp tác sâu rộng trong các vấn đề mà hai bên có cùng quan điểm”, chẳng hạn việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Bà Rice nhấn mạnh hai nước cũng đang đẩy mạnh “mối quan hệ quân sự song phương” thông qua việc nâng tầm “các cuộc đối thoại an ninh chiến lược” và hợp tác trong các vấn đề như xử lý nạn không tặc và và đảm bảo an ninh hàng hải.

Trong suốt 6 vòng đàm phán tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung hồi tháng 7/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh rằng ông từng nhiều lần nghe nói về thuật ngữ “mô hình mới của mối quan hệ nước lớn”, nhưng ông cho rằng khái niệm này nên được xác định rõ bằng hành động hơn là lời nói. Mặc dù vậy, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì được báo chí dẫn lời vẫn nói với ông Kerry về việc xúc tiến một hình thức mới của các mối quan hệ quyền lực quan trọng khi hai người gặp nhau tại Washington vào tháng 10/2014.

Ngay sau khi Tổng thống Obama tới thăm Bắc Kinh để dự hội nghị APEC, ông đã nhấn mạnh rằng quan hệ nước lớn kiểu mới không chỉ đơn giản là một khái niệm, mà phía Mỹ sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc để biến nó thành hành động.

Nội hàm của khái niệm này tiếp tục được thảo luận khi bà Susan Rice gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 8/2015. Chủ tịch Trung Quốc khi đó nhấn mạnh rằng quan hệ nước lớn kiểu mới có nghĩa là “không xung đột hay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi. Quan điểm này đã được ông Dương Khiết Trì nhắc lại một lần nữa mới đây hôm 11/9.

Ngày 15/9, Yang Xiyu - chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc - nói rằng Trung Quốc vẫn do dự về khái niệm này bởi những khác biệt về cấu trúc còn tồn tại trong quan hệ song phương. Ông cho rằng hiện vẫn còn nhiều vấn đề trong việc đạt được sự đồng thuận sâu sắc hơn về khái niệm này bởi hai bên vẫn tiếp tục có những nghi ngờ lẫn nhau về mặt chiến lược. Theo ông Yang, Bắc Kinh phải tích cực thúc đẩy phương hướng của khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” này hơn nữa. Trung Quốc không được tìm cách lấn át vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, trong khi Mỹ không nên tìm cách chi phối Trung Quốc. Ông nói thêm rằng cho dù các vấn đề không thể được giải quyết ngay lập tức, nhưng chúng sẽ trở nên dễ dàng xử lý hơn trước.

Mạng tin "Đa chiều", xuất bản bằng tiếng Trung ở Mỹ, cho rằng mong muốn lớn nhất của Bắc Kinh trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình tới Mỹ là đạt được đồng thuận với ông Obama về khái niệm cụ thể của “quan hệ nước lớn kiểu mới”, thay vì giải quyết các vấn đề đơn lẻ. Mạng tin này cho rằng mặc dù bất đồng giữa hai bên vẫn tồn tại, song Bắc Kinh tin rằng khái niệm này sẽ mang lại sự thay đổi căn bản trong bản chất quan hệ hai nước. Đây là lý do tại sao chính phủ Trung Quốc lại đặt kỳ vọng cao như vậy vào chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, theo mạng tin “Đa chiều”, Washington vẫn giữ quan điểm rằng “quan hệ nước lớn kiểu mới” chỉ là một khái niệm và họ không quan tâm đến việc tìm ra nội hàm thực chất của nó. Washington hiện quan tâm đến việc giải quyết nhanh chóng các vấn đề cụ thể trước mắt, trong khi Bắc Kinh lại bận tâm đến bức tranh tổng thể và kế hoạch dài hạn. Mạng tin “Đa chiều” khẳng định rằng sự khác biệt cơ bản trong cách tiếp cận cho thấy cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với ông Obama vào tuần tới sẽ không mang lại kết quả như mọi người hy vọng.

TTK
Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ: Khó có bước ngoặt ngoại giao
Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ: Khó có bước ngoặt ngoại giao

Giới phân tích không tỏ ra lạc quan về những tiến triển mang tính thực chất đối với cuộc gặp sắp tới khi mà giữa hai nước hiện vẫn tồn tại nhiều rạn nứt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN