Mùa hè bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo "Hội đồng quốc tế Canada" ngày 3/6, các cuộc biểu tình dẫn đến bạo động và sự can thiệp của cảnh sát ở một số thành phố tại Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến các nhà phân tích bối rối.

Với việc hơn 1.700 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình lan rộng từ thành phố Istanbul đến thành phố Izmir, một số nhà phân tích dự đoán đó sẽ là “Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ”. Những người biểu tình chủ yếu là thế hệ trẻ, tập trung ở các trung tâm thành phố, bày tỏ sự thất vọng đối với sự độc tài chính trị của Đảng Phát triển và Công lý (AKP) cầm quyền của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan.

Người biểu tình đốt phá tại Ankara ngày 3/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Một số nhà phân tích khác lại cho rằng đây là hoạt động tập trung phạm vi hẹp hơn so với các cuộc biểu tình dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Mubarak ở Ai Cập vào đầu năm 2011. Nếu Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhượng bộ, “ngọn lửa” đấu tranh của các nhà hoạt động môi trường và phản đối tư bản sẽ bị dập tắt.

Các nhà phân tích tập trung vào yếu tố châm ngòi bất ổn là sự phản đối kế hoạch phá một công viên xanh thanh bình dọc quảng trường Taksim ở Istanbul để xây dựng trung tâm thương mại. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở 67 thị trấn và thành phố khởi nguồn từ sự phản đối đó chỉ liên quan đến một khu dân cư rõ ràng đã trở thành vấn đề lớn hơn nhiều.

Do vậy, có phân tích cho rằng "Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ" có thể chưa xảy ra nhưng các cuộc biểu tình cho thấy sự bất bình âm ỉ lâu nay đối với các chính sách xã hội bảo thủ của AKP - bao gồm các quy định mới đây liên quan việc mua bán đồ uống có cồn, quyền nạo phá thai... - đã đạt đến “điểm sôi”.

Tất cả các phân tích nêu trên đều có phần đúng. Có dư âm của sự kiện ở Ai Cập nhưng còn quá sớm để biết sức mạnh của các cuộc biểu tình lớn tới mức nào. Yếu tố châm ngòi là một quyết định xây dựng độc tài và sợi chỉ dệt nên xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ ở các mối nối. Điều khiến các nhà phân tích đau đầu là không ai biết được sức mạnh tổng hợp của sự tức giận bị dồn nén lâu nay cộng với mối bất bình mới sẽ đi đến đâu.

Để hiểu được lý do sâu xa của các cuộc biểu tình, cần chú ý bối cảnh cơ bản của xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một xã hội đang bị phân cực gay gắt. Quốc gia nằm giữa hai châu lục Á và Âu này chưa bao giờ có sự gắn bó xã hội ở mức độ cao. Việc xây dựng nhà nước tập trung vào một ý đồ của cựu Tổng thống Kemal Ataturk đã chuẩn bị cho những chia rẽ ý thức hệ và sắc tộc. Hiện nay, điều này đang được nhận thấy rõ.

Kể từ khi đảng Hồi giáo AKP lên nắm quyền, căng thẳng xã hội đã nổi lên. Không khó để chứng kiến sự giận dữ ra mặt của những người Thổ Nhĩ Kỳ thế tục trong các cuộc trò chuyện. Đặc biệt, tầng lớp thượng lưu thành thị “oán giận” và không tin tưởng vào sự điều hành đất nước của AKP. Tầng lớp này cho rằng sự tiến bộ của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị các chính sách tôn giáo của AKP làm xói mòn.

AKP tất nhiên không làm cho tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều tức giận. Bằng chứng là đảng này liên tục gặt hái thành công chính trị, nhận được số phiếu bầu ngày càng tăng trong các cuộc bầu cử. AKP đã thông qua một số chính sách xã hội được những người ở tầng lớp trung lưu và thấp hơn ủng hộ. Những người này cũng ngưỡng mộ thành quả phát triển kinh tế to lớn mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được trong thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của AKP. Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường mới cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khi đầu tư nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi và Trung Đông đang ở mức cao nhất. Phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỹ đang được mở rộng thông qua vai trò quan trọng hơn trong các diễn đàn quản trị khu vực và quốc tế.

Chính mức độ thành công về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến khích AKP mạo hiểm hơn trong thực hiện chính sách bảo thủ và triển khai các chiến lược địa chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ đã có tiếng nói cứng rắn đối chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria; thúc đẩy vấn đề độc lập của người Cuốc; thông qua lập trường ủng hộ Palestine mạnh mẽ bất chấp các thỏa thuận quân sự và chiến lược hàng thập kỷ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ do các chính phủ tiền nhiệm ký kết. Việc đảng cầm quyền hiện có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế đã làm cho người Thổ Nhĩ Kỳ tự hào. Tuy nhiên, AKP đang dựa vào thành công đó để áp đặt tuân thủ lớn hơn đối với tập tục xã hội bảo thủ trong nước, điều khiến nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng và tức giận.

Theo giới phân tích, các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không sớm kết thúc. Chúng có xu hướng bùng phát trở lại cam go hơn sau một số ngày tạm lắng. Các cơ quan, tổ chức xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đóng cửa vì cuộc trấn áp của cảnh sát cho dù có tàn bạo. Chỉ có cải cách chính trị, hiện đang tụt hậu khá xa so với tốc độ phát triển kinh tế, mới có thể cho phép sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phát triển với sự ủng hộ của tất cả người dân nước này.

Cuộc bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ năm 2014 đang “ló rạng” nhưng triển vọng AKP nới lỏng quyền lực dường như không xảy ra. Thủ tướng Erdogan đã tuyên bố rõ rằng ông muốn cải cách hiến pháp sẽ làm tăng sức mạnh và quyền hạn của Tổng thống, vị trí mà ông có dấu hiệu sẽ tiếp quản. Phe đối lập đang tố cáo đề xuất cải cách hiến pháp như sự cố thủ chính trị độc tài.

Các cuộc biểu tình càng kéo dài, đối thoại chính trị và xã hội sẽ càng khó khăn. Ông Erdogan có thể đúng khi cho rằng không có "Mùa xuân Thổ Nhĩ Kỳ", nhưng rất có thể đó là một mùa hè Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài với những bất ổn.


TTXVN/Tin tức
Bạo lực bùng phát trở lại khắp Thổ Nhĩ Kỳ
Bạo lực bùng phát trở lại khắp Thổ Nhĩ Kỳ

Các cuộc xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình đã bùng phát trở lại tại các thành phố lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan lên án những người biểu tình là "những kẻ cực đoan bắt tay với khủng bố".

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN