Một số lựa chọn quân sự cho chính quyền Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn ném bom tiêu diệt tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và lên tiếng chỉ trích sự quản lý quá chặt chẽ các tướng lĩnh của Nhà Trắng, nhưng ông lại đưa ra rất ít thông tin cụ thể về kế hoạch sắp xếp Lầu Năm Góc trong tương lai.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Mặc dù các quan chức trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, những người sẽ bàn giao lại quyền hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ vào ngày 20/1, nói rằng họ đã làm mọi thứ để tiêu diệt IS, nhưng các tướng lĩnh quân đội cấp cao đang vạch ra các kế hoạch mới. Kế hoạch này có thể dẫn đến việc Mỹ sẽ điều động thêm binh sĩ đến Trung Đông và khiến Lầu Năm Góc áp dụng quan điểm cứng rắn hơn trong các vấn đề quan trọng khác, trong đó có việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump nói rằng ông sẽ “ném bom hủy diệt” IS và có một kế hoạch bí mật để nhanh chóng tiêu diệt chúng. Ông không nêu rõ chi tiết cụ thể, nhưng sau đó nói rằng ông sẽ triệu tập các tướng lĩnh hàng đầu và “đưa ra chỉ thị rằng: Họ sẽ có 30 ngày để đệ trình lên Phòng Bầu dục kế hoạch tiêu diệt IS”.

Một dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump sẽ sớm từ bỏ chính sách của ông Obama đã được đưa ra trong phiên điều trần tuần trước về người đứng đầu Lầu Năm Góc sắp tới - ông James Matttis, một tướng Hải quân về hưu, người nhận được nhiều ủng hộ của cả hai đảng và sẽ trở thành một trong những người đầu tiên trong nội các mới được tuyên thệ nhậm chức. Ông Mattis nói rằng cuộc tấn công nhằm vào thành phố Raqqa, thành trì chính của IS ở Syria và là thủ phủ của “Vương quốc Hồi giáo” mà chúng lập ra, “cần được xem xét lại và có thể được củng cố hơn nữa”.

Câu hỏi chính ở đây là liệu Mỹ sẽ trang bị vũ khí cho Lực lượng người Kurd ở Syria để dẫn đầu cuộc tấn công này hay không - một động thái chắc chắn sẽ làm đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận - hay liệu Mỹ sẽ điều động thêm binh sĩ tới đây?

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên phát biểu với AFP rằng các nhà hoạch định chính sách cấp cao đang chuẩn bị một vài lựa chọn để ông Trump và ông Mattis xem xét. Quan chức này nói: “Nếu các nguồn lực cần thiết - bao gồm các vũ khí - không được phân bổ cho các đối tác sẽ tham chiến ở Raqa, thì một lựa chọn khác sẽ là điều động các binh sĩ của liên minh hoặc của Mỹ đến chiến trường để tăng cường sức mạnh chiến đấu hoặc quản lý các nguồn lực đó”.

Binh sĩ Mỹ tại căn cứ không quân Qayyara, cách Mosul 35km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN

Các kế hoạch ở Syria có thể bao gồm điều động thêm một hoặc một vài sư đoàn của Mỹ tới đây, mỗi sư đoàn gồm hàng nghìn quân. Hiện tại, Mỹ chỉ có khoảng 500 binh sĩ ở Syria, chủ yếu là lực lượng đặc nhiệm hoạt động phía sau tiền tuyến để huấn luyện các binh sĩ người Kurd và người Arập Syria. Quan chức nói trên cho rằng “việc điều động thêm binh sĩ Mỹ sẽ là một cách để bù đắp cho việc không cung cấp vũ khí và nguồn lực thích hợp cho các lực lượng địa phương, đó sẽ là một lựa chọn”.

Ngày 18/1, Tướng Joe Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - cho biết ông sẽ đệ trình ông Mattis các lựa chọn để “tăng cường chiến dịch” chống lại IS. Phát biểu với các phóng viên ở Brussels, ông Dunford nói: “Điều quan trọng là ban đầu, chúng ta sẽ có cuộc thảo luận về những gì chúng ta đang làm hiện nay, tại sao chúng ta lại thực hiện việc đó, những điều gì khác có thể làm và tại sao chúng ta đến nay chưa thực hiện điều đó”.

Chính vì Tổng thống Obama đắc cử năm 2008 nhờ cam kết sẽ chấm dứt các cuộc xung đột của Mỹ ở Trung Đông, nên ông luôn phản đối việc đưa binh sĩ Mỹ tham chiến và thu hẹp các chiến dịch. Trong khi đó, ông Trump lại là một giám đốc điều hành doanh nghiệp và quen với việc giao phó công việc, bởi vậy ông sẽ trao quyền tự quyết hơn nữa cho ông Mattis.

Trong buổi phỏng vấn với tờ “USA Today”, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng David Goldfein, nói rằng các tướng lĩnh quân đội đang chuẩn bị cho các lựa chọn mà theo đó sẽ trao thêm quyền tự quyết hơn nữa cho các tướng chỉ huy để tiến hành chiến tranh mạng bí mật và sử dụng vũ khí không gian.

Ông Trump, người đã đưa ra những bình luận khiêu khích trong chiến dịch tranh cử, từng nói rằng ông muốn tiêu diệt gia đình của các phần tử thánh chiến bị tình nghi. Bình luận gây kích động như vậy sẽ bị ông Mattis phản đối, người từng nói rằng hành động như vậy không phù hợp với luật pháp Mỹ và Công ước Geneva.

Tuy nhiên, ông Mattis lại là người có quan điểm cứng rắn với Iran và đã mô tả nước này là “nhân tố hung hăng nhất ở Trung Đông”. Các tàu chiến Iran thường theo dõi các tàu Mỹ ở Vịnh Ba Tư và tới gần sát các tàu này. Ông Mattis nói rằng Mỹ có thể áp dụng quan điểm cứng rắn hơn nữa để đối phó với ảnh hưởng của Iran, bao gồm việc tăng cường kiểm tra tuyến đường biển để tìm kiếm các tàu giấu vũ khí của Iran.

Ông Mattis và ông Trump cũng phải đối phó với các tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, chương trình tên lửa của Triều Tiên và một điều cấp bách khác đó là làm cách nào đối phó với Nga. Ông Trump đã bày tỏ dấu hiệu hòa giải với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng ông Mattis lại cáo buộc Nga tìm cách chia rẽ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và khẳng định Mỹ cần đứng lên chống lại cựu thù.

TTXVN/Tin Tức
Ông Trump tham vọng quân đội Mỹ sẽ diễu binh hoành tráng tại thủ đô
Ông Trump tham vọng quân đội Mỹ sẽ diễu binh hoành tráng tại thủ đô

Tổng thống đắc cử Donald Trump mới đây đã tiết lộ về nguyện vọng của bản thân rằng Mỹ sẽ tổ chức cuộc diễu binh hoành tráng để phô trương lực lượng, điều vô cùng hiếm trong lịch sử nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN