Mối quan hệ liên minh phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ

Giận Mỹ, đe dọa quay lưng tới toàn bộ phương Tây, thăm Nga sau khi dẹp yên đảo chính, nhưng cuối cùng Ankara vẫn phải bắt tay với Washington để tấn công IS. Đó là cả một liên minh vô cùng phức tạp.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Gaziantep, giáp giới Syria ngày 24/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/8 đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để nói lời xin lỗi với  Tổng thống Erdogan vì Washington đã không thể hiện "tình đoàn kết" rõ rệt với Ankara sau sự kiện một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành đảo chính hồi giữa tháng 7 vừa qua.


Theo tờ "Economist" số ra mới đây, chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần này của Phó Tổng thống Biden nhằm cứu vãn mối quan hệ đang xấu đi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, một số quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng những gì mà ông Biden đã nói và làm trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ là chưa đủ để "cứu vãn" cho mối quan hệ giữa hai nước khi nhiều người cho rằng tình báo Mỹ biết trước về âm mưu đảo chính này.


Nhiều tuần sau khi xảy ra vụ đảo chính bất thành, báo chí ủng hộ Chính quyền Erdogan đều lên tiếng cho rằng quân đội Mỹ hoặc CIA đã chỉ thị cuộc đảo chính nói trên. Những cuộc điều tra thăm dò dư luận tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy đại đa số người dân nước này đều tin rằng Mỹ có liên quan đến vụ đảo chính hồi tháng 7/2016.


Việc Mỹ không bắt giữ ông Gulen tại nơi làm việc ở Pennsylvania chính là lý do khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ. Nhà thần học Hồi giáo Fethullah Gulen là người thành lập một phong trào Hồi giáo xuyên quốc gia. Phong trào này không có tên chính thức nhưng thường được những người ủng hộ gọi là "Hizmet" (Dịch vụ) trong khi công chúng rộng lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ gọi là "Cemaat" (Cộng đồng).


Ông Gulen trong nhiều năm là một đồng minh thân cận của đảng Bảo thủ Hồi giáo AKP đang nắm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bất hòa với ông Erdogan xảy ra vào năm 2013 khi cơ quan tư pháp khởi xướng điều tra rộng rãi nạn tham nhũng của các chính trị gia và doanh nhân xung quanh ông Erdogan. Kể từ khi đó ông Gulen và ông Erdogan là "kẻ thù không đội trời chung".


Trong cuộc đảo chính vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cho rằng phong trào do Gulen dẫn dắt là "chủ mưu" cuộc đảo chính. Trong khi đó, các nhà phân tích phương Tây chia làm hai phe, một phe đồng quan điểm với ông Erdogan cho rằng những người phong trào của Gulen đã giật dây cuộc đảo chính, số khác cho rằng có thể là một nhóm trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.


Một số tổ chức ở Mỹ và châu Âu đã lên tiếng phê phán cách xử lý của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tỏ ra thận trọng với sự gia tăng độc đoán chuyên quyền của ông Erdogan trong những năm gần đây. Việc Chính quyền Erdogan bắt giữ hàng nghìn người bị nghi ngờ theo phong trào của ông Gulen và các thế lực chống đối khác càng tạo nên mối nghi ngờ rằng ông Erdogan nhân vụ đảo chính để đàn áp, bắt bớ để củng cố quyền lực. Điều này làm tổn thương những người Thổ Nhĩ Kỳ đang ca tụng chiến thắng của chính quyền dân sự trước những kẻ đảo chính bất hợp pháp.


Theo nhận định của một luật sư nhân quyền, châu Âu thực ra đã đúng khi bày tỏ lo lắng rằng việc thanh trừng, xét xử những người liên quan đến đảo chính của Ankara không tuân thủ đúng quy trình và những quyền căn bản của con người. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua sắc lệnh cho phép bắt giữ 30 ngày đối với những người bị tình nghi liên quan đến đảo chính để điều tra mà không cần sự cho phép của tòa án và hạn chế cho phép những người bị bắt được tiếp cận với các luật sư. Bên cạnh đó, Ankara đã không chú ý đến những tài liệu, chứng cứ mà chỉ tập trung vào chỉ trích kết tội phong trào Gulen, Sezgin Tanrikulu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc gặp tại Moskva ngày 9/8. Ảnh: EPA/TTXVN

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ quay lưng hoàn toàn với phương Tây. Tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vào thời điểm vụ đảo chính đang diễn ra và Nga cũng là quốc gia đầu tiên ông Erdogan đến thăm sau khi dẹp yên vụ đảo chính ở trong nước. Theo nhà nghiên cứu Gonul Tol thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông, Ankara lâu nay có quan điểm ủng hộ việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar Assad, người đang được cả Iran và Nga ủng hộ.


Tuy nhiên, về mặt chiến lược, Nga không thể thay thế phương Tây trở thành đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ. Nga và EU là kẻ thù của nhau trong lịch sử và là đối thủ tranh giành ảnh hưởng tại Trung Đông và Biển Đen. Trong bối cảnh này, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ có giá trị hơn.


Trên thực tế khi ông Biden đến Thổ Nhĩ Kỳ, các lực lượng của Ankara lần đầu tiên tiến vào Syria dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ, chuẩn bị cho cuộc tấn công đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dù không được Damascus chấp thuận. Mặc dù "bầm gan tím ruột" trước phản ứng của phương Tây đối với vụ đảo chính vừa qua cũng như sự ngờ vực Mỹ giúp phong trào của Gulen, nhưng cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quay hẳn lưng lại với Mỹ và EU - tờ "Economist" kết luận.


TTK
Động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ khi can thiệp sâu vào Syria
Động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ khi can thiệp sâu vào Syria

Giới phân tích cho rằng quyết định gửi quân tới Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ thành hiện thực, đó là nguy cơ một khu tự trị của người Kurd ở Syria được thành lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN