Mặt trái của nhiên liệu sinh học

Mạng bình luận ALAI (Êcuađo) mới đây đã đăng bài viết nhận định quá trình mở rộng diện tích trồng cây phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học đang là một “thảm họa” với các nước đang phát triển (các nước “phương Nam”).

Trong vòng 50 năm tới, thế giới sẽ phải chuyển dịch mô hình năng lượng, từ nhiên liệu hóa thạch hiện tại sang các nguồn khác, mà trong ngắn hạn thì giải pháp dễ dàng nhất là nhiên liệu sinh học. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đã bùng nổ và vẫn tiếp tục rình rập, thì lựa chọn vốn đòi hỏi ít đầu tư và cho lợi nhuận nhanh này lại càng chiếm nhiều ưu thế, thế nhưng giống như trong nhiều trường hợp, các nhà kinh tế không đưa nhiều vào trong tính toán của mình những “yếu tố ngoại vi”, mà trong trường hợp này là những tác hại về sinh thái và môi trường.

Để đáp ứng 25-30% nhu cầu năng lượng toàn cầu hiện tại bằng nhiên liệu sinh học, sẽ cần tới hàng trăm triệu ha đất trồng trọt, chủ yếu tập trung tại các nước “phương Nam” khi mà tại các nước “phương Bắc” không còn đủ diện tích canh tác. Đồng thời, người ta dự tính sẽ phải cưỡng bức di dời khoảng 60 triệu nông dân khỏi những cánh đồng của họ, điều này càng đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và làm gia tăng dòng người nhập cư vào các thành phố.

Việc trồng cây phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học theo mô hình độc canh hủy hoại sự đa dạng sinh học và gây ô nhiễm nặng cho đất và nguồn nước. Trước bối cảnh khủng hoảng nước ngọt mà nhân loại đang đối mặt, mức độ sử dụng nước để sản xuất ethanol (cồn sinh học) là phi lý: Nếu sử dụng nguyên liệu ngô, trung bình để sản xuất một lít ethanol cần tới 1.200 - 1.300 lít nước, trong khi nguyên liệu mía cũng đòi hỏi mức độ sử dụng nước khổng lồ. Tình trạng ô nhiễm đất và nước đang ở mức chưa từng thấy, tạo ra những cánh đồng hàng km2 mà ngoài cây trồng không có một bóng động vật nào và hiện tượng “biển chết chóc” tại những cửa sông (ví dụ như ở cửa sông Mississippi của Mỹ) chủ yếu do việc mở rộng độc canh ngô để sản xuất ethanol. Việc mở rộng diện tích trồng cây làm nhiên liệu sinh học hủy hoạt trực tiếp và gián tiếp nhiều diện tích rừng.

Tác động của nhiên liệu sinh học đối với vấn đề lương thực đã được kiểm chứng, không chỉ vì quá trình sản xuất loại năng lượng này xung đột trực tiếp với sản xuất lương thực trong một thế giới mà theo Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên hợp quốc vẫn còn hơn 1 tỷ người chịu đói mà còn bởi nó là nguyên nhân chính dẫn tới việc đẩy giá lương thực lên cao, như đã diễn ra trong năm 2007 và 2008. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết việc giá lương thực trên thế giới tăng, đã đẩy thêm 100 triệu người vào cảnh đói, phần nào là do sản xuất nhiên liệu sinh học. Vì vậy, Jean Ziegler, trong nhiệm kỳ làm Điều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền được đảm bảo dinh dưỡng, đã gọi nhiên liệu sinh học là “tội ác chống loài người” và người kế nhiệm ông, Olivier De Schutter, đã đề nghị hoãn các kế hoạch sản xuất nhiên liệu sinh học trong 5 năm.

Lập luận rằng nhiên liệu sinh học là “năng lượng xanh” và là một giải pháp chống biến đổi khí hậu cũng đang trở thành mốt. Đúng là các loại động cơ sử dụng nhiên liệu này thải ít khí CO2 vào khí quyển hơn, nhưng nếu tính tới cả toàn bộ chu kỳ từ sản xuất, phân phối và sử dụng thì ưu điểm trên sẽ giảm đi ít nhiều, và trong một số trường hợp thì nhiên liệu sinh học còn tiêu cực hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

Vì thế, giải pháp trên cấp độ toàn cầu chỉ có thể là giảm mức tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là tại các nước phát triển, và đầu tư vào công nghệ mới (đặc biệt là năng lượng mặt trời). Còn nhiên liệu sinh học bản thân nó không hoàn toàn mang tính tiêu cực và có thể là giải pháp đáng quan tâm ở cấp độ địa phương, với điều kiện tôn trọng sự đa dạng sinh học, chất lượng đất và nguồn nước, và đảm bảo an ninh lương thực.

Lê Hà (P/v TTXVN tại Áchentina)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN