Màn hỏa mù của Mỹ trong vấn đề Syria

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 12/5, chính phủ Mỹ và các nhà tham mưu về chính sách Trung Đông của họ đang "câu giờ" tại Syria. Sự dịu giọng gần đây của Washington trong vấn đề này chỉ là màn hỏa mù để tạo điều kiện cho Mỹ và các đồng minh thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) thay đổi chiến lược và thay đổi các liên minh ủy nhiệm nhằm lật đổ chế độ tại Syria và Iran. Hiện nay, các lực lượng ủy nhiệm của Mỹ và các đồng minh vùng Vịnh đang "thất bại" trước quân đội của chính phủ Syria.


 

Cảnh thành phố bất ổn Aleppo ở miền bắc Syria ngày 12/5/2013. Ảnh: AFP-TTXVN

 

Trong 6 tuần gần đây, quân đội Syria đã tiến hành một chiến dịch phối hợp trên toàn quốc nhằm vào các nhóm dân quân Salafi/Jihaddi đang đóng trại tại các thành phố, thị trấn và làng mạc trên cả nước. Các nỗ lực này tập trung vào hai mục tiêu chính: Thứ nhất, tạo điều kiện cho chính phủ Syria chiến đấu vô thời hạn và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ vật tư, trang thiết bị và trong một số trường hợp được hỗ trợ cả về nhân lực từ các đồng minh quốc tế của họ là Iran, phong trào Hezbollah và Nga. Thứ hai, quân đội cũng đang tập trung cắt đứt các tuyến đường cung cấp và hành lang vũ khí của phiến quân, chủ yếu chạy qua bắc Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.


Ban đầu, việc Nga và Trung Quốc phản đối khả năng lập vùng cấm bay tại Syria theo kiểu Libya đã giáng một đòn mạnh vào các kế hoạch ngắn hạn của Mỹ trong khu vực, khiến Washington chọn việc thực thi kế hoạch của họ một cách bí mật với các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm khu vực. Vì nhiều lý do, Mỹ đã chọn tiếp tục theo đuổi chiến lược bí mật, chủ yếu vì sự phản đối ở trong nước. Thành công của quân đội Syria trên thực địa, cùng với việc các đồng minh của Syria không muốn tuân theo các yêu cầu của Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), đồng nghĩa với việc chiến lược ủy nhiệm bí mật này đang bế tắc. Việc Mỹ không thể công khai trang bị vũ khí cho các chiến binh Hồi giáo Syria hoặc không lập được vùng cấm bay là lý do chính khiến Bộ Ngoại giao Mỹ thay đổi giọng điệu và "đãi bôi" với lập trường của Nga, dựa trên Thông cáo Geneve năm 2012 của LHQ, kêu gọi tất cả các bên tham gia tiến trình chuyển đổi hòa bình. Mỹ hoàn toàn không muốn Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục tham gia tranh cử tại Syria.


Mục tiêu của Mỹ về việc nhanh chóng thay đổi chế độ tại Syria cho đến nay đã thất bại. Những lý do khiến Mỹ thay đổi giọng điệu công khai và thay đổi các mục tiêu ngắn hạn là chính quyền Mỹ không thể công khai trang bị vũ khí và tài trợ cho những lực lượng dân quân mà ban lãnh đạo nòng cốt bao gồm cả các nhà tư tưởng và những người đồng cảm với mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Thêm vào đó, quân đội Syria và các đồng minh thuộc "trục kháng cự" đã chứng tỏ là một lực lượng chiến đấu có khả năng và quyết tâm cao hơn dự đoán. Các đồng minh quốc tế của Mỹ dường như không muốn để Mỹ lập khu vực cấm bay tại Syria. Công luận phương Tây phản đối một hành động xâm lược.


Bất chấp sự thay đổi rõ ràng trong giọng điệu công khai của Mỹ cũng như những cỗ máy truyền thông tuyên truyền cho chính sách của Mỹ, Washington đang tìm cách tiếp lại sinh lực cho các lực lượng cực đoan, đổi hướng cuộc nổi dậy để tái định hình và "gắn lại mác" cho những lực lượng mà họ tài trợ và cung cấp để lật đổ chính phủ Assad. Trên thực tế, các mục tiêu lâu dài của Mỹ và các đồng minh trong khu vực nói chung là thuận lợi. Syria đang trong tình trạng hoàn toàn khủng hoảng, khiến Iran không thể bảo vệ nước láng giềng nếu bị tấn công. Toàn bộ cấu trúc xã hội của Syria đã bị xé nát bởi hận thù phe phái và sự trả thù. Các cuộc không kích gần đây của Ixraen là một dấu hiệu quan trọng khác để người ta có thể rõ hơn về các mục tiêu gây bất ổn khu vực lâu dài của phương Tây. Mục tiêu của Mỹ và phương Tây là hủy diệt của các bên tham chiến, sau đó nhanh chóng thành lập các chính phủ bù nhìn biết nghe lời, với những chia rẽ sắc tộc, li khai và làm suy yếu hơn nữa phe phản đối việc phương Tây cướp đoạt tài nguyên và đất đai trong khu vực.



Dương Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canada)

Syria sẽ tiến vào Cao nguyên Golan 'bất cứ lúc nào'
Syria sẽ tiến vào Cao nguyên Golan 'bất cứ lúc nào'

Chỉ một tuần sau vụ không kích của Israel, chính phủ Syria tuyên bố sẽ đưa quân tiến vào khu vực Cao nguyên Golan bị chiếm đóng "bất cứ khi nào bởi vì đó là vùng đất của Syria".

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN