Magnitsky thử nghiệm quan hệ Nga - Mỹ

Việc Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt những cá nhân người Nga vi phạm nhân quyền là cuộc thử nghiệm lớn đầu tiên đối với quyết tâm của Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.


 

Thượng viện Mỹ bỏ phiếu về Điều khoản Magnitsky ngày 6/12. Ảnh: Internet

 

Điều khoản nhân quyền Magnitsky có khả năng sẽ được Tổng thống Obama, người đề xuất sáng kiến "cài đặt lại" quan hệ với Nga cách đây chưa đầy 4 năm, ký thành luật. Mátxcơva coi đây là động thái "rất thiếu thân thiện". Quan hệ Nga - Mỹ chắc chắn không tránh khỏi bị tổn hại.


Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin có thể không muốn làm vấn đề trở nên trầm trọng. Dmitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Mátxcơva, nói: "Tôi không cho rằng Điều khoản nhân quyền Magnitsky sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ Nga - Mỹ. Tổng thống Putin không muốn quan hệ hai nước trở nên xấu hơn, do đó, ảnh hưởng của nó sẽ chỉ ở mức hạn chế".


Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua "Điều khoản nhân quyền Magnitsky", đây là một phần của một dự luật lớn hơn nhằm bãi bỏ các lệnh cấm vận thương mại từ thời Chiến tranh Lạnh đối với Nga và thiết lập Quy chế Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) với quốc gia này. Động thái này lẽ ra sẽ được cả Mátxcơva và Oasinhtơn nồng nhiệt đón nhận nếu như diễn ra trong những hoàn cảnh khác.


Một tháng sau khi ông Obama tái đắc cử, đây lẽ ra phải là thời điểm quan trọng nhất trong nỗ lực "cài đặt lại" quan hệ với Nga, sau khi ông đã ký thỏa thuận về vấn đề hạt nhân mang tính bước ngoặt đối với Mátxcơva và tạo điều kiện để Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau 18 năm nỗ lực. Thay vào đó, Mátxcơva rất tức giận đối với phần đề cập tới nhân quyền trong dự luật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua. Trong một tuyên bố thẳng thắn bày tỏ sự giận dữ của Bộ Ngoại giao Nga, Nga gọi cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ vừa qua là "vô lý", đồng thời cảnh báo rằng dự luật này sẽ phủ bóng đen lên triển vọng hợp tác giữa Mátxcơva và Oasinhtơn.


Điều khoản nhân quyền Magnitsky này đã "tiêm một liều thuốc độc" vào quan hệ Nga - Mỹ, vốn đang căng thẳng do liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Xyri và những lo ngại của Mỹ về đường lối của ông Putin kể từ khi ông tuyên bố hồi năm ngoái rằng ông sẽ trở lại Điện Kremlin. Samuel Charap, một nhà nghiên cứu kỳ cựu về Nga và khu vực Âu - Á tại Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược ở Oasinhtơn, nói: "Magnitsky chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới bầu không khí giữa hai nước".


Trong con mắt của người dân Nga, điều khiến ông Putin không thích nhất ở nước Mỹ đó là Mỹ luôn sử dụng những lo ngại về vấn đề nhân quyền để làm công cụ địa chính trị và tìm cách áp đặt hàng loạt các lệnh trừng phạt. Trong một sắc lệnh được ký vài giờ sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ ba hồi tháng 5 vừa qua, ông Putin nói rõ rằng ông muốn thiết lập quan hệ "chiến lược thực sự" với Mỹ, tuy nhiên mối quan hệ đó phải dựa trên sự bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và tôn trọng những lợi ích của bên kia.


Ông Trenin nói rằng, Magnitsky sẽ càng khiến ông Putin quan ngại về những toan tính của Mỹ. Tuy nhiên, ông Putin có thể cũng muốn tập trung vào mục tiêu từ lâu đã được ông tuyên bố rõ ràng là cải thiện quan hệ kinh tế với Mỹ. Nga đã tìm cách đảm bảo với người Mỹ rằng phản ứng của Nga đối với Magnitsky sẽ không gây ảnh hưởng tới các thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, tối 7/12, Nga đã ra lệnh hạn chế nhập khẩu thịt từ một số quốc gia, trong đó có Mỹ. Mặc dù vậy, Nga phủ nhận rằng động thái này là nhằm trả đũa chính trị Điều khoản nhân quyền Magnitsky.


Điều khoản nhân quyền Magnitsky là mặt trái của dự luật thiết lập PNTR với Nga mà cả hai bên từng hy vọng rằng, cùng với việc Nga trở thành thành viên của WTO, sẽ giúp thúc đẩy quan hệ song phương. Trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2011 chỉ đạt mức khiêm tốn 43 tỷ USD. Nhà nghiên cứu Charap nói: "Có rất nhiều điều có thể làm để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Tổng thống Putin hiểu rõ và rất quan tâm tới điều này".


Nga đe dọa sẽ trả đũa nếu ông Obama ký thành luật Điều khoản nhân quyền Magnitsky. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngày 6/12 rằng Nga sẽ không cấp thị thực nhập cảnh cho những cá nhân người Mỹ vi phạm nhân quyền. Mátxcơva cũng có ý ám chỉ rằng đạo luật Magnitsky có thể sẽ dẫn tới những ảnh hưởng trong các lĩnh vực khác mà Mỹ mong muốn có sự hợp tác của Nga nhất, ví dụ như việc kiểm soát vũ khí hạt nhân và vấn đề Iran.


Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng điều này không chắc sẽ xảy ra. Họ nói rằng Điều khoản nhân quyền Magnitsky có thể sẽ không làm thay đổi sự trợ giúp của Nga đối với vấn đề Ápganixtan, hoặc gây ảnh hưởng tới các biện pháp ngoại giao nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, hoặc làm sâu sắc thêm những tranh cãi giữa Nga và Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và cuộc xung đột tại Xyri. Yevgeny Volk, một nhà phân tích chính trị người Nga, nói: "Điều khoản nhân quyền Magnitsky hầu như sẽ chỉ gây ra những ảnh hưởng mang tính biểu tượng".


TKT (Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN