Macedonia có trở thành một Ukraine thứ hai?

Truyền thông thế giới những ngày qua lại hướng sự chú ý đặc biệt tới Macedonia, nơi đang manh nha một cuộc đối đầu mới giữa Nga và phương Tây. Các cuộc tấn công khủng bố, những con số người chết, người bị thương và những cuộc biểu tình rầm rộ đòi Thủ tướng Macedonia Nikola Gruevski phải từ chức, đang đẩy quốc gia vùng Tây Balkan này đến bên bờ vực một cuộc nội chiến. Người ta lo ngại xung đột lợi ích giữa Nga và Mỹ tại khu vực này rất có thể biến Macedonia trở thành một Ukraine thứ hai.

Người biểu tình Macedonia cắm trại bên ngoài tòa nhà Chính phủ ở thủ đô Skopje ngày 20/5. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong khi đó, cuộc đàm phán ngày 20/5 giữa Thủ tướng Macedonia Nikola Gruevski và các đại diện đảng Dân chủ Xã hội đối lập đã không đạt được bất kỳ bước đột phá nào để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị vốn đang làm tê liệt quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này. Các cuộc biểu tình lớn nổ ra ở thủ đô Skopje hồi cuối tuần qua cũng khiến cho nhiều nhà quan sát quốc tế không tránh khỏi lo ngại: Liệu một Maidan mới, một cuộc cách mạng sắc màu mới đang khởi phát tại Macedonia?
   
Thực tế, tình hình tại Macedonia trở nên nghiêm trọng từ 2 tuần trước, mà khởi nguồn một lần nữa lại là vấn đề sắc tộc, khi có 22 người thiệt mạng trong một vụ đụng độ giữa cảnh sát và các phần tử thiểu số người gốc Albania tại thị trấn Kumanovo ở miền bắc nước này.

Chính phủ Macedonia xem đây là cuộc tấn công của "nhóm khủng bố nguy hiểm nhất ở Balkan", trong khi phe đối lập cáo buộc chính phủ tìm cách lái dư luận khỏi cuộc khủng hoảng chính trị trong nước với những cáo buộc chính quyền gian lận bầu cử.

Trong các cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Skopje, những người ủng hộ chính phủ và những người ủng hộ phe đối lập đã hô vang những khẩu hiệu thể hiện chính kiến của mình. Và cuộc đàm phán do Nghị viện châu Âu làm trung gian, diễn ra tại thành phố Strasbourg của Pháp (hôm 20/5) chỉ đạt được một sự thống nhất ít ỏi, đó là khẳng định của hai bên sẽ đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, nỗ lực gia nhập Liên minh châu Âu và nhất trí tiến hành cuộc đàm phán tiếp theo vào ngày 26/5 tới.

Nhìn lại lịch sử, kể từ năm 1991, Macedonia tách khỏi Liên bang Nam Tư một cách hòa bình, và tránh được Cuộc chiến tranh Nam Tư khốc liệt ở các nước láng giềng. Tuy nhiên khi cuộc chiến Kosovo nổ ra năm 1999, khoảng 360.000 người gốc Albania chạy sang lánh nạn tại Macedonia, đã đẩy quốc gia nhỏ bé với hơn 2 triệu dân này vào sự bất ổn.

Mặc dù một phần người Albania đã rời đi sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng những người Albania ở cả hai phía biên giới lại tìm cách đòi quyền tự trị và thậm chí cao hơn nữa là đòi quyền độc lập cho cộng đồng người Albania tại Cộng hòa Macedonia. Kể từ đó đến nay, gần hai thập kỷ đã trôi qua, song vấn đề sắc tộc chưa khi nào được giải quyết triệt để tại quốc gia này.

Biểu tình ủng hộ Chính phủ tại thủ đô Skopje ngày 18/5. Ảnh: AFP/TTXVN


Trở lại những diễn biến nghiêm trọng thời gian này ở Macedonia, Liên minh châu Âu và NATO đã kêu gọi phải "điều tra minh bạch", trong khi đó Moskva cũng lên tiếng cảnh báo về "những hậu quả nghiêm trọng", về âm mưu nhân bản "cách mạng màu" ở quốc gia thành viên Liên bang Nam Tư (cũ).

Moskva đồng thời cũng không ngần ngại cáo buộc "các nhà tổ chức phương Tây" đứng sau âm mưu này. Nga cho rằng, chính phương Tây cố tình thúc đẩy cách mạng màu ở Macedonia, nhằm lật đổ người đứng đầu chính phủ - Thủ tướng Nikola Gruevski, người có lập trường ủng hộ Nga, không muốn cắt đứt quan hệ với Nga và sẵn sàng ủng hộ dự án xuất khẩu khí đốt của Nga thông qua dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".

Bất luận tình hình Macedonia diễn biến theo chiều hướng nào, thì cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn sẽ là thách thức rất lớn đối với Thủ tướng Nicola Gruevski - người đã liên tiếp giành thắng lợi trong 3 cuộc bầu cử gần đây và đã lãnh đạo đất nước Macedonia trong suốt 9 năm qua. Macedonia sẽ đi về đâu, khi Thủ tướng Nikola Gruevski đã khẳng định rằng ông sẽ không từ chức, cho dù các cuộc biểu tình thời gian qua là nhằm yêu cầu ông từ bỏ quyền lực?

Phải chăng ông Nikola Gruevski, nhà lãnh đạo ủng hộ Nga của Macedonia đang khiến phương Tây "khó chịu", phải chăng Tây Balkan đang trở thành nơi xung đột lợi ích giữa Washington và Moskva? Liệu Macedonia có tự biến mình thành một Ukraine thứ hai? Đây là những lo ngại của cộng đồng yêu chuộng hòa bình thế giới.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)

Syria, Ukraine chưa xong, Mỹ-Nga lại ‘so găng' ở Macedonia: Kì cuối
Syria, Ukraine chưa xong, Mỹ-Nga lại ‘so găng' ở Macedonia: Kì cuối

Cả 3 hiệp đấu địa chính trị Nga – Mỹ đều có liên quan đến chiến lược năng lượng của Mỹ tại lục địa Á – Âu, cùng với đó là quyết tâm của Washington chi phối các tuyến đường ông trung chuyển chủ chốt qua siêu lục địa này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN