Lý do Quốc hội Mỹ cần phải thông qua TPP

Tờ "Straits Times" ngày 24/8 đăng bài viết của tác giả Steven Okun, Chủ tịch AmCham Singapore và Deborah Elms - người sáng lập, Giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại châu Á với nhận định rằng "Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương" (TPP) là một thỏa thuận thương mại giúp Mỹ giữ vị trí lãnh đạo và vai trò trung tâm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo tác giả bài viết, mặc dù TPP còn chưa bắt đầu nhưng thỏa thuận thương mại này đã có được ảnh hưởng nhất định đối với khu vực. Các nước tham gia TPP - và thậm chí cả một số nước được hy vọng sẽ tham gia trong tương lai - đang thay đổi hoặc xem xét thay đổi luật pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn và quy tắc của TPP.  

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo với Quốc hội rằng ông sẽ trình một dự luật để thực hiện TPP trước khi chính quyền hiện nay kết thúc nhiệm kỳ. Dự luật này sẽ "chết yểu" nếu Quốc hội Mỹ không thông qua TPP trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới vào tháng 1/2017. 

Cả Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama đều mong muốn TPP được thông qua.

Với tuyên bố của cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, các nước trong khu vực tin rằng nếu không được Quốc hội Mỹ thông qua và được ông Obama phê chuẩn, sẽ phải mất nhiều năm nữa để sửa đổi TPP. TPP đòi hỏi Mỹ và Nhật Bản, cộng với ít nhất 4 quốc gia khác, ký kết thỏa thuận để có hiệu lực. Nếu Quốc hội Mỹ không bỏ phiếu ủng hộ việc bổ sung luật pháp cần thiết để ban hành TPP, hiệp định này không thể đi tiếp - ngay cả khi Singapore và 10 quốc gia khác đã sẵn sàng và quyết tâm. Nếu điều này xảy ra, các thỏa thuận TPP sẽ thất bại. 

Mỹ sẽ mất đi địa vị lãnh đạo trong việc thiết kế các thỏa thuận thương mại và kinh tế trong tương lai nếu Mỹ không thành công trong việc gia nhập TPP. Các công ty Mỹ đang nhìn thấy những hậu quả của một thế giới trong đó tự do hóa thương mại diễn ra mà không có sự tham gia của Mỹ. Australia có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - cho phép các công ty tiếp cận nhiều hơn với những lợi ích tốt hơn so với những gì Mỹ đạt được trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp và y tế. Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết FTA với Singapore và Việt Nam, và đang đàm phán với những quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Nhật Bản và Philippines, cho phép các thành viên tiếp cận với một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới cũng như các khu vực chiến lược quan trọng nhất. 

Quốc gia nào sẽ can dự vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu Mỹ "bước ra"? Hiện có 3 ứng cử viên dẫn đầu về thương mại là Trung Quốc, EU và Australia - tất cả đều cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trong khu vực này. Các nhà xuất khẩu của Mỹ nhận thức rất rõ những lợi thế họ để mất cho đối thủ cạnh tranh nếu Mỹ không tiến lên phía trước. Từ góc độ khu vực, các thành viên TPP còn lại sẽ tìm đến Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thỏa thuận này thiếu đa số những điều đặc biệt của TPP - các chương về giải quyết vấn đề kinh doanh của thế kỷ 21, chẳng hạn như về các tiêu chuẩn tương thích, các quy định thử nghiệm và quy định về dịch vụ. 

EU đang thúc đẩy các hiệp định thương mại với Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và những nước khác, đồng thời có kế hoạch kết hợp các thỏa thuận song phương hiện có với các thành viên ASEAN trong một thỏa thuận khu vực mở rộng. Cả Trung Quốc và EU đều sử dụng các khuôn mẫu thương mại không phù hợp với mô hình của Mỹ và cũng không mang lại các loại ưu đãi cho các công ty Mỹ. Muốn được hưởng ưu đãi, các công ty Mỹ chỉ còn cách trông đợi vào TPP. 

Phát biểu trong chuyến thăm Mỹ mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nói rằng: "Đối với những người bạn và đối tác của Mỹ, việc phê chuẩn TPP là một phép thử của sự tin cậy và mức độ quan trọng của mục đích. Chúng ta cần biết rằng thỏa thuận này sẽ được phê chuẩn và rằng châu Á có thể tin tưởng Mỹ. Do đó, việc các bạn phê chuẩn TPP sẽ là một tuyên bố rõ ràng về cam kết và sự tin cậy của các bạn trong khu vực của chúng tôi".


TTK
Bà Clinton cứng rắn với Trung Quốc, phản đối TPP
Bà Clinton cứng rắn với Trung Quốc, phản đối TPP

Ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trước Trung Quốc, đồng thời bày tỏ không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN