Lợi ích của thỏa thuận hạt nhân với Iran

Mặc dù cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) phải kéo dài thêm 7 tháng nữa do các bên chưa ký được thỏa thuận cuối cùng hôm 24/11, song Mỹ vẫn muốn bằng mọi cách đạt được một thỏa thuận như vậy với Iran.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và các cố vấn đều cho rằng ngoài việc tiến hành các cuộc thương lượng thì những sự lựa chọn khác như trừng phạt, đe dọa chiến tranh, chính sách thay đổi chế độ (ở Iran)... để giải quyết cuộc "khủng hoảng quan hệ" hiện nay giữa Iran và các nước phương Tây chắc chắn không có kết quả.

Đại diện các bên đàm phán tại Vienna, Áo ngày 24/11 về chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngoài ra, Washington cũng muốn chấm dứt mối quan hệ băng giá, đúng hơn là không có quan hệ, kéo dài hơn 30 năm nay với Iran để hai nước có thể hợp tác giải quyết một số cuộc khủng hoảng khu vực như ở Iraq, Syria và Afghanistan,... đặc biệt Mỹ muốn hợp lực với Iran để chống tổ chức khủng bố khét tiếng mang tên "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đang hoành hành tại Iraq, Syria và có nguy cơ "lây lan" ra nhiều quốc gia khác ở Trung Đông.

Ngoài ra, nếu có được thỏa thuận hạt nhân như vậy, Mỹ sẽ có được những lợi ích to lớn về kinh tế bởi vì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Mỹ đã bị loại khỏi thị trường Iran từ mấy thập niên qua. Nếu quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa (tất nhiên chỉ có được nếu có thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran) thì các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, như Boeing, General Motors, Exxon... sẽ sớm được trở lại thị trường Iran.

Cuối cùng là lợi ích cá nhân, ông Obama muốn ghi dấu ấn, trở thành vị Tổng thống Mỹ đã chấm dứt được một cuộc xung đột kéo dài suốt 30 năm qua với Iran.

Với Nga, lập trường trên đây của Mỹ hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Moskva, vốn lâu nay vẫn giữ "vai trò trung gian". Nga luôn phản đối việc Iran sở hữu bom nguyên tử, nhưng lại bảo vệ quyền có một chương trình hạt nhân dân sự của Iran.

Moskva đã hợp tác khá chặt chẽ với Iran trong lĩnh vực hạt nhân dân sự, giúp nước này xây xong nhà máy điện hạt nhân ở Busher và vừa ký một hợp đồng xây dựng thêm 2 nhà máy điện hạt nhân cho Iran. Một sự hợp tác rất quan trọng khác giữa Iran với Nga, và đương nhiên nó mang lại nhiều lợi ích cho Nga, đó là hợp tác sản xuất nhiên liệu urani đã làm giàu để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của Iran. Đương nhiên sự hợp tác này chỉ có thể tiếp tục nếu thỏa thuận cuối cùng được ký.

Chính vì vậy, lợi ích này của Nga được xem là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thỏa thuận cuối cùng hiện đang được thương lượng: cho phép Iran được quyền chế tạo nhiên liệu - nhưng dưới sự kiểm soát của quốc tế - để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân.

Về phần mình, Iran càng muốn đạt được một thỏa thuận để được chính thức công nhận quyền làm giàu urani và có một chương trình hạt nhân dân sự. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng là bước đi đầu tiên tiến tới cải thiện quan hệ với Mỹ. Hiện tại, ưu tiên của cả hai nước này là cuộc đấu tranh chống IS, nhưng một khi có được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng, chắc chắn họ sẽ thảo luận đến những vấn đề khác như Afghanistan, Syria,và Iraq...

Người ta cho rằng sự cải thiện quan hệ với Mỹ cũng là một phương tiện để Iran tự khẳng định là một "cường quốc khu vực”. Ngoài ra, ai cũng biết nền kinh tế Iran - nhất là ngành công nghiệp - đang bị trì trệ do lệnh trừng phạt. Việc hủy bỏ sự trừng phạt sau thi có́ thỏa thuận hạt nhân chắc chắn sẽ giúp nền kinh tế này khởi sắc để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giảm thất nghiệp...

Về chính trị và xã hội, nếu đạt được thỏa thuận sẽ giúp tăng cường vị thế của phe ôn hòa ở Iran, tạo điều kiện cho Tổng thống Hassan Rowhani có phạm vi hoạt động lớn hơn để tiến hành cải cách nhằm mở cửa hơn về chính trị cho Iran, đáp ứng mong mỏi của đại đa số người dân nước này.


Phạm Phú Phúc  (Theo tờ "Trung Đông")

Ba nhân tố ảnh hưởng đến đàm phán hạt nhân Iran
Ba nhân tố ảnh hưởng đến đàm phán hạt nhân Iran

Việc các cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) và Iran về chương trình hạt nhân của nước này phải gia hạn thêm 7 tháng đang làm dấy lên lo ngại rằng sự chậm trễ sẽ cản trở khả năng đạt được một giải pháp hòa bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN