Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài 2

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

VẪN "XOAY" VỀ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG

Đến thời điểm ông Donald Trump trở thành tân tổng thống, châu Á vẫn quan ngại sẽ bị bỏ rơi. Tuy nhiên, Mỹ dường như vẫn xoay quanh châu Á - Thái Bình Dương mà bằng chứng là cuộc gặp giữa ông Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa diễn ra tốt đẹp.

Châu Á, xa lại gần

Đạp đổ mọi dự đoán của các chuyên gia trên khắp thế giới, ông Donald Trump giành chiến thắng đầy bất ngờ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 với hình ảnh người đàn ông luôn đặt nước Mỹ lên hàng đầu, theo đuổi việc thương thảo lại các hiệp định thương mại song phương để đưa việc làm trở lại nước Mỹ, để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Getty

Trong cuộc nổi lên không tưởng đó, ông Trump cũng đồng thời làm dấy lên quan ngại Mỹ ngày một xa rời châu Á. Không dưới một lần, ông tố cáo Nhật Bản, một đồng minh truyền thống trong khu vực, cố tình làm yếu đồng yen nhằm trục lợi trong hoạt động xuất khẩu.

Bình luận này của ông Trump khiến các nhà lập pháp ở Tokyo "á khẩu" và Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản phải tuyên bố ngân hàng trung ương sẵn sàng giảm lãi suất nếu nền kinh tế diễn biến theo hướng bất lợi, không quên khẳng định chính sách siêu linh hoạt của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không nhằm vào tỉ giá hối đoái mà chỉ duy nhất nhằm bình ổn giá cả và phù hợp với các hiệp định của các thành viên G7 và G20.

Trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump từng nói nước Nhật không trả đủ chi phí cho một cam kết bảo vệ từ nước Mỹ, tuyên bố Mỹ cần ngừng cám ơn người dân Nhật Bản vì sự đồn trú của quân đội nước này tại đây.

Ông Trump cũng từng chất vấn tại sao ô tô Mỹ xuất khẩu sang Nhật Bản với số lượng nhỏ, động thái làm dấy lên quan ngại Mỹ sẽ theo đuổi các chính sách bảo hộ thương mại nhằm giảm thâm hụt thương mại nước này.

Tuy nhiên, chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Mỹ lại chỉ ra câu chuyện Mỹ với châu Á – Thái Bình Dương dường như đang bắt đầu xuôi chèo mát mái trở lại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 15/2 tại thượng viện Nhật Bản cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm 10/2 đã chia sẻ quan điểm chính sách tiền tệ của Nhật Bản nhằm chấm dứt giảm phát, không nhằm thao túng tiền tệ, một động thái cho thấy khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ dịu giọng trong quan điểm Nhật Bản thao túng tiền tệ để mưu đạt lợi ích thương mại.

Cũng theo Thủ tướng Nhật Bản, ông đã giải thích việc các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản với các nhà máy ở Mỹ tạo ra việc làm có đóng góp như thế nào với nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cho biết thêm Tổng thống Mỹ không yêu cầu Nhật Bản mở cửa hơn nữa nền kinh tế với các mặt hàng nhập khẩu vào nước này.

Không những tránh được việc Tổng thống Mỹ chỉ trích các chính sách kinh tế của Nhật Bản, ông Abe còn tổ chức một cuộc họp báo chung với ông Trump sau khi Triều Tiên bất ngờ phóng tên lửa, để thể hiện sức mạnh liên minh Mỹ - Nhật, với việc ông Trump tuyên bố Mỹ ủng hộ Nhật Bản 100%.

Châu Á vẫn cần cẩn trọng

Dưới nhiều giác độ, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thủ đô Washington và khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Mỹ tại bang Flordia đã thành công như hoặc hơn mong đợi. Sau cái bắt tay, Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản là một mối quan hệ sâu sắc, lâu đời.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại câu lạc bộ Golf Quốc tế Trump, thành phố West Palm Beach. Ảnh: Reuters

Ông Trump cũng cho biết Mỹ “cam kết với an ninh của Nhật Bản và tất cả những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền này”, ám chỉ sự bảo đảm của Mỹ trong vấn đề bảo vệ Nhật Bản trước bất kỳ cuộc đụng độ nào với Trung Quốc liên quan đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, động thái lẽ dĩ nhiên vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc.

Theo giáo sư khoa học chính trị Fumiaki Kubo tại trường Đại học Tokyo, “Thủ tướng Nhật Bản Abe có được gần như mọi thứ ông muốn” trong chuyến thăm này. Những tuyên bố của ông Trump trong cuộc họp báo chung “hoàn toàn khác với những gì ông nói về Nhật Bản kể từ những năm 1980. Điều này vừa gây ngạc nhiên vừa ấn tượng… Ông ấy cho chúng ta, cũng như công chúng Mỹ thấy rằng ông có thể thay đổi quan điểm với những vấn đề quan trọng như Nhật Bản”.


Các nhà phân tích thế giới cho rằng, không có gì ngạc nhiên khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể nhanh chóng làm thân với Tổng thống Mỹ Donald Trump, bởi chính ông là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ đắc cử hồi tháng 11/2016 ở Tháp Trump, New York và là nhà lãnh đạo thế giới thứ hai sau Thủ tướng Anh Theresa May gặp Tổng thống Trump sau lễ nhậm chức.

Quả thực, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Mỹ đã đạt được những “chiến thắng bước đầu” vang dội, nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để châu Á vội mừng về chính sách xoay trục sang châu lục này của nước Mỹ thời Tổng thống Trump.

CNN dẫn lời một quan chức cấp cao chính phủ giấu tên, bác bỏ thông tin chính quyền Trump đang tiếp quản chính sách xoay trục của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Dẫn chứng cụ thể cho nội dung đó là việc ông rút Mỹ khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Tôi chắc chắn nghĩ điều này khá khác với những gì chúng ta đã nhìn thấy trong 8 năm qua… Ông Trump đang xử lý theo cách bất kỳ vị tổng thống mới có trách nhiệm nào cũng sẽ làm… mở rộng quan hệ với các lãnh đạo quan trọng của thế giới”.

Tuyên bố của vị quan chức giấu tên cho thấy vẫn còn đó những câu hỏi mở về chính sách xoay trục sang châu Á của nước Mỹ. Các đối tác của nước này trong khu vực vẫn đang chờ đợi những tín hiệu dịu nhẹ đi từ những cam kết thời tranh cử của ông Trump cũng như sự trỗi dậy của một chính sách bảo vệ lợi ích và những giá trị của họ.

Theo tờ “The National Intertests”, họ có lý do để chờ đợi, bởi hợp tác với các đối tác ở châu Á là cách tốt nhất để Mỹ bảo đảm lợi ích nước này trong khu vực này. Và những chuyến thăm như của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể là những bước khởi đầu cho một hướng đi đúng của nước Mỹ.

Không thể phủ nhận, chuyến thăm đầu tiên từ một đồng minh của Mỹ tại châu Á có thể là tín hiệu phần nào hé lộ cách tiếp cận của chính quyền Trump trong mối quan hệ giữa Mỹ với châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giới học giả Nhật cũng không loại trừ khả năng, Tổng thống Mỹ đang cho đi trước khi yêu cầu nhận lại. Và đó là lý do Nhật Bản nói riêng, châu Á nói chung vẫn phải cẩn trọng.

Vũ Anh (Tổng hợp)
Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối
Lộ diện chính sách ngoại giao của ông Trump sau một tháng nắm quyền - Bài cuối

Tròn một tháng kể từ ngày ông Donald Trump nắm quyền điều hành đất nước, các chính sách ngoại giao quan trọng của chính quyền mới ở Mỹ đã dần hình thành, tiết lộ nhiều đường lối mà ông Trump sẽ theo đuổi trong nhiệm kỳ ở Nhà Trắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN