Liệu Trung Quốc có phải là Hy Lạp mới?

Theo báo "Thư tín địa cầu", khác với việc nhiều nhà bình luận thị trường thường so sánh Trung Quốc với Nhật Bản vào cuối những năm 1980, dường như Trung Quốc đang giống Hy Lạp nhiều hơn.


Khủng hoảng nợ của Hy Lạp đã dẫn tới bạo động gia tăng trong năm 2011.


Trong các năm 2000-2008, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hy Lạp đạt mức tăng trưởng trung bình 7%/năm, chủ yếu nhờ nợ ngân hàng đã tăng 16%/năm, trong khi nợ của nhà nước tăng tới 34% và nợ tư nhân tăng 20%/năm. Nợ đã hỗ trợ cho tăng trưởng trong nền kinh tế Hy Lạp.


Chính phủ Hy Lạp đã đi vay để trả lương cao hơn và thỏa mãn các thủ lĩnh công đoàn đã bỏ phiếu cho họ. Các ngân hàng cho vay vì các động cơ chính trị nhiều hơn động cơ kinh doanh. Và các cá nhân không muốn thua kém nhau trong một nền kinh tế chủ yếu do tiêu dùng chi phối, được cả chính phủ và các ngân hàng khuyến khích. Nợ xấu xuất hiện khi các khoản nợ mới được sử dụng để trả nợ cũ mà không đếm xỉa đến việc điều gì sẽ xảy ra khi khả năng vỡ nợ xảy đến. GDP của Hy Lạp đã giảm khoảng 4%/năm trong các năm 2009-2013, khi nợ cá nhân và nợ ngân hàng giảm mạnh.


Hiện nợ cũng đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc. Nợ cá nhân đã tăng khoảng 80%/năm trong các năm 2008-2013. Nợ ngân hàng cùng kỳ đã tăng hơn 18% và nợ chính phủ tăng hơn 12%. Nợ tại Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao hơn mức tăng trưởng GDP danh nghĩa, và con số này không bao gồm số nợ của hệ thống ngân hàng ngầm, với số tiền lên tới hơn 5.000 tỷ USD.


Điều đáng quan ngại nhất là phần lớn sự tăng trưởng là ở những tài sản phi sản xuất như bất động sản và khả năng dư thừa trong chế tạo và hàng hóa, do vậy mức tăng năng suất đã giảm. Tuy nhiên tại Trung Quốc, mức tăng trưởng nhờ nợ là cần thiết vì các lý do chính trị và để tránh bất ổn, do vậy các ngân hàng đang được khuyến khích cho vay. Đồng thời, phần lớn tăng trưởng được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư trực tiếp của chính phủ. Theo các số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do vậy mà nợ của Trung Quốc đã tăng vọt lên 200% GDP.


Mức tăng trưởng GDP và cho vay đã sụp đổ tại Hy Lạp cùng với những hậu quả của bất ổn chính trị và xã hội. Liệu số phận tương tự có đang đợi Trung Quốc hay không?


Các khoản nợ xấu của các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc từ đầu năm 2014 đến nay đã tăng hơn 22%. Các khoản vay không có khả năng chi trả trong ngành bất động sản và chế tạo - nơi khả năng sản xuất quá nhiều than, thép - đã trở thành vấn đề lớn với nhiều công ty nhỏ đang đối mặt với thời điểm khó khăn.


Hy Lạp là một nước nhỏ và sự sụp đổ tại Hy Lạp không tác động mạnh đối với thế giới, khác hoàn toàn với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ tác động mạnh tới những quốc gia cung cấp các nguyên liệu thô như Australia, Brazil và Canada, cũng như có thể gây nhiều thiệt hại cho các nước khác. Nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hóa đã dẫn đến việc gia tăng đầu tư vào khai thác quặng sắt, đồng và dầu mỏ, hiện đang thừa cung khi tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Cung thừa đồng nghĩa với giá cả thấp hơn tại thời điểm châu Âu đang đối mặt với giảm lạm phát, thậm chí là giảm phát, trong khi đà tăng trưởng kinh tế đang suy giảm trên toàn cầu.


Dù vậy, bất chấp những điểm tương đồng với Hy Lạp như nói trên, kinh tế Trung Quốc dường như sẽ hạ cánh nhẹ nhàng và tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình trên 6%/năm trong những năm tới, do ban lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện những cải cách cần thiết và thay đổi thành công mô hình kinh tế. Nhưng những cải cách đó là khó khăn trong một quốc gia có nguy cơ phải đối mặt với khả năng bất ổn xã hội cao như Trung Quốc.



Dương Hoa (Phóng viên TTXVN tại Ottawa)

Sự hồi phục trong đau khổ của 'bệnh nhân Hy Lạp'
Sự hồi phục trong đau khổ của 'bệnh nhân Hy Lạp'

6 năm sau khi cuộc suy thoái nặng nề nhất trong lịch sử Hy Lạp nhấn chìm đất nước này, họ đã trở lại với tăng trưởng GDP dương trong Quý III-2014, với tỉ lệ 1,7%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN