Liệu Nga, Mỹ có leo thang trừng phạt lẫn nhau?

Trong một biện pháp đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ, chính quyền Nga ngày 20/3 cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự khi cấm 9 quan chức Mỹ nhập cảnh Nga. Đây là phản ứng hết sức thường tình, không có gì đáng bàn.

Cái gây ngạc nhiên và đáng quan tâm lúc này là phát biểu ngày 21/3 của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phiên họp Hội đồng Liên bang (Thượng viện): "Hiện tại chúng ta nên tránh những biện pháp trả đũa Mỹ".

Tổng thống Mỹ Obama.


Tuyên bố bất ngờ của ông Putin cho thấy Nga muốn tiếp tục hợp tác với phương Tây, hơn là leo thang các biện pháp trả đũa lẫn nhau. Cụ thể, các nhà phân tích cho rằng Nga muốn cùng Mỹ và phương Tây giải quyết nhiều vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay, cho dù hai bên đang gặp phải bất đồng sâu sắc trong "câu chuyện" ở Ukraine và Crimea. 

Trở lại danh sách các quan chức Mỹ bị Nga áp đặt trừng phạt, Báo Độc lập (Nga) ngày 21/3 cho biết đó là Phó Trợ lý Tổng thống trong lĩnh vực an ninh quốc gia Mỹ Caroline Atkinson, Trợ lý Tổng thống Mỹ Benjamin Pfeiffer và Daniel Rode, Thượng nghị sĩ John McCain, Mary Landrieu, Daniel Coates, lãnh đạo của đa số Dân chủ tại Thượng viện- ông Harry Reid, Chủ Tịch Hạ Viện Mỹ- John Boehner và Chủ tịch Ủy ban Thượng viện ngoại giao Robert Menendez.

Tuy nhiên, đồng thời với việc công bố danh sách này, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố khẳng định: "Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giống như con dao hai lưỡi, là chiếc bumerang đánh vào chính nước Mỹ. Mỹ đã khai mào áp đặt trừng phạt, cấm cửa các quan chức Nga, đương nhiên các quan chức của họ cũng phải chịu sự trừng phạt tương tự". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định việc làm của Mỹ là không đúng lúc và phản tác dụng.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng nhấn mạnh rằng: Nếu Washington tiếp tục các hành động gây căng thẳng và đẩy quan hệ hai nước vào tình thế đối đầu ngày càng mạnh mẽ; nếu Washington cố tình sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm áp đặt ý chí của mình cho người khác, Nga tin chắc rằng mọi việc sẽ không thể được giới hạn từ riêng phía Nga.

Tờ New York Times bình luận dường như mọi việc không có gì rõ ràng, và không rõ Tổng thống Mỹ Barack Obama đã áp dụng lệnh trừng phạt đủ mạnh hay chưa, để có thể buộc Tổng thống Nga Putin dừng tay. Tờ báo này dẫn tuyên bố của ông Obama khuyến cáo: Nga nên biết rằng leo thang hơn nữa sẽ chỉ khiến nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập hơn mà thôi.

Tờ Guardian phân tích việc Barack Obama mở rộng lệnh trừng phạt đối với Nga là nhằm ngăn cản "bước tiến" của Nga sang miền Đông và niềm Nam Ukraine. Điều quan trọng lúc này là Mỹ đã liệt vào "bản danh sách đen" những nhân vật thân tín của Vladimir Putin, như Chánh Văn  phòng và Phó Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Nga là Sergei Ivanov và Alexei Gromov, Trợ lý Tổng thống Andrei Fursenko, Giám đốc điều hành của Tổng thống Vladimir Kozhin, Giám đốc Cơ quan chống ma túy Liên bang Viktor Ivanov...

Trong khi đó, có thể thấy ông Putin tương đối điềm đạm khi tuyên bố: "Chúng ta phải tiếp tục hợp tác với phương Tây cho dù các đối tác của Nga trong NATO muốn ngừng hợp tác".

Chưa rõ tình trạng leo thang các lệnh trừng phạt sẽ đưa Nga và Mỹ tới đâu, song giới phân tích quốc tế vẫn kỳ vọng Nga sẽ đóng vai trò lớn trong kế hoạch rút quân Mỹ và NATO ra khỏi Afghanistan trước cuối năm nay, trong đó có việc Moskva sẽ cho phép binh sĩ phương Tây di chuyển qua lãnh thổ Nga để về nước.


Quế Anh


Nga: Mỹ tìm cách hợp tác thông qua biện pháp trừng phạt
Nga: Mỹ tìm cách hợp tác thông qua biện pháp trừng phạt

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Mỹ đang tìm cách hợp tác với Nga về các vấn đề quốc tế thông qua các biện pháp trừng phạt, nhưng ông Lavrov khẳng định sự hợp tác phải trên cơ sở công bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN