Liên minh chống khủng bố - Vừa thừa vừa thiếu

Dư luận thế giới gần đây tỏ ra bất ngờ sau khi Saudi Arabia đột ngột công bố kế hoạch thành lập một liên minh chống khủng bố gồm 34 quốc gia Hồi giáo. Sự ra đời của liên minh chống khủng bố mới khiến dư luận thắc mắc về sự cần thiết và động cơ vì đa số các thành viên này cũng đang góp mặt trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) 62 thành viên do Mỹ dẫn đầu.

Sự ra đời đường đột

Liên minh mới được đại diện Saudi Arabia là Bộ trưởng Quốc phòng Mohammed bin Salman công bố hôm 15/12. Ông Salman cho biết liên minh 34 nước Hồi giáo sẽ chống khủng bố ở Iraq, Syria, Libya, Ai Cập và Afghanistan. Trung tâm hoạt động chung sẽ được đặt tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Theo ông bin Salman, lực lượng chống khủng bố ra đời do các nước Hồi giáo ngày càng cảnh giác với chủ nghĩa khủng bố - thứ dịch bệnh làm tổn hại thế giới Hồi giáo đầu tiên trước khi làm ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế nói chung. Ông cho biết: “Hiện nay mỗi nước Hồi giáo đều chống khủng bố riêng lẻ… nên nỗ lực chung là điều rất quan trọng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia họp báo công bố thành lập liên minh chống khủng bố mới.

Ngoài 34 nước Hồi giáo, Saudi Arabia cho biết hơn 10 nước khác đã ủng hộ cho liên minh mới ra đời. Trong danh sách thiếu vắng Iran - nước mà người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số và là đối thủ chính của Saudi Arabia trong cuộc chạy đua giành giật vai trò lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo. Iraq, Syria và Israel cũng không có tên trong danh sách.

Liên minh chống khủng bố này ra đời trong bối cảnh cộng đồng quốc tế gây áp lực buộc các quốc gia Arab vùng Vịnh phải hành động nhiều hơn trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố IS. Sự ra đời đường đột của liên minh chống khủng bố mới khiến thế giới ngạc nhiên, thậm chí với cả một số nước được nêu tên trong danh sách. Giới chức Pakistan ngơ ngác vì không được ai ở Saudi Arabia tham vấn trước khi tên quốc gia này được đưa vào danh sách thành viên sáng lập của liên minh 34 nước. Ngoại trưởng Pakistan Aizaz Chaudhry cho biết ông đã đề nghị Đại sứ Pakistan ở Riyadh tìm hiểu xem lý do tại sao. Các quan chức ngoại giao, quân sự khác khi được báo chí liên hệ phỏng vấn về vấn đề đều nói không biết gì về chuyện này.

Không chỉ riêng Pakistan, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết mặc dù Malaysia ủng hộ nỗ lực của Saudi Arabia nhưng không có cam kết về mặt quân sự. Giới chức Liban cũng bối rối khi được hỏi về vai trò trong liên minh khi cả ngoại trưởng và thủ tướng đều không thể nhất trí về việc Liban đã tham gia liên minh này hay chưa. Hơn nữa, người Thiên chúa giáo ở Liban đang tỏ ra giận dữ với Saudi Arabia vì đã đưa tên Liban vào liên minh Hồi giáo trong khi Liban có một nửa dân số là người Thiên chúa giáo. Không chỉ thế, sau khi Saudi Arabia công bố tên Liban trong danh sách, Thủ tướng Tammam Salam lại phải mất công đi trấn an phong trào Hồi giáo Hezbollah là liên minh mới sẽ không nhằm vào họ. Hezbollah bị Saudi Arabia coi là khủng bố trong khi nhóm này là một phần trong chính phủ đoàn kết dân tộc của Liban.

Ra đời trên giấy và được thông báo miệng chưa được bao lâu, liên minh này đã trở thành trò cười trên các mạng xã hội. Một bình luận trên mạng Twitter viết: “Liên minh của Saudi Arabia dường như đã được tập hợp thông qua gửi thư rác hàng loạt. Bốn quốc gia đã click vào đường dẫn để bỏ đăng ký tham gia”.

Liên minh “bốn không”

Hiện vẫn chưa rõ Saudi Arabia muốn các nước trong liên minh làm gì và cũng chưa rõ đây chỉ là một liên minh tập trung bàn chiến lược và chia sẻ thông tin tình báo hay sẽ tập hợp lực lượng để chiến đấu chống IS. Do liên minh không có sự hiện diện của Iraq và Syria - hai nước đang bị IS kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, nên dư luận có thể hiểu là liên minh nếu chống IS thì sẽ thực hiện các chiến dịch tại Iraq và Syria mà không có sự đồng thuận của hai nước này.

Hơn nữa, định nghĩa khủng bố của liên minh này cũng có nhiều mâu thuẫn. Luật pháp Saudi Arabia gần đây đã gắn mác “nghi can khủng bố” hoặc nguy cơ an ninh với quốc gia cho cả những nhà hoạt động, nhà cải cách đối lập hòa bình. Với định nghĩa khủng bố trên “diện rộng” như vậy, Tổ chức Ân xá Quốc tế lo rằng liên minh có thể được sử dụng để hạn chế nhân quyền.

Trong khi đó, giới chức Iraq cảnh báo rằng liên minh của Saudi Arabia sẽ làm phân tán nỗ lực phối hợp trong cuộc chiến chống IS. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Iraq thắc mắc: “Ai sẽ là người dẫn đầu trong cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực? Phải chăng sẽ là liên minh quốc tế của Mỹ với số lượng đông hơn? Và nếu vậy thì có liên minh mới này để làm gì?”

Ông Christopher Davidson, giáo sư Trường Đại học Durham ở Anh, nhận định: Liên minh mới chủ yếu là cách để Saudi Arabia tạo luồng tin tích cực về vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế sau vụ khủng bố ở Paris và California gần đây. Tuy nhiên, sự chia rẽ của các thành viên tham gia liên minh trong một số chính sách quan trọng khiến liên minh này sẽ không hiệu quả. Ông dự báo: “Xác suất liên minh có thể trở thành một liên minh an ninh quốc tế hiệu quả gần như bằng không”.

Liên minh của Mỹ đã chống IS hơn một năm nay với hơn 60 thành viên nhưng cũng chỉ một số thành viên chủ chốt hoạt động, số còn lại đa phần chỉ hỗ trợ tài chính hoặc tinh thần. Nga cũng ráo riết không kích IS nhưng cũng chưa thể nhổ tận gốc nhóm này. Do đó, ra đời theo kiểu ngẫu hứng như liên minh của Saudi Arabia khó mà “nên cơm nên cháo”, nhất là khi nó dựa trên cơ sở “bốn không”: không kế hoạch chiến lược, không mục tiêu cụ thể, không cơ chế rõ ràng, không cam kết về ngân sách và binh sĩ. Vậy là, lực lượng quốc tế chống IS thừa về lượng và vẫn thiếu về chất.
Vĩnh Hà
Chống khủng bố - nhân tố điều chỉnh bàn cờ quốc tế
Chống khủng bố - nhân tố điều chỉnh bàn cờ quốc tế

Chưa bao giờ trong lịch sử, thế giới phải đối mặt với nguy cơ khủng bố lan rộng, không giới hạn về địa lý và mức độ tàn bạo như hiện nay, buộc các nước phải liên minh, hợp tác để đối phó với kẻ thù chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN