Liên minh Âu-Á khó có thể trở thành hiện thực

Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã đề xuất hình thành một Liên minh Âu-Á với sự tham gia của các nước Liên Xô trước đây để cạnh tranh với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Theo tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), nhân tố quan trọng quyết định thành bại của liên minh này là quốc gia giàu dầu mỏ Cadắcxtan nằm trải dài bên sườn nam của Nga.

Đi sâu phân tích về bối cảnh hiện tại của Cadắcxtan, "Thời báo Tài chính" cho rằng viễn cảnh về một Liên minh Âu-Á khó có thể trở thành hiện thực bởi hội nhập chính trị vào liên minh đồng nghĩa với sự từ bỏ quyền lực của giới lãnh đạo Cadắcxtan.

Nga, Cadắcxtan và Bêlarút đã hình thành Liên minh thuế quan trong năm 2010 và đang có kế hoạch sáp nhập thành một không gian kinh tế đơn nhất vào tháng 1/2012. Ở một mức độ nào đó, ý tưởng về Liên minh Âu-Á sẽ rất hấp dẫn đối với Tổng thống Cadắcxtan Nursultan Nazarbayev, người đã rất miễn cưỡng đồng ý giải thể Liên bang Xôviết năm 1991. Ông Nazarbayev từ lâu đã luôn ủng hộ một sự hợp tác lớn hơn giữa các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, ông Nazarbayev rất quan tâm tới bảo đảm độc lập của Cadắcxtan bằng cách cân bằng các quan hệ với Trung Quốc, Nga và phương Tây.

Việc Cadắcxtan nhất trí tham gia Liên minh thuế quan do Mátxcơva dẫn đầu năm 2009 là một hành động mang tính cân bằng, giúp giảm quan ngại của Nga về gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại nền kinh tế lớn nhất Trung Á này. Tuy nhiên, Liên minh thuế quan cũng có những ý nghĩa về mặt kinh tế bởi Cadắcxtan sẽ được tiếp cận một thị trường lớn hơn gấp 10 lần hiện tại. Các quan chức ở Cadắcxtan hy vọng rằng các nhà đầu tư nước ngoài, vốn từ lâu tập trung vào nguồn nguyên liệu tự nhiên của Cadắcxtan, sẽ có lợi ích lớn hơn nhờ các ngành sản xuất khác, qua đó giúp đa dạng hóa nền kinh tế nước này và giảm bớt phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nói rằng điều này sẽ không thể xảy ra nếu như chính phủ Cadắcxtan không có những bước đi cải thiện môi trường đầu tư. Điều đó có nghĩa là phải giải quyết nạn tham nhũng và cải cách bộ máy tư pháp nhằm bảo đảm rằng các nhà đầu tư được đối xử một cách công bằng trước pháp luật.

Các nhà lãnh đạo phe đối lập tại Cadắcxtan phê phán rằng Liên minh thuế quan đã gây ra cơn bão hàng hóa Nga đổ vào nước này, khiến cho giá cả tăng vọt và không khuyến khích được ngành sản xuất trong nước phát triển. Bolat Abilov, Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội Azat, nói: "Các công ty và các doanh nghiệp nhỏ của Nga mạnh hơn các doanh nghiệp của Cadắcxtan. Người Cadắcxtan không thể cạnh tranh được". Trong khi đó, cánh lái xe của Nga thì đổ xô sang miền bắc Cadắcxtan để tận dụng giá nhiên liệu tương đối rẻ, gây thêm khó khăn cho tình trạng thiếu hụt nhiên liệu thâm niên của Cadắcxtan. Ông Abilov nói: "Vội vã tham gia Liên minh thuế quan là một sai lầm. Nga đã đề ra các điều kiện và ông Nazarbayev đã không bảo vệ các lợi ích của người dân Cadắcxtan".

Về Liên minh Âu-Á, ông Putin nói rằng liên minh này không nhằm mục đích tái gây dựng lại Liên bang Xôviết trước đây, và rằng sự hội nhập dựa trên các giá trị về chính trị và kinh tế là một đòi hỏi của thời đại ngày nay. Tuy nhiên, ông Abilov không tin vào điều này khi nhận định: "Chúng tôi cho rằng có một nguy cơ hết sức nguy hiểm nếu hình thành một liên minh chính trị giữa Nga và Cadắcxtan". Còn Sergey Aleksashenko, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga, cho rằng Liên minh Âu-Á có tiềm năng trở thành một tổ chức kinh tế thực sự, song còn quá sớm để có thể nói về sự "đoàn tụ chính trị" giữa Nga, Bêlarút và Cadắcxtan.

Cũng theo nhận định của ông Sergey Aleksashenko, để Liên minh Âu-Á ra đời, các nhà lãnh đạo hai quốc gia nhỏ hơn là Bêlarút và Cadắcxtan sẽ phải "vẫy tay từ biệt quyền lực". Đối với Tổng thống Nazarbayev, người đã giữ chiếc ghế lãnh đạo đất nước Cadắcxtan một cách vững chắc hơn hai thập kỷ qua, thì rõ ràng việc đề nghị ông từ bỏ quyền lực là một đòi hỏi thái quá.

Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN