Lí giải sự chững lại của kinh tế Trung Quốc

Trung Quốc đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015 chỉ còn 7% - mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Số liệu tuần qua cho thấy quốc gia này có lẽ sẽ phải chật vật trong một thời gian dài mới có thể đạt được con số như trên.


Trung Quốc cắt giảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2015 chỉ còn 7%.


Mặc dù tốc độ tăng trưởng đề ra vẫn là con số đáng ngưỡng mộ cho phần lớn các quốc gia khác song thực trạng suy giảm của kinh tế Trung Quốc đang gây ra lo ngại. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc mấy năm gần đây đã không đúng như mong đợi của các tổ chức kinh tế toàn cầu, ví dụ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc vượt 8% cho đến hết năm 2017. Việc giảm tốc này là một trong những nguyên do chính cho chính sách bán tháo các mặt hàng xuất khẩu từ quặng sắt cho đến than trong hai năm qua. Vậy điều gì đã khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại như vậy?


Theo như các chuyên gia nhận định, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong 3 thập kỷ qua, với con số trung bình đạt 10% mỗi năm, suy yếu dần là điều không tránh khỏi. Quy luật số đông được áp dụng vào các nước cũng như các doanh nghiệp: Nền kinh tế ngày một lớn mạnh thì càng khó để duy trì phát triển ở tốc độ nhanh. Tăng trưởng kinh tế 7% năm nay ở Trung Quốc có lẽ sẽ tạo thêm sản lượng nhiều hơn so với con số 14% trong năm 2007. Trên thực tế, kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với “cơn gió ngược”. Về lâu dài, tốc độ tăng trưởng là một hàm để mô tả sự biến động trong nhân lực, nguồn vốn và năng suất sản phẩm. Khi cả ba yếu tố này cùng tăng, tỉ lệ tăng trưởng sẽ ở mức cao nhất. Nhưng hiện nay cả 3 yếu tố đó đều chững lại ở Trung Quốc. Dân số trong độ tuổi lao động đạt mức cao nhất vào năm 2012. Đầu tư cũng đã đạt tới đỉnh (chiếm 49% GDP, con số mà chỉ có một vài nước đạt được). Cuối cùng, khoảng cách công nghệ của Trung Quốc và các nước lớn đang được thu hẹp dần, đồng nghĩa với việc tăng trưởng năng suất cũng thấp hơn.

Biểu đồ hiển thị tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Ảnh: The Economist.

Nhiều xu hướng gần đây cũng giải thích cho sự chậm lại của kinh tế Trung Hoa. Diễn biến quan trọng nhất phải kể đến tín dụng khổng lồ. Tổng nợ (bao gồm chính phủ, gia đình và các doanh nghiệp) đã lên tới 250% GDP. Số nợ này đã khiến Trung Quốc rơi vào tình cảnh lao đao với nghĩa vụ trả nợ nặng nề. Đáng lo ngại hơn, phần lớn tín dụng này lại rơi vào tay những nhà đầu tư xây dựng bất động sản. Số lượng những ngôi nhà tồn đọng không bán được đang đạt mức cao kỷ lục. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2015, những ngôi nhà mới xây đã giảm gần 1/5 so với cùng kỳ năm trước đó. Việc thanh toán các khoản nợ cũng phải mất nhiều năm. Với hệ thống tài chính Trung Quốc đang gần như đóng hiện nay, tất nhiên một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khó có thể xảy ra song việc xóa hết nợ xấu không chỉ là nhiệm vụ một sớm một chiều có thể giải quyết triệt để được.


Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương nước này từ trước đến nay luôn do dự trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Những thay đổi của quy tắc tài chính lại khiến các cấp chính quyền địa phương gặp khó khăn trong việc tiêu chi ngân sách. Với tình trạng lạm phát giá tiêu dùng ở mức thấp 1,1% và giá sản xuất rơi vào giảm phát, nhiều người nhận định kinh tế Trung Quốc đang chững lại so với tiềm năng thực sự của nó. Thông thường, nếu như có những thay đổi trong chính sách cũng như sự mở đầu của một chu kỳ mới, tương lai kinh tế của một nước sẽ được cải thiện. Song những thay đổi cơ cấu trong kinh tế Trung Quốc lại là một câu chuyện khác. Nó sẽ ngăn chặn bất kì sự phục hồi nào. Tốc độ tăng trưởng đạt mức 2 chữ số có lẽ sẽ chỉ là phép lạ trong quá khứ đối với Trung Quốc.



Hồng Hạnh (theo Economist)

 

Ba nguy cơ lớn của kinh tế Trung Quốc
Ba nguy cơ lớn của kinh tế Trung Quốc

Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang xuất hiện ba tranh cãi lớn xung quanh vấn đề nợ địa phương, bảo hiểm xã hội và vốn nước ngoài rút khỏi nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN