Lắt léo cuộc bàn giao Mỹ - Nga về Syria

Mạng tin "Debka" ngày 10/9 cho rằng thỏa thuận ngừng bắn Syria mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov thông báo đêm 9/9 tại Geneva đồng nghĩa với việc Mỹ đã “bàn giao” các vấn đề Syria cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và quân đội Nga.

Thỏa thuận này cho thấy Mỹ đổi chiều mạnh mẽ. Trong cuộc gặp với ông Putin tại Trung Quốc hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không đồng ý với những bước đi đó với lý do đơn giản rằng một thỏa thuận như vậy sẽ chỉ phù hợp với chính sách và quan điểm của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. 

Ông Trump đã đề xuất Mỹ để cho ông Putin kết thúc cuộc chiến ở Syria, khẳng định rằng nhà lãnh đạo Nga sẽ có thể làm công việc đó tốt hơn. Trong tình hình hiện nay, hai Ngoại trưởng Kerry và Lavrov nhất trí không công bố chi tiết về thỏa thuận này là điều dễ hiểu. Nội dung thỏa thuận có thể cho thấy lực lượng nổi dậy ở khu vực Aleppo, và thậm chí là trên khắp Syria, đã bị bỏ rơi. Phe nổi dậy Syria nhận thấy đang bị mắc kẹt giữa cả hai thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - Mỹ, với một “sợi dây thòng lọng” dường như đang siết chặt. 

Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Kerry tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 10/9 sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới tại Syria. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo "Debka", tiếng vang từ các sáng kiến được ấp ủ trong tuần này tại Washington, Moskva, Ankara, Tel Aviv và hội nghị cấp cao G20 chỉ làm sao nhãng những thỏa thuận lặng lẽ vừa đạt được giữa hai nhân tố lớn - Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiểm soát các vấn đề khu vực. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan biết rằng thỏa thuận với Nga sẽ không ảnh hưởng tới đề xuất của ông bên lề G20 với Tổng thống Mỹ Obama về việc hợp sức cho một chiến dịch chung nhằm đánh bật tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khỏi Raqqa. Những sự kiện làm thay đổi cuộc chơi đã diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc) mà không hề phô trương, đó là cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ và cuộc gặp thành công hơn giữa ông Putin và Erdogan.

Theo các nguồn tin tình báo và Trung Đông của "Debka", ông Putin hầu như đã đóng sập cánh cửa cho sự hợp tác hơn nữa giữa Moskva với Washington ở Syria. Nhà lãnh đạo này được cho là đã thông báo với ông Obama rằng Nga đang nắm mọi lá bài chủ chốt để kiểm soát cuộc xung đột Syria. Có thể nói, Tổng thống Putin đã giành lấy những quân bài cuối cùng khi bí mật thỏa thuận hợp tác với ông Erdogan để vạch ra những bước đi tiếp theo ở Trung Đông. Do đó, hội nghị G20, thay vì thúc đẩy thỏa thuận mới Mỹ - Nga, lại thành nơi thúc đẩy một mối quan hệ đối tác mới giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước khi rời Trung Quốc, nhà lãnh đạo Erdogan đã được Tổng thống Nga Putin chấp thuận để Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một dải đất 4.000 km ở miền Bắc Syria làm vùng an ninh dưới sự kiểm soát của quân đội và không quân Thổ Nhĩ Kỳ, với sự đảm bảo không can thiệp của Nga. 

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ủng hộ các nhóm nổi dậy thân Mỹ và thân Saudi Arabia đang chống quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Những nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp ông Putin thuyết phục nhà lãnh đạo Syria đồng ý với kế hoạch của ông Erdogan. Phương Tây cũng nhìn thấy lợi ích của việc thiết lập vùng an ninh theo kế hoạch vì điều này thực tế sẽ tạo chỗ trú ẩn an toàn cho người tị nạn Syria và giảm bớt dòng người tị nạn đang khiến châu Âu lo lắng.

Tổng thống Erdogan đã qua mặt Mỹ để đạt thỏa thuận với nhà lãnh đạo Nga về cách tiến hành những bước đi tiếp theo của cuộc xung đột Syria. Do đó, khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp người đồng cấp Sergei Lavrov ở Geneva hôm 8 - 9/9 để bàn về vấn đề Syria, hai bên không còn nhiều chuyện để nói, ngoài việc tiếp tục phối hợp lực lượng không quân tại Syria và phía Đông Địa Trung Hải. Tất cả các nhân tố khu vực chắc chắn sẽ theo dõi sát sao kết quả của sự hợp tác Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và xem xem liệu các bên có thể cộng tác với nhau được bao lâu.

Trong khi đó, Nga đang chuẩn bị tổ chức cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine. Nga đang rất muốn tiếp quản những gì mà chính quyền của ông Obama đã thất bại. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas có nhanh chóng tham gia kế hoạch của nhà lãnh đạo Nga hay không. Nếu có, điều này có thể hạ thấp hình ảnh của ông Obama trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ, nhất là khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vẫn chưa ngã ngũ và cũng không ai dám chắc về những chính sách mà tân tổng thống Mỹ sẽ theo đuổi.
TTK
Đàm phán hòa bình Syria có thể diễn ra đầu tháng 10
Đàm phán hòa bình Syria có thể diễn ra đầu tháng 10

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov ngày 12/9 cho biết vòng đàm phán mới giữa Chính phủ Syria và phe đối lập có thể diễn ra đầu tháng 10 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN