Lập trường của Mỹ về Syria và Iran chọc giận đồng minh Trung Đông

"Báo Độc lập" (Nga) ngày 1/10 nhận định lập trường của Mỹ trong vấn đề Syria và Iran đang khiến cho các đồng minh Trung Đông của họ nổi giận. Tờ báo cho rằng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đứng trước nhiệm vụ phải bảo vệ được chính sách mới của họ về Trung Đông trước các đồng minh trong khu vực này cũng như trước Quốc hội Mỹ.

Tổng thống Obama gặp Thủ tướng Israel Netanyahu tại Tòa Bạch Ốc ngày 30/9. Ảnh: Reuters


Hôm thứ hai vừa qua, ông Obama đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cố gắng làm yên lòng đồng minh của mình rằng sẽ phán xét tình hình dựa trên việc làm chứ không phải chỉ bằng vào lời nói của Tehran, đồng thời khẳng định sẽ không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran.

Trước đó, Nhà Trắng đã tiến hành một loạt cuộc đàm phán với các đối tác chủ chốt của mình trong số các quốc gia Arập. Cùng lúc đó, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cũng đang khẩn trương "lốpbi" trong Quốc hội nước này nhằm ủng hộ Israel.

Israel và các chế độ quân chủ vùng Vịnh (như Arập Xêút, UAE, Bahrain) đang hết sức lo ngại trước những động thái xích lại gần nhau giữa Mỹ và Iran. Cuộc điện đàm lịch sử lần đầu tiên trong suốt 34 năm qua giữa Tổng thống Mỹ Obama với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani hôm 27/9 vừa qua đã khiến các đồng minh Trung Đông của Mỹ lo ngại.

Tờ New York Times còn ngụ ý rằng hành động của Mỹ giống như việc thông đồng với kẻ thù của chính người bạn thân nhất của mình. Các đối tác của Mỹ lo ngại rằng Tehran thừa khôn ngoan lợi dụng cái vỏ ngoại giao để câu giờ nhằm qua mặt Mỹ và tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình. Quốc hội Mỹ cũng cùng chung mối ngờ vực này và họ đang khẩn trương vận động hành lang ủng hộ Israel nhằm phản đối mọi ý định giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Iran.

Thái độ của Tổng thống Mỹ trong tiến trình giải quyết vấn đề Syria cũng đang gây những phản ứng tương tự tại Mỹ như vấn đề Iran. Arập Xêút vốn đã ủng hộ vũ khí và nguồn tài chính dành cho lực lượng nổi dậy dòng Sunni ở Syria, đang tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ này. Điều đó giống như "lửa đỏ bỏ thêm dầu" và chắc chắn sẽ dẫn đến làm cho cuộc xung đột ở Syria càng trở nên căng thẳng, trong khi Washington dường như nhận ra cần phải giải quyết vấn đề bằng các giải pháp chính trị.

Arập Xêút kêu gọi việc tăng cường hỗ trợ quân nổi dậy Syria trên các phương diện chính trị, kinh tế và quân sự sao cho có thể thay đổi cục diện tình hình, thay đổi cán cân lực lượng trên chiến trường. Trong khi đó, theo ông Mustafa Alani, một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh (Dubai), Mỹ đã quá "nhẹ dạ" với "Anh em Hồi giáo", với Bashar al-Assad và Iran.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kiên quyết rằng Iran phải gỡ bỏ chương trình hạt nhân của họ và phải đối diện với những trừng phạt cứng rắn hơn khi nước này thương thuyết với Phương Tây. Đáp lại, ông Obama khẳng định các cường quốc thế giới sẽ thương thyết với Iran theo phương cách hết sức cảnh giác và sẽ tham khảo chặt chẽ ý kiến của Israel.

Các nhà quan sát lưu ý rằng vấn đề không chỉ là quả bom nguyên tử, khi mà Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận, mà hơn thế nước này sẽ được củng cố không chỉ trên phương diện kinh tế, mà còn được tăng cường sức mạnh chính trị khi có thể bình thường hóa quan hệ với Washington, khiến nhiều đồng minh của Mỹ buộc phải tính đến những ảnh hưởng khác nhau giữa các quốc gia Trung Đông có thể chi phối tình hình khu vực này.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn "Báo Độc lập", Tiến sĩ khoa học lịch sử Học viện Hàn lâm Nga Georgy Mirsky đã lý giải vì sao các đồng minh Trung Đông lên án Obama hai lần phản bội họ. Trước hết, Tổng thống Mỹ đã từ chối tấn công tên lửa vào Syria nhằm làm suy yếu tiềm lực quân sự của ông Assad. Mặt khác, ông Obama đã từ chối cung cấp vũ khí hạng nặng cho lực lượng nổi dậy Syria. Các đồng minh Trung Đông cáo buộc điều đó dường như tiếp thêm sức mạnh cho chiến thắng của Tổng thống Bashar al-Assad và cũng đồng nghĩa đó là chiến thắng của Iran, quốc gia trước sau như một luôn khẳng định sẽ chia lửa với Syria.

Điều thứ hai, ông Obama bị buộc tội "cố tình mắc bẫy" của Iran khi đánh đổi nụ cười của Hassan Rouhani bằng cách gây áp lực lên Quốc hội Mỹ trong vấn đề trừng phạt Iran. Các đồng minh Trung Đông của Mỹ coi đó là một sự đầu hàng và cho rằng ông Obama sẽ dần dần cho phép Iran có thể làm giàu uranium tới 90%, và đằng sau viễn cảnh đó tất yếu sẽ là một sự muộn màng. Iran sẽ đạt được cái đích của họ là chế tạo bom nguyên tử.

Ông Michael Stephens, Nhà nghiên cứu thuộc Viện Hoàng Gia về Quốc phòng và An ninh Qatar cho biết Arập Xêút và các chế độ quân chủ khác ở vùng Vịnh Persia không thể tác động nhiều đến thế tới Mỹ. Và điều đó như một sự hỗ trợ quân chính phủ Syria, kể cả trong các quan hệ về vũ khí và năng lượng. Chuyên gia này cho rằng Mỹ đã đạt đến khả năng không còn phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ ở Trung Đông như trước kia.

Ở thời điểm này, thậm chí tình hình còn có chiều hướng đảo ngược, có nghĩa là Trung Đông đang bị phụ thuộc vào Mỹ. Nên nhớ rằng Arập Xêút đã chi hàng tỷ USD để mua vũ khí của Mỹ. Điều đó, theo Michael Stephens, các chế độ quân chủ ở Trung Đông đang khẩn trương trang bị thêm vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria hòng có thể đối địch với lực lượng chính phủ.

Tuy nhiên, các loại vũ khí hạng nặng như tên lửa chống tăng hay hệ thống phòng không, thì cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Arập Xêút đều không thể đáp ứng được. Nhà nghiên cứu Stephens kết luận, nguy cơ chủ yếu đối với Tổng thống Obama lúc này không đến từ phía Arập Xêút, Kuwait hay Qatar, mà chính là xuất phát từ các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ.

Về phía Israel, họ có một thứ "vũ khí" duy nhất cho phép gây sức ép với Mỹ, đó là "tống tiền". Trong trường hợp Thủ tướng Netanyahu nói rằng: chúng tôi chỉ chờ đợi trong thời gian vài ba tháng, và khi mọi sự trở nên rõ ràng, khi Iran đã có thể làm giàu uranium và chế tạo được bom nguyên tử, thì chúng tôi sẽ tiến công Iran. Lời đe dọa này cần phải được lưu ý, khi mà bất luận ra sao, Washington cũng sẽ phải liên đới can thiệp vào cuộc chiến tranh này ngay khi nó nổ ra, và Iran sẽ tấn công các mục tiêu của Mỹ còn nhiều hơn cả Israel.



Quế Anh  (P/v TTXVN tại Nga)

Lý do Israel quay lại đàm phán với Palestine
Lý do Israel quay lại đàm phán với Palestine

Dưới sức ép của Washington, lo lắng về vị thế quốc tế của mình và tình hình Trung Đông bất ổn, Israel có nhiều lý do để quay trở lại đàm phán hòa bình với người Palestine trong tuần này sau ba năm gián đoạn.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN