Đông Nam Á đã nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong vài thập kỷ qua, với việc các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia trở thành những trung tâm sản xuất lớn. Khu vực này hiện là nơi sản xuất quan trọng các mặt hàng ô tô, máy tính, điện tử và hàng may mặc cùng nhiều sản phẩm khác cho thế giới.
Nhưng sự gián đoạn sản xuất lớn do đại dịch COVID gây ra hiện nay có nguy cơ gây ra sự thay đổi trong các chuỗi giá trị.
Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng
Theo tờ DW (Đức), khu vực Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch bùng phát trở lại trong những tháng gần đây, phần lớn là do biến thể Delta dễ lây lan. Các biện pháp phong toả và hạn chế chặt chẽ hơn để kiểm soát sự lây lan của virus cũng đã khiến các nhà máy ở nhiều quốc gia phải đóng cửa.
Hoạt động sản xuất trên toàn khu vực đã bị ảnh hưởng nặng nề và "vẫn trong tình trạng suy thoái trong suốt tháng 8", theo một cuộc khảo sát với khoảng 2.100 nhà máy.
Theo hãng cung cấp thông tin IHS Markit (có trụ sở tại London), Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) "vẫn ở trong vùng bị thu hẹp" ở mức 44,5 do "các ca COVID-19 gia tăng và các biện pháp đóng cửa”. Tháng 8 vừa qua là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số PMI của Đông Nam Á ở dưới mức 50, tức là có sự suy giảm.
Nhà kinh tế Lewis Cooper của IHS Markit nói với hãng thông tấn DPA: “Tốc độ giảm nhanh nhất được ghi nhận ở Myanmar, Việt Nam và Malaysia”.
Sự sụt giảm năng lực sản xuất, đặc biệt là ở các nước như Thái Lan và Việt Nam, đã ảnh hưởng đến chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều công ty tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ khu vực cho biết họ đã phải đối mặt với sự gián đoạn chưa từng có trong năm nay do các đợt bùng dịch COVID-19 và tình trạng thiếu container.
"Với vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ở giai đoạn lắp ráp cuối cùng của thiết bị điện tử trong những năm gần đây, làn sóng dịch đang được cảm nhận ở các mặt hàng liên quan đến viễn thông", Sian Fenner, nhà kinh tế hàng đầu châu Á tại Oxford Economics, nói với tờ DW.
Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á -Thái Bình Dương của IHS Markit, cho biết ảnh hưởng của việc đóng cửa các nhà máy ở Việt Nam đã lan rộng hơn. “Trên 100 nhà máy chế biến hải sản đã đóng cửa ở miền nam Việt Nam trong tháng 8, trong khi trên 1/3 nhà máy dệt may được báo cáo đã đóng cửa tạm thời trong những tuần gần đây do đại dịch”, ông Biswas nói với DW.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng những tập đoàn lớn như Samsung và Toyota cũng đối mặt với thách thức về sản xuất. Ông cho biết Samsung đã cố gắng giảm thiểu sự gián đoạn bằng cách chuyển sản xuất sang các bộ phận khác trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu của họ, trong khi Toyota đã phải tạm dừng một số dây chuyền lắp ráp ô tô do sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở các trung tâm sản xuất Đông Nam Á.
Để tránh gián đoạn sản xuất, chính phủ Việt Nam đã cho phép các nhà máy tiếp tục hoạt động với điều kiện áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Tại Thái Lan, một cuộc di cư về quê của lao động nhập cư kể từ đầu đại dịch đang dẫn đến tình trạng thiếu lao động. "Điều này đang tác động đến lĩnh vực sản xuất cần nhiều lao động, đặc biệt là ngành thực phẩm, dệt may và một số nhà sản xuất cao su", nhà kinh tế Fenner nói.
Ba trong số bốn nhà máy của tập đoàn Toyota Motor ở Thái Lan đã phải ngừng sản xuất trong tháng 7 do thiếu linh kiện.
Hôm 1/9, nhà sản xuất ô tô Ford cho biết nhà máy của họ ở thành phố Cologne, Đức đã phải tạm dừng sản xuất mẫu xe Fiesta vì thiếu chất bán dẫn thường nhập từ các nhà máy ở Malaysia.
"Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn"
Chuyên gia Fenner dự báo tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và áp lực giá cả sẽ bắt đầu giảm bớt vào đầu năm tới. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sự gián đoạn có thể sẽ kéo dài hơn trong một số lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, vốn có tác động tiêu cực đến sản xuất ô tô. “Mặc dù chúng tôi dự đoán Quý 2 năm 2021 sẽ đánh dấu đỉnh điểm của sự gián đoạn, nhưng sẽ mất vài quý nữa để tình hình bình thường hóa hoàn toàn”, ông Fenner cho biết.
Sự gián đoạn lớn do COVID-19 cũng đang thúc đẩy việc xem xét đa dạng hoá các chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực. Đóng cửa và các biện pháp chống dịch khác đã cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu ngày nay mong manh như thế nào. Việc có quá nhiều ngành công nghiệp chủ chốt như điện tử và sản xuất dệt may chỉ tập trung ở một vài nơi đã gây tổn hại cho nhiều doanh nghiệp.
"Điều này có thể dẫn đến khả năng đa dạng hóa hơn nhưng chúng tôi cho rằng việc thu hút vốn sẽ bị hạn chế và chúng tôi vẫn tin rằng châu Á là một điểm đến hấp dẫn đối với FDI [đầu tư trực tiếp nước ngoài], đặc biệt là tại Việt Nam, với sự năng động của thị trường lao động, nhu cầu tiêu dùng trong khu vực tăng và các chính sách FDI, thương mại thuận lợi”, ông Fenner nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Biswas nhấn mạnh rằng đại dịch sẽ dẫn đến việc định hình lại các chuỗi cung ứng toàn cầu. "Điều này sẽ cải thiện sự đa dạng hóa toàn cầu của chuỗi cung ứng cũng như tăng năng lực sản xuất trong nước trong các phân khúc công nghiệp quan trọng như thiết bị y tế, sản xuất vaccine và sản xuất thiết bị điện tử quan trọng, đặc biệt là chất bán dẫn”, ông Biswas nói với DW.