Lại báo động khủng hoảng nợ công

Tối 23/3, chưa đầy 2 giờ sau khi các nghị sỹ đối lập chiếm đa số ở Nghị viện Bồ Đào Nha bác bỏ chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới nhằm tiết kiệm ngân sách, Thủ tướng Bồ Đào Nha José Socrates đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống nước này, trở thành quan chức cấp cao đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) phải ra đi vì vấn đề nợ công. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vốn lắng dịu được một thời gian nay lại dấy lên.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates tuyên bố từ chức.
Ảnh: AFP-TTXVN

Trong loạt bài về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cuối tháng 11 đầu tháng 12/2010, báo Tin Tức nhận định Bồ Đào Nha là “nỗi ám ảnh” của khủng hoảng nợ công và dự báo nước này có thể sẽ đi theo “vết xe đổ” của Hy Lạp và Ailen vào mùa xuân năm 2011. Tình hình hiện nay cho thấy cùng với việc Quốc hội Bồ Đào Nha trong thời gian một năm bốn lần phủ quyết chương trình “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ, việc Thủ tướng Socrates từ chức sẽ càng đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa khả năng nước này trở thành nạn nhân thứ ba của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.

Thực ra, những gì mà Bồ Đào Nha đang phải đối mặt là hình ảnh thu nhỏ những khó khăn liên quan mà EU đang phải vật lộn. Các biện pháp cắt giảm chi tiêu công của chính phủ Bồ Đào Nha đã nhận được sự tán thành của các quan chức EU và các nhà lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt các nước Eurozone vừa tổ chức, nhưng không thể giúp ông Socrates xoay ngược tình thế “mất lòng dân”. Nguyên tắc cấp cứu và phòng ngừa khủng hoảng do châu Âu chủ đạo đến đâu cũng khó có thể vượt qua hiện thực chính trị. Điều này giải thích tại sao công hội nhiều nước ở châu Âu đã vùng lên đấu tranh phản đối “thắt lưng buộc bụng”, “hạn chế tăng lương”.

Cho dù phương án ứng phó toàn diện với khủng hoảng nợ của EU về cơ bản đã thành hình và hi vọng được đặt vào việc có thể giải quyết vấn đề một cách có hệ thống từ gốc tới ngọn, nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là nếu các nước thành viên Eurozone không có được chính sách tài chính chung, cái gọi là “phương án ứng phó toàn diện” chỉ có thể “cắt chứng” mà không trị được “gốc bệnh”. Các nước nhận cứu trợ sẽ rơi vào cảnh những biện pháp thắt chặt tài chính nghiêm ngặt kèm theo gói cứu trợ chưa được thực thi, chính phủ đã sụp đổ hoặc hiệu quả lâu dài chưa xuất hiện nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.

Mới đây, khi hạ cấp tín dụng đối với Bồ Đào Nha, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã nhận định, Bồ Đào Nha sẽ phải đối mặt với vấn đề giá thành vốn rất cao và việc nước này có thể chịu đựng được không vẫn khó dự liệu. Trên thực tế vào ngày 24/3, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bồ Đào Nha đã đạt mức kỉ lục trong lịch sử Eurozone (7,71%) còn lãi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm của nước này cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 8%. Thị trường gia tăng lo ngại đối với Bồ Đào Nha đã gây ra tác động dây chuyền, khiến khả năng huy động vốn tài chính của các nước Eurozone khác như Ailen, Tây Ban Nha… trở nên khó khăn hơn. Ngay cả tỉ giá hối đoái của đồng euro, thị trường chứng khoán cũng bị vạ lây. Sau khi Bồ Đào Nha rơi vào khủng hoảng chính trị, đồng euro đã giảm giá so với 12 đồng tiền trong số 16 đồng tiền chủ chốt của thế giới, thị trường chứng khoán xuất hiện trạng thái tụt dốc. Bầu không khí u ám bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh EU, làm nảy sinh biến số quan trọng ảnh hưởng tới sự thành công của hội nghị này.

Điều đáng chú ý là trong số các nước chịu tác động từ hiệu ứng “chim sợ cành cong” của thị trường hối đoái và thị trường chứng khoán châu Âu lần này, người ta thấy xuất hiện cả cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới – Trung Quốc. Năm 2010, khi thăm Bồ Đào Nha, lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết áp dụng “biện pháp thiết thực” (trong đó có cả việc mua trái phiếu Bồ Đào Nha) để giúp nước này ứng phó với khủng hoảng. Vấn đề ở chỗ Bồ Đào Nha không phải là nước duy nhất, trong danh sách các nước Trung Quốc đưa ra cam kết tương tự còn có Hy Lạp, Tây Ban Nha.

Xem ra, cùng với sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, để thực hiện những gì đã cam kết, Trung Quốc khó có thể tránh khỏi việc can dự ngày càng sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Việc mua trái phiếu các nước châu Âu không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc xây dựng hình ảnh “nhà đầu tư thân thiện”, tăng cường ảnh hưởng ở châu Âu, mà còn giúp nước này phân tán rủi ro từ việc mua quá nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ. Nhưng nếu cuộc khủng hoảng nợ công không dừng ở Bồ Đào Nha, tiếp tục cuốn Tây Ban Nha, Bỉ, Italia… vào vòng xoáy, rủi ro mà đồng tiền đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu phải đối mặt sẽ tăng lên.

Hà Ngọc (P/v TTXVN ở Hồng Công)

Hy Lạp: Bắt đầu tuần bãi công phản đối chính phủ
Hy Lạp: Bắt đầu tuần bãi công phản đối chính phủ

Ngày 13/12 là ngày mở đầu cho tuần bãi công phản đối chính phủ ở Hy Lạp. Cuộc bãi công quy mô lớn này do các công đoàn phát động nhằm phản đối dự luật cải cách lao động của chính phủ.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN