Kỷ nguyên mới trong quan hệ Pakixtan - Ấn Độ

Ngày 27/7, các ngoại trưởng Ấn Độ và Pakixtan đã ca ngợi “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời nhất trí cùng nhau chống khủng bố, thúc đẩy thương mại và du lịch. Đây có thể được coi là một bước tiến nhằm làm giảm căng thẳng trong khu vực.

Ngày 27/7, tại Niu Đêli, Ngoại trưởng Ấn Độ S. M. Krishna (trái) đã có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Pakixtan Hina Rabbani Khar. Ảnh: AFP-TTXVN

Các cuộc hòa đàm giữa Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna và người đồng cấp Pakixtan Hina Rabbani Khar tại Niu Đêli đã diễn ra theo chiều hướng tích cực “bất ngờ”. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Krishna nói ông hài lòng về kết quả cuộc hội đàm và cho biết hai bên đã thỏa thuận tiếp tục các cuộc thảo luận nhằm thu hẹp các bất đồng về vấn đề Kashmir, đấu tranh chống khủng bố dưới mọi hình thức. Ông nói: “Tôi có thể tự tin khi nói rằng quan hệ giữa hai nước đang đi theo chiều hướng đúng đắn”.

Về phần mình, nữ Ngoại trưởng Pakixtan, bà Hina Rabbani Khar, nhấn mạnh Pakixtan cam kết vì hòa bình khu vực. Theo bà, Pakixtan và Ấn Độ cần phải cùng tồn tại hòa bình, gánh nặng trách nhiệm của Pakixtan và Ấn Độ không chỉ là cùng nhau phấn đấu vì hòa bình và sự phồn vinh của nhân dân hai nước, mà còn vì hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Bà nói: “Trên thực tế, đây là một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương Pakixtan - Ấn Độ”.
Tuy nhiên, người ta không mấy hy vọng các cuộc hội đàm này sẽ sớm mang lại sự đột phá trong quan hệ giữa hai nước vì trên thực tế, không nước nào chịu tiến hành các biện pháp cần thiết để bình thường hóa quan hệ, chẳng hạn rút phần lớn binh sĩ ra khỏi khu vực biên giới. Tuy nhiên, việc hai nước tiếp tục hội đàm và nhất trí về các vấn đề nhỏ như nỗ lực cải thiện đời sống của những người đang sinh sống tại khu vực Kashmir bị chia cắt cho thấy cả hai bên đều không muốn rơi vào một cuộc xung đột.

Hasan Askari Rizvi, chuyên gia về các vấn đề đối ngoại của Pakixtan, cho rằng hai bên đã tránh đối đầu về những vấn đề gây tranh cãi nhất làm tổn hại tới quan hệ song phương trong nhiều năm qua như vấn đề khủng bố và Kashmir. Ông nói: “Hai nhà lãnh đạo không bước vào “bãi mìn” mà chỉ ở rìa bên ngoài và đưa ra những tuyên bố tích cực”. Gul Wani, nhà phân tích chính trị của trường Đại học Kashmir ở Srinagar, nói: “Mặc dù có quá nhiều vấn đề gây bất đồng... nhưng Ấn Độ và Pakixtan đã xích lại gần nhau hơn”.

Điều quan trọng là hai bên đã đồng ý hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm chống lại các tay súng và đưa thủ phạm gây ra các cuộc tấn công ra trước công lý. Hiện vẫn chưa rõ hai nước sẽ áp dụng những biện pháp gì và các nhà phân tích đã cảnh báo rằng chớ nên hy vọng sẽ nhanh chóng đạt được kết quả nào đó vì các cơ quan tình báo và lực lượng vũ trang của hai nước vẫn còn hoài nghi sâu sắc lẫn nhau.

Theo nhận định của giới phân tích, bế tắc giữa hai nước chắc chắn sẽ làm gia tăng bất đồng, khuyến khích những phần tử cực đoan và thổi bùng mối hoài nghi giữa hai nước. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Wanii, “tiến trình hòa bình đã lấy được động lực và điều đáng mừng là chúng ta có thể thấy chủ nghĩa khủng bố sẽ không cản trở được ban lãnh đạo chính trị tiến bước”.

TTK (theo Reuters, THX)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN