Kinh tế thế giới trước những nguy cơ tiềm ẩn

Các thị trường thế giới mấy ngày qua rất hào hứng sau các đợt phát hành trái phiếu thành công của một số chính phủ châu Âu đang bị khủng hoảng nợ công đe dọa.


Tuy nhiên, các báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã nêu ra những nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong năm 2011, trong đó lưu ý vấn đề lạm phát thực phẩm đối với các nước đang phát triển.

Trong báo cáo vừa công bố để chuẩn bị cho hội nghị thường niên sắp diễn ra cuối tháng này, WEF đưa ra 9 hiểm họa lớn nhất đối mặt với nền kinh tế thế giới năm nay.


Tuy nhiên, WEF nhấn mạnh tới hiểm họa chính sách tài khóa lỏng lẻo và lạm phát thực phẩm - nhiên liệu, có thể làm đảo lộn tiến trình hồi phục của nền kinh tế thế giới và khiến một số chính phủ vỡ nợ.


Các chuyên gia kinh tế tham gia soạn thảo báo cáo này cho rằng cần có một cuộc cải cách cơ cấu triệt để trong các nền kinh tế phát triển nhằm giảm thiểu nguy cơ khủng hoảng tài chính tái diễn trên quy mô toàn cầu.

Giám đốc Điều hành WEF Robert Greenhill cho rằng: “Những thách thức đối mặt với nền kinh tế toàn cầu đang kết hợp với những nguy cơ về chính sách tài khóa và sự biến động gia tăng của tiền tệ và hàng hóa để trở thành các hiểm họa tự phát. Chúng đã trở thành những nguy cơ móc nối lẫn nhau thay vì một nguy cơ đơn lẻ”.

Trưởng ban kinh tế của Công ty tài chính Zurich Financial Services AG, ông Daniel Hofmann nhấn mạnh vẫn còn đó những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng mới, “trong khi khả năng chống chọi khủng hoảng của các chính phủ đang rất hạn chế do hầu hết đều có tỷ lệ nợ công cao”.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Luân Đôn, ông Hofmann nói: “Hiểm họa khủng hoảng bất động sản, khủng hoảng thanh khoản và thiếu hụt tín dụng vẫn rất cao xét về khả năng diễn ra và mức độ nghiêm trọng... Gốc rễ của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua nằm ở sự mất cân đối vĩ mô. Tình trạng này xuất hiện trong nội tại mỗi nền kinh tế và trên quy mô toàn cầu”.

Theo WEF, lạm phát hàng hóa đang là một mối đe dọa lớn, nhất là đối với các nền kinh tế đang phát triển. Trong cuộc suy thoái vừa qua, giá cả một loạt hàng hóa như kim loại và dầu thô đã tăng vọt, trong khi các mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn đang tiếp tục leo thang.


Báo cáo của Tổ chức Nông-Lương Liên hợp quốc cho biết chỉ số giá thực phẩm trong tháng cuối cùng của năm 2010 đã vượt qua mức kỷ lục hồi tháng 6/2008, thời điểm lạm phát lương thực đã dẫn tới bạo động xã hội ở nhiều quốc gia, nhất là sau khi các tổ chức từ thiện giảm bớt ngân sách hoạt động do khủng hoảng kinh tế.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2011” công bố hôm 14/1, WB cũng cảnh báo thế giới có thể sẽ lại trải qua những tháng ngày ảm đạm của năm 2008, khi tăng trưởng chậm lại và giá hàng hóa leo thang.


Hai điểm cơ bản trong báo cáo của WB là: Tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các nước đang phát triển sẽ hồi phục từ cuộc suy thoái 2008-2009 và xu hướng trọng tâm kinh tế toàn cầu chuyển từ Tây sang Đông ngày càng rõ nét.


Trong năm 2011, tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển được dự báo ở mức khiêm tốn 2,4%, trong khi ở các nước đang phát triển có thể đạt tới 6%. Mặc dù các nền kinh tế đang phát triển chỉ chiếm 25% tổng GDP toàn cầu, nhưng trong năm nay họ sẽ đóng góp tới gần một nửa vào tốc độ tăng trưởng chung của thế giới.

Tuy nhiên, theo WB, quá trình hồi phục của nền kinh tế thế giới đang đối mặt với những rủi ro ngay trong năm nay, bao gồm: Cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng euro (eurozone) có thể trở thành hệ thống khi có thêm các nước thành viên gặp nguy khốn; nguy cơ luồng tín dụng nóng gây bất ổn cho các nền kinh tế đang phát triển, dẫn tới xu hướng bảo hộ thương mại; và nguy cơ đói kém và suy dinh dưỡng bùng phát do giá lương thực tăng cao.

Giới chuyên gia cho rằng những nguy cơ liệt kê trên đây là hiện hữu. Mặc dù khó khăn đã tạm thời trôi qua với một số nước thuộc eurozone, nhưng cuộc khủng hoảng đồng euro vẫn sẽ là một trong những chủ đề chính được nhắc đến trong năm 2011.


Quyết định của Braxin áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn, nhằm hạn chế sự lên giá của đồng real, là một dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Trong khi đó, về lâu dài kinh tế thế giới vẫn tồn tại những hiểm họa đáng quan ngại hơn nhiều. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển theo dự báo của WB và hãng kiểm toán toàn cầu PwC (trong đó cho rằng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới vào năm 2050), sẽ làm gia tăng sức ép lên giá cả hàng hóa và bảo vệ môi trường.

Sau hai thế kỷ dẫn đầu thế giới về kinh tế và chính trị, các nước giàu có ở phương Tây sẽ không thể cảm thấy thoải mái trước sự thách thức của các nước mới trỗi dậy ở phương Đông.

Nếu những bất đồng về khai thác tài nguyên và tỷ giá tiền tệ là nguyên cớ dẫn đến những cuộc cãi vã về chính trị giữa hai phe, thế giới sẽ cần một cơ chế toàn cầu có thể kiểm soát hiệu quả hơn sự căng thẳng giữa các nước.


Tuy nhiên, những thất bại diễn ra với Vòng đàm phán thương mại Đôha và hội nghị thượng đỉnh môi trường Liên hợp quốc đã cho thấy một thể chế như vậy vẫn còn quá xa vời.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN