Kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc với sự trở lại của LDP? - Bài cuối: Vai trò lãnh đạo kinh tế ở châu Á

Con bài lớn khác của Nhật Bản trong những thập kỷ tới là vai trò trung tâm trong sự hòa nhập châu Á và những lợi ích mà Nhật Bản có được từ sự tăng trưởng của một khu vực mà trọng tâm của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển tới. Ưu thế của Nhật Bản trong khu vực vừa về công nghiệp, công nghệ và tài chính, lại được tác động tích cực nhờ một nền ngoại giao kinh tế rất tích cực, và cả quãng dài là mô hình tất yếu đối với các nước châu Á, nơi phần lớn nước đã học tập mô hình kinh tế của người Nhật.

 

Trong bảng xếp hạng tài sản của 500 công ty đa quốc gia, Nhật Bản đứng thứ hai thế giới với 64 doanh nghiệp, trong đó 13 doanh nghiệp nằm trong số 25 công ty lớn nhất của châu Á. Các công ty đa quốc gia này đã cắm chân ở châu Á với 10.000 chi nhánh, chiếm một phần tư vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản. Sự phát triển của châu Á cũng dựa vào việc tài trợ, một công cụ khác có một ảnh hưởng nổi trội của Nhật Bản trong khu vực. Qui mô của các thị trường tài chính của Nhật Bản không giống qui mô của các thị trường của phần còn lại ở châu Á: thị trường trái phiếu ở Tôkyô có ảnh hưởng gấp 3 lần toàn bộ thị trường của châu Á mới nổi cộng lại, và sự tích lũy vốn chứng khoán của Nhật Bản gấp hai lần của Trung Quốc (gồm cả Hồng Công). Các thể chế tài chính lớn của Nhật Bản nằm trong số các thể chế hàng đầu thế giới và đối với các hoạt động quốc tế thì các thể chế này có một kinh nghiệm lâu đời và một mạng lưới rộng lớn. Cùng với việc phát triển các chủ thể tài chính tư nhân là một nền ngoại giao kinh tế rất tích cực, được triển khai từ khoảng 30 năm nay, nhất là thông qua viện trợ phát triển chính thức(ODA). Ai cũng biết, sự cất cánh về công nghiệp của châu Á mới nổi và sự phát triển các cơ sở hạ tầng của nhiều quốc gia ở châu lục này là nhờ rất nhiều vào viện trợ ODA của Nhật Bản. Về mặt đa phương, ảnh hưởng của Nhật Bản được xác định trong Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nơi mà Nhật Bản luôn giữ chức chủ tịch, và nắm giữ 17% quyền bỏ phiếu. Tuy đồng yên không phải là đồng tiền khu vực, nhưng Nhật Bản vẫn có mặt ở hầu khắp các hoạt động phối hợp tiền tệ trong khu vực.

 

Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hồi năm 2001 đã dẫn đến một sự phát triển về ngoại thương của Trung Quốc mà Nhật Bản là người được hưởng lợi chính. Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc (ngoài Hồng Công) đã tăng gấp 4 lần từ năm 2002 đến 2008, từ 325 tỷ USD lên 1.428 tỷ USD hồi năm ngoái. Kim ngạch thương mại giữa hai nước này đã tăng gấp đôi từ năm 2000 và Nhật Bản hiện đang chiếm 20% thương mại với nước láng giềng rộng lớn này, trong khi chỉ có 13% vào năm 2000, và thậm chí 7% hồi năm 1995. Khác với Mỹ và châu Âu, kim ngạch thương mại của Trung Quốc (kể cả Hồng Công) với Nhật Bản luôn khá cân bằng. Sở dĩ kim ngạch thương mại giữa hai nước gia tăng là do những lợi ích giống nhau trong một hình thái gần như là lý tưởng: một bên là sự phát triển về công nghệ và một bên là giá nhân công rẻ. Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau là không cân xứng do trình độ phát triển của mỗi bên. Tuy vậy, Trung Quốc luôn tìm cách tạo những bước tiến để đuổi kịp về công nghệ của Nhật Bản, và vì vậy, người Nhật lại buộc phải “đâm lao thì phải theo lao” về công nghệ, phải tuân thủ qui tắc vàng, luôn chi phối chiến lược công nghiệp của mình, đó là “Đổi mới hay là chết”.

 

Triển vọng nào?

 

Có công nghệ tuyệt vời, có tính cạnh tranh cao trên thế giới, hùng mạnh về tài chính và giữ vai trò lãnh đạo về kinh tế ở châu Á: tất cả các con bài này được người Nhật hy vọng, và người nước ngoài dự báo là sẽ cho phép Nhật Bản tìm lại được một sự tăng trưởng lâu dài và bền vững trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các chính sách công phải được tiến hành khá kiên quyết để đối phó với 3 thách thức mà không chỉ có Nhật Bản, mà nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt, đó là: giảm phát, dân số và nợ. Trong thời hạn ngắn, việc trở lại giảm phát (-1,4% năm 2009) là đáng lo ngại nhất bởi vì việc giảm giá sẽ làm tăng lãi suất thực, giảm thu nhập tài khóa và dẫn đến “chủ nghĩa chờ thời” trong chi tiêu của các gia đình và các doanh nghiệp. Nhật Bản đã trải qua một thời kỳ giảm phát từ năm 1999 đến 2003, sau đó vào năm 2005 (trung bình 0,5% mỗi năm).

 

Hai thách thức khác là dân số và nợ, được dự báo rằng Nhật Bản chỉ có thể vượt qua được trong trung hạn. Về mặt dân số, một chính sách khuyến khích sinh đẻ đang được triển khai mạnh mẽ. Nhiều biện pháp khác cũng đã được LDP thực hiện, như cha mẹ được nghỉ dài hơn khi sinh con, tăng hàng loạt số nhà trẻ, trợ cấp khi sinh con… Và về phía doanh nghiệp, phải tiến hành cải tổ mô hình quản lý không cho phép phụ nữ kết hợp công việc với việc giáo dục con cái. Một cuộc cách mạng văn hóa còn khó khăn hơn đối với xã hội Nhật Bản là mở cửa cho dân nhập cư, nhất là từ các nước châu Á., điều này sẽ có lợi kép đối với Nhật Bản, vừa duy trì được tiềm năng tăng trưởng, vừa tăng cường ảnh hưởng của mình trong tiến trình khu vực hóa.

 

Về nợ công, trước hết cần phải giảm sự thâm hụt tuần hoàn của tài trợ công, có thể còn vượt quá 5% GDP trong những năm tới. Dự toán ngân sách năm 2010-2011 qui định giảm thuế đối với các công ty (từ 40% xuống 35%) để duy trì tính cạnh tranh. Giải pháp duy nhất là chỉ đánh thuế gián tiếp – thuế 5% đánh vào tiêu dùng – và tăng dần tỷ lệ thuế, tới 10%, thậm chí 15%. Một biện pháp như vậy, tất nhiên là làm mất lòng dân, và đương nhiên sẽ kéo theo nhiều nguy cơ. Về mặt kinh tế, biện pháp này phi sản xuất; về mặt chính trị, chỉ khi một chính phủ có một sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội mới có thể thực hiện được. Vì vậy, nó hoàn toàn không phải là công việc có thể giải quyết nhanh chóng trong ngày một, ngày hai.

 

Mục tiêu tiếp tục trở lại tăng trưởng lâu dài và bền vững phụ thuộc vào hai yếu tố liên quan mật thiết với nhau: một là quyết tâm và ý chí chính trị mạnh mẽ và sự trở lại lòng tin vào một xã hội đã bị vỡ mộng. cả hai yếu tố ấy đã le lói ở Nhật Bản sau cuộc bầu cử vừa rồi, và cho dù Nhật Bản hiện tại không còn là tấm gương về phát triển kinh tế, song với sự trở lại chính trường của LDP, một chính đảng có kinh nghiệm già dặn nhờ hàng mấy thập kỷ liên tiếp lãnh đạo chính trường Nhật Bản, rất có cơ sở để tin rằng ánh hào quang ấy sẽ sớm trở lại với đất nước Mặt Trời mọc.

 

Phạm Phú Phúc

Kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc với sự trở lại của LDP? - Bài 4: Lợi thế năng động và tính tiết kiệm

Mặc dù bị suy giảm tốc độ so với Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là nước xuất khẩu lớn thứ tư trên thế giới và Khả năng thương mại bảo đảm cho nước này một số dư thương mại mang tính bền vững.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN