Kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc với sự trở lại của LDP? - Bài 4: Lợi thế năng động và tính tiết kiệm

Sự năng động về thương mại

 

Mặc dù bị suy giảm tốc độ so với Trung Quốc, Nhật Bản vẫn là nước xuất khẩu lớn thứ tư trên thế giới, cho dù thị phần xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm mạnh trong 10 năm qua, từ 8% xuống còn 5%. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc lại tăng gần gấp đôi, từ 5% lên 9%. Khả năng thương mại của Nhật Bản bảo đảm cho nước này một số dư thương mại mang tính bền vững. Không có nguyên liệu, năng lượng và nông phẩm, nhưng Nhật Bản luôn có số dư lớn về các sản phẩm chế tạo có giá trị cao chiếm 98% xuất khẩu. Chỉ riêng 3 lĩnh vực đã chiếm 65% xuất khẩu, trong đó 25% của ô tô, 20%: máy điện và 20% là từ các thiết bị công nghệ khác. Về mặt địa lý, việc tái định hướng sự trao đổi thương mại với châu Á được coi là sự kiện đáng chú ý trong thập kỷ qua: xuất khẩu tới khu vực này tăng từ 33% lên 52%, trong khi tới thị trường Mỹ là 17% và thị trường châu Âu là 13%. Vượt châu Âu và Mỹ, Nhật Bản là nước được hưởng lợi hàng đầu từ sự hòa nhập châu Á và nhất là từ sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc, vì từ năm 2007 Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản. Tuy nhiên, trước hoạt động ngoại giao kinh tế khu vực của Bắc Kinh, Nhật Bản luôn phản đối sự trì trệ trong việc thực hiện những thỏa thuận trao đổi thương mại tự do của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, phải thấy rõ một điều là sự thụt lùi rõ ràng về khả năng thương mại của Nhật Bản trước Trung Quốc không có nghĩa là nền kinh tế nước này bị mất tính cạnh tranh. Trong vòng 10 năm qua, sản lượng các sản phẩm của Nhật Bản được chế tạo ra ở “ngoài các bức tường” nước này đã tăng từ 11% lên 19% nhờ việc các công ty của Nhật Bản đang có mặt rất hùng hậu ở nước ngoài. Vì vậy, những số liệu về kim ngạch xuất khẩu còn lâu mới phản ánh đúng thị phần của Nhật Bản trong thị trường thế giới, bởi đúng ra là nó luôn tăng gấp ba lần nếu người ta tính thêm sản lượng hàng hóa Nhật Bản, nhưng lại xuất khẩu từ nước ngoài.

 

Chủ nợ hàng đầu trên thế giới

 

Có hai nguyên nhân chủ yếu giải thích cho sự nổi lên rất bất ngờ của cường quốc tài chính Nhật Bản trong thập kỷ 1980. Thứ nhất, sự giàu có thực sự tạo ra bởi một nền công nghiệp rất có tính cạnh tranh đã tạo nên nền tảng cho sự nổi lên ấy. Thứ hai là những nhân tố tiền tệ đã khuếch đại sự nổi lên ấy trong một vòng xoáy đầu cơ dẫn đến việc tăng gấp ba lần giá trị của các cổ phiếu và bất động sản từ năm 1985 đến 1989. Sau thỏa thuận Palaza vào tháng 9/1985, việc tăng gấp đôi giá trị đồng yên so với đồng USD khi đó đã khiến nhà cầm quyền giảm mạnh lãi suất. Thé nhưng, việc vỡ bong bóng tài chính vào năm 1990 đã nhấn chìm đất nước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hơn 10 năm.

 

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn là chủ nợ hàng đầu thế giới nhờ nhân tố cứng rắn trong sức mạnh tài chính của nước này đã chống lại mọi sự trì trệ. Tiên tiết kiệm của các gia đình đã giảm mạnh từ nhiều năm nay, nhưng nhờ có tiền tiết kiệm của các doanh nghiệp, nên tỷ lệ tiết kiệm của nước này vẫn cao, chiếm tới 27% GDP so với 19,3% của EU và 14% của Mỹ. Ngay cả trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng những năm 1990, số dư thông thường của Nhật Bản vẫn tiếp tục tích dồn lại và tài sản ở nước ngoài là 2.822 tỷ USD, chiếm 56% GDP vào cuối năm 2009, so với 1.822 tỷ USD của Trung Quốc với 36% GDP. Những khoản thu nhập từ nguồn này tạo nên một vị trí ngày càng quan trọng của cán cân thanh toán và hiện đang ở mức khá cao. Đấy là chưa nói đến một sự quản lý rất tích cực, hiệu quả các khoản dự trữ tài chính này, đôi khi được sử dụng như một công cụ của quyền lực mềm. Ít ai biết rằng nhờ nguồn trên, Nhật Bản đóng góp tới 20% vào Quĩ bình ổn tài chính châu Âu (FESF) ngay khi nó vừa lập ra vào cuối tháng 1/2011. Việc đóng góp này phù hợp với những động cơ về kinh tế và tài chính, chẳng hạn sự đa dạng hóa nguồn dự trữ hối đoái, giảm xuất khẩu tới châu Âu trong trường hợp đồng euro giảm mạnh, nhưng những sự cân nhắc mang tính chiến lược hơn cũng được tính tới do Trung Quốc ủng hộ việc phát hành trái phiếu của Hy Lạp, Tây Ban Nhà và Bồ Đào Nha và cả các cuộc thương lượng cho một hiệp định trao đổi tự do với liên minh châu Âu mà Nhật Bản muốn đẩy mạnh.

 

Sức mạnh về tài chính của các doanh nghiệp Nhật Bản được duy trì ngay cả trong những năm diễn ra khủng hoảng và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vượt quá 500 tỷ USD, gồm của Mỹ 32%, châu Âu 27% và châu Á 24%. Hệ thống tài chính, bên bờ vực phá sản vào năm 1998, đã được lành mạnh hóa một cách khá khả dĩ cho dù tính bấp bênh vẫn còn trong lĩnh vực bảo hiểm và các ngân hàng khu vực. Tuy nhiên, ưu thế về tài chính là chủ nợ hàng đầu thế giới không phải là hoàn toàn vì Nhật Bản còn thiếu một con chủ bài, đó là quốc tế sử dụng đồng tiền của Nhật Bản vẫn còn hạn chế: chưa đầy 10% các cuộc giao dịch quốc tế so với 44% bằng đồng USD và 30% bằng đồng euro. Mặc dù mong muốn chính thức về một sự quốc tế hóa đồng yên đã được thúc đẩy mạnh hơn rất nhiều, song Nhật Bản vẫn chưa bao giờ có thể có được điều đó vì có quá nhiều ràng buộc đối với chính sách tiền tệ.

 

Phạm Phú Phúc

 

Đón đọc bài cuối: Vai trò lãnh đạo kinh tế ở châu Á

Kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc với sự trở lại của LDP? - Bài 3: Những con bài lớn

Nhật Bản đã có những con bài quan trọng mà châu Âu rất thèm muốn, ví như công nghệ tuyệt với, sự năng động về thương mại, sự hùng mạnh về tài chính và vai trò lãnh đạo về kinh tế ở châu Á,...

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN