Kinh tế Nga năm 2016: Vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức

Giá dầu mỏ lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, đồng ruble rớt giá thảm hại được ví như những cơn "sóng cả" trong năm 2016 chực chờ "nuốt chửng" lấy nước Nga đang điêu đứng sau nhiều năm oằn mình chống chọi với lệnh cấm vận của phương Tây.

Ảnh minh họa.

Thế nhưng, "con thuyền" nước Nga dưới sự chèo lái của vị "thuyền trưởng" tài ba, lão luyện Vladimir Putin đã vượt qua bao phong ba, bão táp và "cập bến" thành công khi duy trì được sự ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, vị thế của Nga không ngừng được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế.

Bước vào năm 2016, nước Nga cùng lúc phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức: giá "vàng đen" tiếp tục lao dốc, đồng nội tệ vẫn trong tình trạng "chạm đáy", trong khi phải gồng mình đối phó lệnh trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt do liên quan tới tình hình Ukraine. Đứng trước thực tế khó khăn chồng chất của nền kinh tế Nga, không ít chuyên gia trong nước và quốc tế đã đưa ra những phân tích, dự báo đầy u ám về tương lai nước này.

Nga đang buộc phải tích cực phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế, đặc biệt là với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời quyết liệt tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế vốn lệ thuộc quá lớn vào xuất khẩu nguyên liệu thô. Hàng loạt chính sách, chương trình nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài và vực dậy nền kinh tế "ốm yếu" đã được ban hành kịp thời. Chỉ tính riêng năm 2016, Nga đã chi 827,7 tỷ ruble (13,6 tỷ USD) cho chương trình chống khủng hoảng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế nhập khẩu, xuất khẩu những sản phẩm phi năng lượng, ngành sản xuất ô tô, công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, xây dựng nhà.

Những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Nga đã được đền đáp xứng đáng khi một loạt lĩnh vực kinh tế từ công nghiệp quốc phòng, ngân hàng, cộng nghệ thông tin, đặc biệt là ngành nông nghiệp đã vươn lên vị trí số một thế giới về xuất khẩu lúa mỳ. Giới chuyên gia cho rằng, với các điều kiện như diện tích rộng lớn, khí hậu thuận lợi, chỉ cần một chính sách phát triển phù hợp là đủ để Nga có thể trở thành một siêu cường về nông nghiệp và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Dự kiến, xuất khẩu nông sản của Nga trong năm nay lên tới 16,9 tỷ USD, cao hơn mức xuất khẩu vũ khí khoảng 25%.

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Putin cũng khẳng định rằng Nga đã đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mỗ, duy trì dự trữ ngoại tệ gần 400 tỷ USD, lạm phát được khống chế ở mức 5,8% và tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 0,3%. Đây là tiền đề quan trọng để ông Putin quyết định giao Chính phủ lên kế hoạch hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn của thế giới trong thời gian tới, cũng đồng nghĩa với việc nâng vị thế của Nga trong nền kinh tế toàn cầu.

Xét trong bối cảnh chung hiện nay, có thể nói rằng những năm tháng khó khăn của nước Nga dưới thời ông Putin đã trôi qua. Nga đã xây dựng được nền tảng cơ bản, tạo đà cho sự phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu sự tác động từ bên ngoài, đồng thời tăng cường được vị thế trên trường quốc tế.

Dương Trí (P/v TTXVN tại LB Nga)
Nga, Nhật thay đổi chính sách đối với nhân công nước ngoài
Nga, Nhật thay đổi chính sách đối với nhân công nước ngoài

Ngày 12/12, Chính phủ Nga đã ra quyết định giảm tỷ lệ nhân công nước ngoài tham gia một số hoạt động kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN