Khủng hoảng vùng Vịnh để lộ bất đồng giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ?

Khủng hoảng vùng Vịnh bùng nổ và nhiều người bất ngờ khi thấy trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang cố gắng thúc đẩy các bên, bao gồm Qatar và 4 nước Arab thương lượng giải hòa, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại công khai ủng hộ Saudi Arabia.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Reuters

Ngày 25/3/2011, chiến đấu cơ Mirage 2000-5 của Không quân Qatar đã cất cánh từ căn cứ không quân Souda ở Crete để giúp thực thi một vùng cấm bay bảo vệ lực lượng nổi dậy bị lực lượng trung thành với lãnh đạo Muammar Gaddafi tấn công tại Libya. Qatar là nước vùng Vịnh đầu tiên giúp đỡ Mỹ trong cuộc xung đột này.

Quân đội Qatar đã huấn luyện các đơn vị nổi dậy, cung cấp vũ khí, cùng chiến đấu, trở thành mối liên kết giữa các chỉ huy lực lượng nổi dậy và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hướng dẫn các chỉ huy quân sự của họ, tích hợp các đơn vị nổi dậy thành một lực lượng thống nhất và dẫn dắt họ tới cuộc tấn công cuối cùng nhằm vào nhóm ủng hộ ông Qaddafi cuối cùng ở Tripoli.

“Chúng tôi chưa từng phải bắt tay họ. Họ biết họ đang làm gì”, một quan chức cấp cao quân đội Mỹ về hưu nói. Nói một cách đơn giản, theo Business Insider, khi Mỹ là người dẫn đầu từ phía sau ở Libya, thì Qatar là người tiên phong trong cuộc chiến. Lầu Năm Góc chưa từng lãng quên sự hỗ trợ của Qatar và đó cũng là một trong những lý do vì sao mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nỗ lực hết sức để giải quyết những bất đồng giữa Qatar và các nước vùng Vịnh.

Trên thực tế, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đã rất bất ngờ trước động thái của Saudi Arabia. “Phản ứng đầu tiên của ông ấy là sốc, nhưng ngay sau đó ông ấy lại không tin… Ông ấy cho rằng Saudi Arabia đã gây ra một cuộc chiến không cần thiết, khi chính quyền Saudi Arabia nghĩ rằng họ sẽ đưa tất cả các nước vùng Vịnh cùng quan điểm thành lập một mặt trận chung chống lại Iran”, một quan chức cấp cao quân đội Mỹ đã về hưu nói.

Thời điểm Saudi Arabia tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar, ông Mattis đang ở Sydney, Australia cùng với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để trấn an những lo ngại về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Ông Mattis và ông Tillerson đã gặp gỡ các quan chức Australia và đưa ra tuyên bố trấn an về các dự định của Mỹ trong cuộc họp báo ngày 5/6 với các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia. Khi căng thẳng leo thang giữa Saudi Arabia và Qatar được đề cập, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã miêu tả nó không là gì ngoài “một danh sách ngày càng nhiều những điều khó chịu trong khu vực” và sẽ không làm suy yếu “cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố…”.

Theo Business Insider, câu trả lời của ông Tillerson được cho là để làm dịu đi những lo ngại về cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, đằng sau đó ông Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đang cố gắng giải quyết những thiệt hại gây ra bởi những hành động của Saudi Arabia. Hai người đã có cuộc thảo luận ở Sydney và đi đến kết luận rằng ông Tillerson sẽ dẫn đầu trong việc giải quyết vấn đề này.

Đó là lý do tại sao 3 ngày sau cuộc họp báo ở Sydney, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson kêu gọi Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập giảm nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Doha và tuyên bố Mỹ ủng hộ nỗ lực hòa giải của Kuwait.

Vấn đề đối với Ngoại trưởng Tillerson là tuyên bố của ông mâu thuẫn với Tổng thống Donald Trump. Trong lần xuất hiện tại Vườn Hồng của Nhà Trắng cùng ngày 9/6, ông Trump đã khiển trách Qatar, cho rằng vương quốc này “có truyền thống là một nước tài trợ cho khủng bố ở cấp độ rất cao". Một trợ lý thân cận của Ngoại trưởng Mỹ cho hay ông Tillerson không chỉ “bị tấn công bởi tuyên bố của ông Trump” mà còn “vô cùng tức giận vì Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao không thống nhất với nhau”.

Những trợ lý của ông Tillerson tin rằng tác giả thực sự của những tuyên bố của ông Trump là Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Al Otaiba, một người bạn thân của con rể ông Trump – Jared Kushner. Trợ lý thân cận của Ngoại trưởng Tillerson nói: “Rex (ông Rex Tillerson) đã nhận ra điều này và kết luận rằng Jared Kushner đang điều hành một chính sách đối ngoại thứ hai tại Nhà Trắng. Otaiba ảnh hưởng tới Jared và Jared ảnh hưởng tới (quyết sách) của ông Trump. Thực là một mớ hỗn độn”.

Tuyên bố của ông Trump ngày 9/6 gần như là “giọt nước làm tràn ly” đối với ông Tillerson. Trợ lý thân cận của Ngoại trưởng Mỹ giải thích: “Ông Tillerson quá mệt mỏi. Ông không được chấp thuận bất kỳ đề nghị nào và đang đi vòng quanh thế giới để ‘giải quyết hậu quả’ cho vị tổng thống có cố vấn chính sách đối ngoại là một tay nghiệp dư 36 tuổi”. Tệ hơn nữa, ít nhất là theo quan điểm của ông Tillerson, một quan chức Nhà Trắng đã giải thích sự khác biệt giữa hai tuyên bố - của ông Tillerson và ông Trump, bằng cách nói với báo chí rằng hãy bỏ qua tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ.


Một quan chức của Nhà Trắng nói với tờ Washington Post: "Ông Tillerson ban đầu có thể có quan điểm. Sau đó Tổng thống cũng thể hiện quan điểm, và rõ ràng là quan điểm của Tổng thống đã thắng thế”. Hoặc có thể là không. Bởi trong khi tuyên bố ngày 9/6 của ông Trump cho thấy Mỹ nghiêng về phía Saudi Arabia và UAE, thì Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nghiêng về phía Qatar.

Và dường như họ có lý do chính đáng để làm vậy. “Mỗi lần chúng tôi yêu cầu Qatar điều gì họ đều đồng ý, Saudi Arabia thì không sẵn sàng như vậy… Nó thực sự bắt đầu với sự trợ giúp Mỹ của Qatar ở Libya, nhưng còn hơn thế nữa. Họ luôn dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS. Trong khi Saudi Arabia thì toàn gây rắc rối – đặc biệt ở Yemen. Yemen đã là một thảm họa, một vết nhơ. Và rồi còn cuộc khủng hoảng này nữa”, quan chức quân đội Mỹ về hưu nhấn mạnh.

Quan điểm này đã được phản ánh trong hành động của ông Mattis và Tillerson. Sáu ngày sau tuyên bố chỉ trích Qatar của ông Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gặp người đồng cấp Qatar Khalid al-Attiyah để ký thỏa thuận bán 36 máy bay chiến đấu F-15 cho quốc gia vùng Vịnh này. Thỏa thuận mua bán máy bay chiến đấu cho thấy một tín hiệu quan trọng của ông Mattis về việc Mỹ ủng hộ Qatar.

Lầu Năm Góc tuyên bố lệnh cấm vận Qatar còn cản trở khả năng Mỹ lên kế hoạch hoạt động lâu dài ở vùng Vịnh. Căn cứ không quân Al Udeid của Mỹ ở Qatar hiện là bộ chỉ huy không kích khủng bố IS. Hơn 11.000 quân Mỹ và liên quân đóng ở căn cứ này.

Cùng ngày đó, ông Tillerson nói với Ủy ban Đối ngoại Hạ viện rằng sẽ là một sai lầm khi liệt nhóm Anh em Hồi giáo vào danh sách khủng bố, một trong những lý do chính mà liên minh chống Qatar đã đưa ra để cô lập nước láng giềng.

Trần Minh/Báo Tin Tức
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Lãnh đạo Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc các bên hạ nhiệt
Căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh: Lãnh đạo Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc các bên hạ nhiệt

Ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về những bất đồng giữa Qatar và các nước láng giềng Arab tại vùng Vịnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN