Khủng hoảng Qatar ảnh hưởng ra sao tới 'Vành đai và Con đường'?

Việc đổ vỡ quan hệ ngoại giao giữa Qatar và một số các quốc gia vùng Vịnh sẽ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế khu vực và có thể làm gia tăng bất ổn tại Trung Đông, mà còn có thể tác động tới dự án "Vành đai và con đường" mà Trung Quốc khởi xướng.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad al-Thani và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong ngày 3/11/2014. Ảnh: Xinhua

Đài phát thanh Sputnik đã có cuộc trò chuyện với các chuyên gia Trung Quốc để tìm hiểu đánh giá của họ về việc liệu rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao này có ảnh hưởng tới dự án “Vành đai và Con đường” hay không. Theo Sputnik, Trung Quốc có lý do để lo lắng vì Saudi Arabia và Qatar là nguồn cung cấp chính dầu và khí đốt cho quốc gia này.

Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn có kế hoạch xây dựng một khu vực thương mại tự do với các thành viên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Arab (AGCC) bao gồm Vương quốc Bahrain, Qatar, Kuwait, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Oman và Saudo Arabia.

Các chuyên gia cho rằng việc cung cấp dầu khí sẽ khó có thể bị ảnh hưởng bởi tranh cãi trong khu vực, song việc thiết lập các khu vực thương mại tự do – đóng vai trò quan trọng trong dự án “Vành đai và con đường”, có thể sẽ phải tạm hoãn.

Rõ ràng Bắc Kinh sẽ không lựa chọn đứng về phe nào trong khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay. Quốc gia này chỉ tuyên bố hi vọng Saudi Arabia, Bahrain, UAE và Ai Cập sẽ cố gắng giải quyết các khác biệt với Doha thông qua đối thoại.

Trả lời phỏng vấn Sputnik Trung Quốc, Bian Yongzu – một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính Chungyang miêu tả hai quốc gia giàu dầu mỏ và khí đốt - Saudi Arabia và Qatar là điểm dừng quan trọng trong dự án “Vành đai và con đường”.

Bian Yongzu nhận xét: “Dự án ‘Vành đai và con đường’, với mục đích xây dựng sự hợp tác kinh tế giữa các quốc gia qua việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, đã được các nước như Saudi Arabia, Iran và Qatar ủng hộ. Điều này có nghĩa là bất chấp mọi vấn đề hiện giờ, Trung Quốc không có gì phải lo lắng”.


Trong khi đó, Giáo sư Wang Yiwei thuộc Đại học Renmin (Trung Quốc) tin rằng mặc dù các dự án đầu tư của nước này không bị ảnh hưởng trực tiếp do mâu thuẫn hiện tại, song tình trạng bất ổn gia tăng trong khu vực có thể vẫn ảnh hưởng tiêu cực tới sự hợp tác kinh tế của Trung Quốc với các nước vùng Vịnh.

“Tình trạng bất ổn hiện tại ở Trung Đông rất nguy hiểm, bao gồm cả tình hình ở Yemen ngày càng tệ hơn, song điều đó rất khó ảnh hưởng tới việc đầu tư của Trung Quốc vào vùng Vịnh. 

Sự hợp tác của Trung Quốc với nhóm các nước AGCC và các cuộc đối thoại đang diễn ra về tiến trình tạo ra các khu vực thương mại tự do vẫn có thể phải gánh chịu. Chỉ là rất khó có thể nói ra mức độ ảnh hưởng lớn đến đâu”, Wang Yiwei nhấn mạnh.

Trước đó, vào ngày 5/6, bốn nước gồm Bahrain, Saudi Arabia, Ai Cập và UAE tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Họ cáo buộc Doha hỗ trợ các tổ chức khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia đó. Ngày hôm sau, Libya, Maldives, Mauritius và Mauritania cũng theo bước, chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Trong khi đó Yemen chỉ trích Doha có mối liên hệ với phiến quân Houthi.

Bộ Ngoại giao Qatar đã phủ nhận mọi lời cáo buộc và bày tỏ sự nuối tiếc về quyết định của các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với mình.

Khủng hoảng vùng Vịnh xảy ra một tuần sau khi Hội nghị thượng đỉnh Arab Hồi giáo tổ chức ở Riyadh, khi hãng thông tấn Qatar đăng bài phát biểu thay mặt Quốc vương nước này tuyên bố ủng hộ xây dựng quan hệ với Iran. 

Tuy nhiên, phía Qatar khẳng định hãng thông tấn này đã bị tấn công mạng và các tay tin tặc đã tung tin giả. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã mở một cuộc điều tra giúp đỡ Doha về vụ việc trên và tỏ ý nghi ngờ các tin tặc Nga đứng đằng sau vụ tấn công mạng này.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Chuyên gia: Mỹ có thể hành động quyết liệt hơn với Qatar
Chuyên gia: Mỹ có thể hành động quyết liệt hơn với Qatar

Trong bối cảnh Mỹ không hài lòng với liên hệ của Doha với các tổ chức khủng bố, nhà khoa học chính trị Atef Abdel Jawad cho rằng thời gian tới, nếu Qatar không thay đổi đường lối, Washington có thể hành động quyết liệt hơn với quốc gia vùng Vịnh giàu có này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN