Khủng hoảng nợ công châu Âu còn kéo dài

Trả lời phỏng vấn báo "Thế giới" trực tuyến, Giáo sư Hans-Werner Sinn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế (IFO) của Đức, cho rằng cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã quay trở lại vạch xuất phát.

Sinh viên biểu tình xung đột với cảnh sát chống bạo động tại Milan ngày 7/10. AFP/ TTXVN


Theo Giáo sư Sinn, mặc dù những người đứng đầu chính phủ các nước EU tránh nói tới từ nhà nước phá sản, nhưng với việc cắt giảm nợ, người ta đã chính thức thừa nhận rằng Hy Lạp không có khả năng chi trả. Giáo sư Sinn cho rằng với việc xóa 50% các khoản nợ cho Hy Lạp, EU đã trở lại thời điểm mà cuộc khủng hoảng Hy Lạp bắt đầu. Vấn đề chính là Hy Lạp không có khả năng cạnh tranh. Hàng hóa của họ sản xuất ra đắt gấp đôi so với Thổ Nhĩ Kỳ. Giờ đây, Hy Lạp phải ra khỏi Eurozone và cải thiện khả năng cạnh tranh của mình bằng cách hạ thấp giá trị đồng tiền. Ngoài ra, một nước không trả nợ, không thể ở lại trong Eurozone. Bây giờ người ta đã chấp nhận sự phá sản của nhà nước, thì một lúc nào đó, người ta cũng chấp nhận việc ra khỏi Eurozone, vì đó là khả năng duy nhất để Hy Lạp có thể vực dậy được.

Theo Giáo sư Sinn, Italia cũng là một vấn đề lớn với khoản nợ công khổng lồ. Từ mùa hè, nguồn vốn đã ồ ạt chạy khỏi Italia. Những người Italia giàu có bán trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Italia, lấy tiền chạy sang Đức hoặc sang Thụy Sĩ. Ngân hàng Italia thì lấy tiền mới được in ra để mua những trái phiếu đó. Nguy cơ Italia cũng không có khả năng chi trả là rất lớn. Nếu người ta muốn hỗ trợ cho Italia như đã hỗ trợ Hy Lạp trong một năm rưỡi qua thì cái giá phải trả là Pháp và Đức sẽ mất ổn định.

Về Bồ Đào Nha, Giáo sư Sinn cho rằng cũng chẳng tốt hơn nhiều so với Hy Lạp. Nước này cũng có khoản nợ nước ngoài lớn. Mức tiêu dùng cao hơn thu nhập quốc dân tới 14%. Người ta sẽ tiếp tục phải cung cấp kinh phí lâu dài cho Bồ Đào Nha. Theo Giáo sư Sinn, cách tốt nhất để Hy Lạp và Bồ Đào Nha có được khả năng cạnh tranh là phải ra khỏi Eurozone và hy vọng là Italia có thể thành công.

Giáo sư Sinn cho rằng, quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Brúcxen (Bỉ) ngày 26/7 có thể tạm thời làm yên lòng thị trường, nhưng những người đóng thuế, nhưng người hưu trí và những người nhận tiền trợ cấp xã hội ở Đức sẽ bất an vì họ đã tiếp nhận những nguy cơ rủi ro của các nhà đầu tư trước đây.

Về thời gian, cuộc khủng hoảng sẽ còn kéo dài, Giáo sư Sinn cho rằng đây là những gánh nặng mà Quốc hội Đức đã chất lên vai con, cháu họ. Thế hệ sau sẽ phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng bên cạnh gánh nặng của một xã hội lão hóa.

Văn Long (P/v TTXVN tại Đức)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN