Khủng hoảng đồng euro là khủng hoảng chính sách?

Với nhan đề “Eurozone: Khủng hoảng chính sách, không phải khủng hoảng nợ”, tờ “Người Bảo vệ” (Anh) có bài phân tích cho rằng, chính các điều kiện kèm theo hợp đồng cứu trợ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp đặt đối với Hy Lạp đã khiến nền kinh tế này thêm kiệt quệ và đẩy đồng euro cuốn sâu vào vòng xoáy khủng hoảng.

Ảnh: Internet


Tác giả bài báo cho rằng, cách đây 3 tháng Ủy ban châu Âu (EC), ECB và IMF một lần nữa lại áp dụng trò chơi nguy hiểm “bước đường cùng” đối với Hy Lạp: Buộc Quốc hội thực thi các biện pháp khiến nền kinh tế và cuộc khủng hoảng nợ trong nước càng thêm khó khăn. Bằng cách vẽ ra viễn cảnh Hy Lạp sẽ vỡ nợ và sụp đổ, họ đã đẩy toàn bộ hệ thống tài chính châu Âu tới bờ vực. Lẽ ra thời điểm đó Mỹ cần can thiệp vào cuộc khủng hoảng Eurozone thông qua IMF, bởi Bộ Tài chính Mỹ trên thực tế 60 năm qua vẫn nắm quyền chi phối tổ chức này. Ít nhất Mỹ có thể dùng IMF để ngăn EC và ECB đẩy tình hình Hy Lạp tới chỗ xấu hơn. Tuy nhiên, sau đó “bộ ba” EC, ECB và IMF tiếp tục trò chơi cũ với Italia, nước có mức nợ công lớn gấp 5 lần Hy Lạp.

Tuần trước, Tổng thống Obama đã “tỉnh ngộ” trước nguy cơ cuộc khủng hoảng Eurozone có thể lan qua Đại Tây Dương và lấy mất cơ hội tái đắc cử của ông. Tuy nhiên, hôm 26/9/2011, ông Obama lại có thêm một bước đi không bình thường khi công khai chỉ trích EU “làm thế giới hoảng sợ” và các nhà lãnh đạo EU hành động không kịp thời. Hiện vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy chính quyền Obama sẽ sử dụng ảnh hưởng trong IMF để ngăn ngừa thảm họa. Một trong những nguyên nhân chính kích động sự hoảng sợ mới nhất trên thị trường là cuộc tranh cãi giữa IMF và Hy Lạp quanh khoản giải ngân trị giá có... 8 tỷ euro. Xét bối cảnh các cuộc biểu tình rầm rộ và sự phản đối của công chúng Hy Lạp trước các điều kiện khắc nghiệt gia tăng, thái độ cứng rắn của IMF một lần nữa đe dọa đẩy Hy Lạp tới một sự vỡ nợ hỗn loạn. Tất cả chỉ vì chính phủ Hy Lạp không thể đáp ứng mục tiêu ngân sách để có thể nhận được 8 tỷ euro giải ngân.

Lý do Hy Lạp thất bại là các chính sách “bộ ba” áp đặt đã thành công trong việc làm nền kinh tế này suy thoái và nguồn thu từ thuế sụt giảm. IMF đã liên tục giảm dự báo tăng trưởng GDP của Hy Lạp năm 2011, từ chỗ giảm 3% cách đây 6 tháng nay là giảm 5%. Khi hai bên đàm phán gói cứu trợ đầu tiên hồi tháng 5/2010, nợ công của Hy Lạp tương đương khoảng 115% GDP; hiện nay tỷ lệ này được dự đoán sẽ là 189% GDP vào năm tới. Rõ ràng là các chính sách của “bộ ba” đã tạo ra hiệu ứng ngược với mong muốn mà họ tuyên bố. Giờ đây, IMF tiếp tục hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Italia, chủ yếu là bởi điều khoản tiết kiệm ngân sách trị giá 65 tỷ USD mà chính phủ nước này phải đồng ý tháng trước. Việc này có thể dẫn tới một quá trình tương tự những gì xảy ra với Hy Lạp.

Các nhà lãnh đạo EU có đủ khả năng và tiềm lực để làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng: Tái cơ cấu nợ của Hy Lạp; chấm dứt tình trạng đầu cơ trái phiếu chính phủ Italia và Tây Ban Nha bằng cách tăng cường mua vào đồng thời cam kết hạ lãi suất; và đảm bảo cung cấp đủ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần tỏ ý sẵn sàng cung cấp đủ USD cần thiết để ngăn chặn bất cứ một cuộc khủng hoảng ngoại hối nào. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo EU phải đảo ngược quá trình và từ bỏ các chính sách thắt chặt tài khóa hiện đang là cốt lõi của vấn đề.

Theo bài báo, “cuộc khủng hoảng nợ châu Âu” đã bị gọi nhầm tên. Đó không hẳn là một cuộc khủng hoảng nợ mà là một cuộc khủng hoảng về chính sách. Luôn có những giải pháp khác, thay vì phải chấp nhận một thập kỷ kinh tế trì trệ, hàng ngàn tỷ USD tổn thất về sản lượng và hàng triệu người thất nghiệp, mà các nhà chức trách châu Âu đang áp dụng đối với người dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ailen, Hy Lạp và giờ đây là Italia.

Vũ Hội (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN