Khủng hoảng Crimea dẫn đến Chiến tranh Lạnh II?

Sau khi Nghị viện Crimea (Crưm) bỏ phiếu nhất trí trở thành một phần thuộc Liên bang Nga và sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 16/3 tới, các chuyên gia Nga và nước ngoài đã đưa ra cảnh báo về sự leo thang căng thẳng chính trị trong khu vực. Ngày càng nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng Crimea có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai nếu cộng đồng quốc tế thất bại trong việc dàn xếp một sự thỏa hiệp.

Điều này có vẻ là khá “oái oăm”, gây tranh cãi và thậm chí là một điềm xấu trong năm 2014 - năm kỷ niệm 25 năm Bức tường Berlin sụp đổ, 75 năm ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ hai và 100 năm nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Lực lượng vũ trang tại Crimea. Ảnh: Reuters


Theo Piotr Kościński, người đứng đầu Chương trình Đông phương tại Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, bất kỳ nỗ lực nào của Nga “nhằm sáp nhập Crimea" là điều "không thể chấp nhận đối với cộng đồng quốc tế" và thực sự có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Ngược lại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công Vladimir Evseev lập luận rằng "sự thiển cận về chính trị" của phương Tây có thể dẫn đến một cuộc Chiến tranh Lạnh khác.

"Điều kiện tiên quyết của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không phải là vấn đề trưng cầu dân ý của Crimea nhằm sáp nhập vào Nga sắp tới, mà là quan điểm của phương Tây, vốn một chiều và thiển cận về chính trị", ông Evseev nói và chỉ ra rằng phương Tây cố gắng tìm mọi cách để gây áp lực với Nga, đồng thời "đã sẵn sàng cho điều này để gây ra sự bất ổn trên toàn bộ lãnh thổ của Ukraine".

Giáo sư Michael Slobodchikoff  tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Troy (Mỹ) cũng cảnh báo: "Chúng ta đang bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Rất khó để cân bằng tình hình vì không bên nào muốn thỏa hiệp. Cuộc chiến về Ukraine là một cuộc chiến ‘tổng bằng không’ mà không bên nào chịu thất bại. Cả hai bên dường như sẵn sàng leo thang xung đột này thành một cuộc Chiến tranh Lạnh mới".

Theo vị giáo sư trên, Nga và phương Tây đang kẹt ở trong thế ngờ vực và đối lập nhau. Sự đối đầu như vậy có thể khiến Ukraine rơi vào một tình trạng vô cùng mong manh mà đòi hỏi cần một sự viện trợ kinh tế lớn để tồn tại. Những căng thẳng chính trị trong nước của Ukraine có thể dẫn đến sự gia tăng những người tị nạn, vì vậy mà mối quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể bị phá hủy không thể khắc phục.

"Ukraine đã có thể đã trở thành một cầu nối giữa Nga với Tây Âu và có thể phát triển thịnh vượng thông qua việc hợp tác với cả hai bên", chuyên gia Slobodchikoff nói một cách đầy hối tiếc.

Theo cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Jack Matlock, quan điểm của Nghị viện Crimea có thể làm “sống lại” một “cuộc khẩu chiến” kiểu Chiến tranh Lạnh và có thể là một cuộc chạy đua vũ trang. "Tất cả các bên sẽ là người thua cuộc, nhưng thiệt hại lớn nhất sẽ là Ukraine", ông Matlock viết trong blog cá nhân.

Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moskva thì bình luận trong một bài viết đăng trên tạp chí Chính sách Đối ngoại về cuộc khủng hoảng Crimea với tiêu đề: "Chào mừng đến với cuộc Chiến tranh lạnh II": "Đây sẽ là buổi bình minh của một thời kỳ mới, gợi nhớ thời Chiến tranh Lạnh từ năm 1940 đến năm 1980... Cuộc xung đột mới này dường như không được mãnh liệt như cuộc Chiến tranh Lạnh đầu tiên, nó có thể cũng không kéo dài bằng và - điều quan trọng - nó sẽ không phải là xung đột có những dấu hiệu riêng biệt trong thời đại chúng ta". Ông cũng cảnh báo rằng sự cạnh tranh như vậy sẽ dẫn đến mất ổn định và việc giữ được sự an toàn “sẽ là một thách thức lớn”.

Tuy nhiên, Viktor Mizin, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế của MGIMO (Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva của Bộ Ngoại giao Nga, đồng thời là một trung tâm đào tạo sau đại học và nghiên cứu), cho rằng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ không xảy ra bởi vì như vậy sẽ kích động tình cảm "bài phương Tây" trong xã hội Nga, điều sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn đối với các nước Tây Âu.


Vũ Thanh


Ukraine chưa có kế hoạch điều quân tới Crimea
Ukraine chưa có kế hoạch điều quân tới Crimea

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời quyền Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyukh ngày 9/3 cho biết quân đội nước này đang tiến hành các cuộc tập trận ở căn cứ và nước này chưa có kế hoạch cử lực lượng vũ trang tới khu vực tự trị Crimea.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN