Khả năng IS sử dụng Ebola làm vũ khí sinh học

Cùng với sự tuyên truyền rầm rộ của giới truyền thông, ngày càng có nhiều người lo ngại về khả năng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể sử dụng virus Ebola như một thứ vũ khí sinh học tấn công vào các mục tiêu ngoài ổ dịch ở châu Phi.

Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ cá nhân (PPE) bên ngoài trung tâm chữa trị Ebola do tổ chức phi chính phủ Bác sĩ không biên giới (MSF) điều hành tại thủ đô Monrovia, Liberia. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong quá khứ, đã vài lần dịch Ebola bùng phát tại châu Phi, đặc biệt ở Sudan, Uganda, Cộng hòa Congo, Gabon và Cộng hòa dân chủ Congo. Đa số là do người dân tiếp xúc hoặc ăn thịt những động vật bị nhiễm virus Ebola.

Đối với đợt dịch lần này, sau nhiều tháng điều tra, các nhà nghiên cứu dịch học cho rằng dịch bùng phát khi một em bé 2 tuổi tại Guinea tiếp xúc hoặc có thể là đã ăn một động vật bị nhiễm bệnh, như dơi hoặc khỉ.

Bên cạnh yếu tố tự nhiên, không thể loại trừ khả năng một nhóm khủng bố xuyên quốc gia như IS, có thể sử dụng Ebola như một thứ vũ khí sinh học, đây là giả thuyết mà tờ Washington Post đưa ra mới đây.

Các nhóm khủng bố từ lâu luôn tìm cách sử dụng vũ khí hóa học. Năm 2006-2007, để gây thương vong lớn, mạng lưới Al-Qaeda tại Iraq, đã đưa một lượng lớn chất clo vào xe bom dùng để tấn công lính Mỹ và Iraq. Chúng còn sử dụng một số chất hóa học đi kèm với thiết bị nổ hòng gây hiệu ứng trong dư luận song không phát huy hiệu quả như mong muốn.

Gần đây, theo một số nhóm nhân quyền, IS dường như đã dùng đạn pháo có chứa khí mù tạt tại chiến trường Syria. Đây là những vũ khí chúng lấy được từ các kho vũ khí hóa học của Syria và Iraq có từ thời Saddam Hussein

Tuy nhiên, vấn đề không phải là ý định mà là khả năng IS sẽ sở hữu Ebola như vũ khí sinh học như thế nào. Việc tạo ra một vũ khí sinh học khó hơn nhiều so với việc sử dụng nó. Nguy cơ này có thể được giới truyền thông thổi phồng, nhưng thực tế không dễ để IS có thể dùng Ebola làm vũ khí giết người hàng loạt.

Ebola và giáo phái thần bí Nhật Bản

Vũ khí sinh học và chủ nghĩa khủng bố không phải là sự kết hợp mới mẻ. Như chúng ta biết, giáo phái thần bí Nhật Bản Aum Shinrikyo từng cố sở hữu virus Ebola như một phần của chương trình vũ khí sinh học mà nhóm này theo đuổi.

Để thực hiện âm mưu này, giáo phái đã cử một đội y tế tới châu Phi dưới vỏ bọc là các nhân viên trợ giúp hòng lấy các mẫu của virus gây bệnh. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đã thất bại, song ngay cả khi có được virus, Aum Shinrikyo cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để đưa mẫu về phòng thí nghiệm tại Nhật.

Đơn giản vì virus Ebola rất mong manh, chúng chỉ sống trên các bề mặt khô bên ngoài vật chủ trong vài giờ. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho biết virus này có thể sống vài ngày trên các bề mặt ẩm ướt của cơ thể vật chủ, nhưng ngay cả trong trường hợp này cũng cần những điều kiện lý tưởng để duy trì sự sống cho chúng trong quá trình vận chuyển.

Trong trường hợp chúng đưa virus Ebola thành công về phòng thí nghiệm, cần vượt qua một thách thức khác đó là sản sinh ra lượng virus đủ lớn để sử dụng cho một vụ tấn công bằng vũ khí sinh học quy mô, giống như các vụ tấn công sử dụng độc tố khuẩn Clostridium và Anthrax mà Aum Shinrikyo từng tiến hành tại Tokyo.

Không giống như các loại bệnh khác, việc tiếp xúc với virus Ebola cực kỳ nguy hiểm. Chúng đã từng lây nhiễm cho các nhà khoa học, ngay cả khi họ làm việc trong môi trường phòng thí nghiệm với các biện pháp bảo đảm an toàn tối ưu.

Với trường hợp của giáo phái Aum Shinrikyo, dù chúng có nhiều tín đồ là những nhà khoa học đào tạo bài bản và sở hữu một phòng thí nghiệm vũ khí sinh học tiên tiến, lực lượng này vẫn không thể hiện thực hóa tham vọng vũ khí hóa virus Ebola.

Do vậy, với tình hình hiện nay, IS sẽ không chỉ phải đối mặt những thách thức giống Aum Shinrikyo vì các hoạt động của giáo phái Nhật đã không bị kiểm soát cho tới sau khi xảy ra vụ tấn công hệ thống tàu điện ngầm Tokyo bằng khí Sarin năm 1995. Sau vụ này, các thành viên của giáo phái bị bắt giữ và người ta mới biết đến chương trình tấn công bằng vũ khí sinh học của chúng và tiêu hủy các nhà máy sản xuất vũ khí sinh học.

Kịch bản IS kết hợp với Ebola

Với IS, để sở hữu Ebola, chúng phải phái người đến một quốc gia có dịch và chắc hẳn nhiệm vụ của nhóm này sẽ khó tránh khỏi sự chú ý khi chúng buộc phải vào các khu vực cách ly tại các cơ sở ý tế, tìm mẫu bệnh và đào tẩu trong sự sợ hãi về khả năng nhiễm bệnh.


Ngay cả khi nhiệm vụ này thành công với kịch bản là không một tên IS nào bị chết, Ebola cũng không phải là một công cụ chiến tranh sinh học lý tưởng. Virus này không dễ để lây trực tiếp từ người sang người. Thực tế, trung bình khả năng một người bệnh chỉ lây nhiễm sang được 1-2 người khác, so với tỷ lệ 12-18 người của bệnh sởi hay 5-7 người của bệnh đậu mùa.

Ngoài ra, Ebola phát bệnh khá chậm, người bị nhiễm chỉ có các triệu chứng và xuất hiện khả năng lây nhiễm sau 8-10 ngày, thời kỳ ủ bệnh tối đa có thể dao động từ 2-21 ngày. Như vậy, một vụ tấn công sử dụng virus Ebola sẽ mất nhiều thời gian để phát huy tác dụng trong khi lại dễ dàng ngăn chặn vì không khó để biết một người bị nhiễm Ebola.

Cơ chế lây nhiễm của Eboa tới nay vẫn là từ các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch), dung dịch chứa virus có thể xâm nhập vào cơ thể người khác qua các vết cắt, trầy xước, màng mắt, mũi hoặc miệng.

Hơn nữa, vì virus Ebola khá nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ và môi trường có độ ẩm thấp, các biện pháp tẩy trùng thông thường cũng có thể tiêu dịch virus này.

Về khả năng IS sử dụng Ebola như một vũ khí tấn công chiến lược qua việc sử dụng những kẻ tấn công liều chết xâm nhập vào các khu vực đông người như tờ Washington Post đưa ra, kịch bản này sẽ cần tới một người mắc bệnh Ebola nghiêm trọng.

Trong điều kiện đó, người bệnh sẽ rất yếu, thường phải nằm liệt giường để đối phó với các cơn sốt cao, mệt mỏi, nôn và tiêu chảy, do vậy, không đủ sức để đi vào các khu vực đông người. Còn nếu biến người bệnh thành kẻ đánh bom tự sát thì độ nóng và chấn động của thiết bị nổ có thể đã tiêu diệt gần hết virus Ebola.

Như vậy, vũ khí sinh học có vẻ là một mối đe dọa lớn và thường được truyền thông thổi phồng, nhưng thực tế chúng rất khó để sở hữu và tốn kém để có thể phát triển nó thành một thứ vũ khí thực thụ. Do vậy, từ trước tới nay, người ta rất ít khi thấy chúng xuất hiện trong các vụ tấn công khủng bố.


Thái Nguyễn


Hơn 5.100 người đã chết vì Ebola
Hơn 5.100 người đã chết vì Ebola

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tính đến ngày 9/11, thế giới đã ghi nhận 14.098 trường hợp mắc bệnh do virus Ebola, trong đó có tới 5.160 người đã tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN