Kế hoạch cứu các ngân hàng Tây Ban Nha là động thái "câu giờ"

Kế hoạch cứu các ngân hàng Tây Ban Nha không giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ trong Liên minh châu Âu (EU) hay giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp trong khu vực hiện đã lên đến 2 con số.


Tuy nhiên, nó có thể giúp "hạ nhiệt" những căng thẳng trên thị trường tài chính và "câu giờ" để các nhà hoạch định chính sách EU tìm cách đối phó với các nền kinh tế yếu kém khác đang đe dọa sự ổn định của Khu vực đồng euro.


Giới phân tích trên thế giới đưa ra nhận định trên sau khi các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày 9/6 nhất trí dành cho Tây Ban Nha khoản vay lên tới 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để vực dậy ngành ngân hàng đang điêu đứng của nước này.


Chuyên gia cao cấp Nicolas Veron làm việc tại Công ty tư vấn Bruegel của Bỉ cho rằng EU vẫn còn một số vấn đề cơ bản cần giải quyết, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn kế hoạch cứu các ngân hàng Tây Ban Nha.


Các nhà phân tích tại Mỹ dự đoán kế hoạch trên sẽ làm giảm mạnh lượng tiền khổng lồ cần được huy động để bảo vệ các nước khác trong Khu vực đồng euro trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ. Trong bối cảnh những khó khăn tài chính ở châu Âu có thể vượt qua Đại Tây dương, tàn phá các nền kinh tế ở cả 2 bờ đại dương này, kế hoạch cứu các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ giúp giảm sức ép đối với Mỹ và các nền kinh tế khác trên thế giới, trong đó có 2 nền kinh tế mới nổi là Trung Quốc và Braxin.


Các nhà phân tích Mỹ cũng cho rằng thỏa thuận mới dành cho Tây Ban Nha giúp các nhà hoạch định chính sách EU có thêm thời gian để thúc đẩy các kế hoạch đang được bàn thảo như thành lập liên minh ngân hàng, quỹ cứu trợ và cơ chế bảo đảm tiền gửi cho công dân. Một số ý kiến khác khẳng định EU cần tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong toàn khu vực để các nước thành viên có thể tự thoát khỏi các vấn đề nợ công.


Theo các nhà phân tích Mỹ, Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới với qui mô kinh tế lớn gấp 4 lần Hy Lạp. Vì vậy, nếu Mađrít phải vay mượn tiền trên thị trường trái phiếu để cứu các ngân hàng của mình thì các nhà đầu tư sẽ "chặt chém" với mức giá cao hơn nhiều so với mức lãi suất ưu đãi từ các nước thành viên Khu vực đồng euro.


Tuy nhiên, việc chấp nhận khoản vay 100 tỷ euro từ Khu vực đồng euro đồng nghĩa với việc nợ công của Tây Ban Nha sẽ tăng thêm 10%.

Chứng khoán châu Á tăng điểm sau khi EU quyết định cho Tây Ban Nha vay 100 tỷ euro. Ảnh Internet.


Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng nước này Mariano Rajoy ca ngợi quyết định của các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro là một thắng lợi không chỉ đối với "Xứ sở Bò tót", mà cả EU, đồng thời là dấu hiệu thể hiện lòng tin của EU đối với các cải cách và biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Mađrít đang theo đuổi. Tuy nhiên, đảng Xã hội đối lập cho rằng chính phủ đương nhiệm chiến thắng nhờ may rủi.


Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn khẳng định với kế hoạch trên, Khu vực đồng euro đã phát tín hiệu sẵn sàng hành động kiên quyết nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và nguy cơ tiếp tục phải cứu trợ vỡ nợ.


Ông cho biết Tây Ban Nha sẽ chính thức đưa ra đề nghị xin hỗ trợ tại cuộc họp các bộ trưởng Khu vực đồng ơrô vào ngày 21/6 tới để đề nghị này được xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tháng này.


TTXVN/Tin Tức

Đồng euro tăng giá nhờ Eurozone quyết định cứu Tây Ban Nha
Đồng euro tăng giá nhờ Eurozone quyết định cứu Tây Ban Nha

Đồng euro lấy lại đà tăng giá so với các đồng tiền khác do đã trở nên hấp dẫn hơn với giới đầu tư sau khi các bộ trưởng tài chính Eurozone quyết định dành khoản vay 100 tỷ euro (125 tỷ USD) để giải cứu hệ thống ngân hàng có vấn đề của Tây Ban Nha.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN