Ixraen ngày càng bị cô lập tại Trung Đông

Hiệp ước hòa bình mang tính bước ngoặt của Ixraen ký với Ai Cập năm 1979 đang bị thách thức bởi một vụ tấn công xuyên biên giới được quy là do những dân quân Palextin gây ra.

Người dân Ai cập biểu tình phản đối Ixraen bên ngoài đại sứ quán Ixraen ở thủ đô Cairo ngày 21/8. AFP-TTXVN


Hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập ngày 20/8 đưa tin, lực lượng giám sát hiệp định hòa bình năm 1979 giữa Ai Cập và Ixraen đồn trú tại Sinai (MFO) cho biết Ten Avíp đã vi phạm hiệp định này khi đưa quân vào lãnh thổ của Ai Cập và nổ súng vào lực lượng an ninh, làm 3 cảnh sát Ai Cập thiệt mạng.

Ngày 20/8, Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen, Ehud Barak nói: "Ixraen xin lỗi vì đã gây ra cái chết của 3 cảnh sát Ai Cập trong cuộc tấn công tại vùng biên giới Ixraen - Ai Cập" khi Ixraen truy đuổi những dân quân sát hại 8 người Ixraen. Ông Barak đưa ra lời xin lỗi trên sau khi Cairô đe dọa rút đại sứ của mình tại Ten Avíp về nước. Ông Barak cho biết thêm, ông đã ra lệnh cho "quân đội Ixraen" mở một cuộc điều tra về vấn đề này.

Việc Ixraen đưa ra lời xin lỗi Ai Cập là một động thái rõ ràng nhằm nhanh chóng ngăn chặn những tổn hại cho mối quan hệ với Ai Cập. Các vấn đề Ixraen - Ai Cập và Ixraen - Palextin đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Trong hàng thập kỷ qua, Ai Cập đã nỗ lực giữ vai trò làm môi giới cho một hiệp ước hòa bình giữa Ixraen và Palextin. Trong những năm gần đây, Ai Cập còn đóng vai trò trung gian hòa giải trong việc chấm dứt mâu thuẫn nội bộ người Palextin, giữa Phong trào Fatah - kiểm soát khu Bờ Tây thông qua Chính quyền Dân tộc Palextin (PNA) và Phong trào Hamas Hồi giáo kiểm soát khu vực Gaza.

Hậu quả của các vụ bắn rốckét và đạn súng cối hôm 18/8 từ Dải Gaza vào miền nam Ixraen cũng cho thấy mức độ bạo lực leo thang nhanh chóng giữa Ixraen và Palextin. Kể từ hôm ấy, các cuộc không kích của Ixraen làm 12 người Palextin thiệt mạng, đã bị phía Palextin "đáp trả" bằng cách nã ít nhất 80 quả tên lửa và súng cối vào miền nam Ixraen. Đây là vụ nã tên lửa nghiêm trọng nhất từ Gaza kể từ khi Ixraen tiến hành một chiến dịch tổng lực trên không và trên bộ tại Gaza hồi đầu năm 2009 nhằm ngăn chặn các vụ tấn công bằng tên lửa từ Gaza vào lãnh thổ Ixraen.

Các nhà phân tích chính trị tại Gaza cho rằng những lời cáo buộc và các vụ không kích vào Dải Gaza của Ixraen chủ yếu nhằm đánh lạc hướng khỏi cuộc khủng hoảng nội bộ Ixraen và ngăn cản nỗ lực của Palextin trong việc tìm kiếm quy chế nhà nước tại LHQ vào tháng 9 tới.

Ixraen được cho là sẽ đối mặt với "sóng thần" ngoại giao vào tháng 9 tới, khi ban lãnh đạo PNA tìm cách trở thành thành viên đầy đủ của LHQ tại một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ. Tuy nhiên, khó khăn đã đến với Ixraen sớm hơn dự kiến, đẩy nước này vào thế bị cô lập hơn bao giờ hết tại khu vực Trung Đông. Uzi Rabi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông Moshe Dayan nhận định: "Ixraen cần biết rằng giờ đây họ đang phải đương đầu với một Trung Đông khác trước".

Trong khi quan hệ với các nước láng giềng xấu đi, thì quan hệ với một số đồng minh thân cận nhất của Ixraen, trong đó có Mỹ, cũng không còn được tốt đẹp như trước. Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng Ixraen phải chịu phần lớn trách nhiệm về việc các cuộc hòa đàm bị ngưng trệ. Oasinhtơn và các thủ đô ở châu Âu lên án đợt chính phủ Ixraen phê chuẩn mới đây nhất việc xây dựng các khu định cư ở Đông Jerusalem và Bờ Tây. Trong khi Mỹ nói rằng họ sẽ đứng về phía Ixraen trong cuộc bỏ phiếu sắp tới tại LHQ, thì đa số nước thành viên LHQ có khả năng sẽ ủng hộ người Palextin.

TTK (Theo AP, Reuters và Tân Hoa xã)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN