Israel 'xuống thang', xung đột với các nước Arab vẫn chưa được tháo ngòi

Quyết định của Israel tháo dỡ các cổng từ an ninh kiểm soát lối vào khu đền thờ Hồi giáo al-Aqsa linh thiêng có thể coi là động thái “xuống thang”, phần nào giúp hạ nhiệt căng thẳng suốt hơn 10 ngày qua, đẩy quan hệ giữa Israel với cộng đồng Arab xuống mức tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Cảnh sát Israel gác bên các máy dò kim loại và camera an ninh tại khu vực lối vào đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem ngày 23/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Tuy nhiên, nguy cơ về một cuộc xung đột gay gắt mới ở Trung Đông thì chưa thể lắng dịu khi mà "ngòi nổ" thực sự của mối bất hòa kéo dài hàng thập kỷ giữa người Do Thái với người Arab nói chung và giữa người Israel với người Palestine nói riêng vẫn chưa được tháo dỡ.

Trên thực tế, các vụ bạo lực liên quan đến ngôi đền linh thiêng Al-Aqsa, bùng phát từ hôm 14/7 sau khi 3 người Arab là công dân Israel bắn chết 2 cảnh sát Israel tại khu vực này, chỉ là “giọt nước tràn ly” trong cuộc xung đột được coi là dai dẳng và dễ bùng phát nhất thế giới giữa người Do Thái và người Palestine.

Là một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo tại quần thể tôn giáo Haram al-Sharif ở Thành cổ Jerusalem , đền thờ Al-Aqsa lâu nay vẫn là tâm điểm của các cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine, khi người Do Thái cũng coi quần thể này là thánh địa tôn kính nhất, nơi có những ngôi đền Do Thái giáo được ghi trong Kinh thánh, và gọi đây là Núi Đền.

Mặc dù từ năm 2016, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua nghị quyết khẳng định Do Thái giáo không có mối quan hệ nào tới khu vực linh thiêng này, theo đó gọi tên chính thức khu vực này là đền thờ Al-Aqsa theo  tiếng Arab, song phía Israel không chấp nhận.

Người Israel vẫn coi đây như một địa điểm linh thiêng để thăm viếng, một nhóm bộ trưởng và nghị sĩ Israel còn yêu cầu chính phủ nước này dỡ bỏ lệnh cấm người Do Thái được cầu nguyện tại khu đền thờ. Thậm chí, một số chính khách Israel đã công khai tới ngôi đền Al-Aqsa, hành động mà người Palestine cho là khiêu khích.

Nhiều năm nay, không khí căng thẳng tại "điểm nóng" Al-Aqsa vẫn không ngừng tăng nhiệt khi đụng độ thường xuyên xảy ra giữa cảnh sát Israel và người Palestine xung quanh khu vực ngôi đền này.

Trong khi đó, đối với người Arab và người Palestine, ngôi đền Al Aqsa nói riêng và Thành cổ Jerusalem nói chung còn mang một ý nghĩa biểu tượng cả về tôn giáo lẫn chính trị kể từ khi Israel chiếm Đông Jerusalem, bao gồm khu Thành cổ, trong cuộc chiến tranh năm 1967 và sau đó tuyên bố sáp nhập các khu vực này vào lãnh thổ của Israel dù không được cộng đồng quốc tế công nhận. Kể từ đó đến nay, người Palestine và Arab chưa bao giờ từ bỏ khao khát giành lại khu Thành cổ này.

Đặc biệt, người Palestine cho rằng vùng đất này là một phần lãnh thổ của nhà nước tương lai, và số phận của khu đền là một trong những vấn đề gai góc nhất trong cuộc xung đột Trung Đông. Mọi hành động xâm phạm tới khu đền thờ này đều có thể trở thành “lời tuyên chiến” chống lại người Palestine và các nước Arab, bởi nó động chạm đến vấn đề chủ quyền, niềm tin tôn giáo và một chủ đề hết sức nhạy cảm: Israel chiếm đóng lãnh thổ Arab.

Người Palestine và người Arab cũng không ít lần phản ứng bằng bạo lực đối với những hành động của Israel đóng cửa khu đền trên hay ngăn cản người Palestine vào cầu nguyện. Do đó, việc Israel ngày 16/7 vừa qua lắp đặt cổng từ kiểm soát an ninh tại quần thể linh thiêng này thực sự đã "đổ thêm dầu vào lửa", bởi người Palestine coi đây là một động thái chính trị nhằm áp đặt kiểm soát toàn bộ khu vực và là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn nhằm kiểm soát và sáp nhập Jerusalem và toàn bộ khu Bờ Tây, dẫn đến làn sóng phản ứng dữ dội từ phía Palestine và các nước Hồi giáo với hàng loạt cuộc biểu tình của người Palestine ngay tại đền thờ.

Hàng loạt vụ đụng độ giữa những người biểu tình Palestine và quân đội Israel nổ ra tại phía Đông Jerusalem, khu Bờ Tây và Dải Gaza đã đẩy Trung Đông rơi vào nguy cơ vòng xoáy bạo lực mới, khiến cộng đồng quốc tế liên tiếp có những động thái, cả nỗ lực ngoại giao lẫn  gây sức ép, để hạ nhiệt căng thẳng.

Các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ cùng thể hiện quyết tâm và đoàn kết để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đối với chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu, buộc Israel phải cân nhắc "được và mất" khi áp đặt các biện pháp an ninh gây tranh cãi tại khu đền Al-Aqsa.

Việc chính quyền Israel gỡ bỏ cổng từ an ninh và thay thế bằng biện pháp giám sát thông qua hệ thống camera, được cho là một sự nhượng bộ có tính toán, trong bối cảnh chính quyền Mỹ quyết tâm can thiệp trực tiếp vào tình hình để chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và thế giới Hồi giáo.

Lo sợ nguy cơ căng thẳng tại đây vượt tầm kiểm soát, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử phái viên tới Israel nhằm hỗ trợ tìm cách giảm căng thẳng. Rõ ràng, Mỹ không muốn tình hình Trung Đông thêm căng thẳng, xáo trộn, đặc biệt là rạn nứt quan hệ giữa các đồng minh khu vực của Mỹ.

Israel là đồng minh đặc biệt của Mỹ tại Trung Đông, nhưng Washington đang rất cần các đồng minh Arab trong bối cảnh Mỹ muốn định hình lại trật tự khu vực khi tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang suy yếu, ảnh hưởng của Iran tại khu vực ngày càng gia tăng và áp sát biên giới Israel.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao liên quan tới Qatar giữa các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ chưa có lối thoát, IS tuy suy yếu những vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn và có thể trỗi dậy trở lại bất cứ thời điểm nào. Hơn nữa, xung đột Israel/Palestine leo thang càng khiến những nỗ lực của Mỹ khôi phục vòng đàm phán hòa bình Trung Đông trở nên xa vời.

Mặt khác, xét trong bối cảnh khu vực hiện nay, Israel cũng cần duy trì và cải thiện quan hệ với các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ khi mà  Iran, quốc gia Israel xem là thách thức an ninh quốc gia, còn lực lượng Hezbollah tại Liban ngày càng có ảnh hưởng tại Syria. Israel cần đến vai trò của các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ để cùng phối hợp kiềm chế Iran.

Một bước đi thiếu cân nhắc, vượt qua "giới hạn đỏ" ở khu đền linh thiêng Al-Aqsa này sẽ chỉ "chọc giận" cả thế giới Hồi giáo Arab, dẫn tới những hậu quả khôn lường có thể vượt ra ngoài khu vực Trung Đông, mà Israel không mong muốn.

Mặc dù căng thẳng tại Trung Đông đã tạm thời hạ nhiệt, song những mâu thuẫn sắc tộc và xung đột tôn giáo dai dẳng giữa người Do Thái và người Arab, cũng như tình trạng an ninh bất ổn tại khu vực, vẫn như những "ngòi cháy chậm" đe dọa bùng cháy bất kỳ lúc nào.

"Chảo lửa" Trung Đông chưa thể có một ngày yên ổn nếu Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái và tìm cách giành đất của người Palestine, trong khi các tay súng Palestine vẫn tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Do Thái.

Mọi hành động thiếu thiện chí của các bên có thể hủy hoại mọi tương lai đàm phán để thúc đẩy một giải pháp hòa bình bền vững cho cuộc xung đột Israel-Palestine.

Công Đồng (P/v TTXVN tại Trung Đông)
Trung Đông căng thẳng, Việt Nam khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước
Trung Đông căng thẳng, Việt Nam khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước

Ngày 25/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức cuộc thảo luận mở với chủ đề “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine” dưới sự chủ trì của ông Lưu Kiết Nhất, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ, Chủ tịch HĐBA tháng 7/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN