IS - hậu quả khủng khiếp từ sự can thiệp Trung Đông của Mỹ

Theo tờ "Al-Alam As-Siasiya" (Chính trị thế giới), vụ nhà báo Mỹ Steven Sotloff mới đây bị giết hại đã khiến hàng triệu người trên toàn thế giới phẫn nộ. Hành động dã man này, xảy ra sau vụ nhà báo James Foley bị hành quyết hồi tháng trước, là một biểu hiện mới về tính chất tàn bạo của cái gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây chính là một trong những hậu quả khủng khiếp từ cuộc can thiệp của Mỹ tại khu vực Trung Đông từ nửa thế kỷ nay.

Hình ảnh nhà báo Steven Sotloff (trái) và phiến quân Hồi giáo trước cuộc hành quyết trong cuốn băng. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Washington đã huy động các lực lượng Hồi giáo phản động nhất và lạc hậu nhất ở khu vực Trung Đông để chống lại các nhà lãnh đạo có tư tưởng dân tộc thế tục bị coi là những đồng minh tiềm năng của Liên Xô hoặc bị coi là một mối đe dọa trực tiếp đối với lợi ích của Mỹ và châu Âu ở Trung Đông.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tài trợ và huy động những người Hồi giáo cánh hữu ở Iran tiến hành cuộc đảo chính năm 1953 để hạ bệ Thủ tướng có tư tưởng tự do Mohammed Mossadegh. Mỹ cũng đã "giao du" với các lực lượng tương tự ở Ai Cập, trong đó có "Tổ chức Anh em Hồi giáo", để phá hoại chế độ của Tổng thống Gamal Abdel Nasser - người đã quốc hữu hóa kênh đào Suez và đứng về phía Liên Xô.

Chưa hết, năm 1977, CIA đã ủng hộ một cuộc đảo chính do Muhammad Zia-ul-Haq tiến hành ở Pakistan để lập ra một chế độ dựa trên chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Tại vùng Vịnh Persique, sau khi người Iran tiến hành cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, lật đổ chế độ quân chủ ở nước này, Mỹ đã liên minh với chế độ quân chủ ở quốc gia láng giềng của Iran là Saudi Arabia.

Cũng cần phải nói thêm rằng chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo liên quan trực tiếp đến bạo lực khủng bố nhờ những khoản tài trợ rất lớn của Mỹ vào cuối những năm 1970 để chống lại chính phủ thân Liên Xô ở Afghanistan. CIA còn hợp tác với Saudi Arabia và Pakistan để tuyển mộ những phần tử cực đoan Hồi giáo trên toàn thế giới, đào tạo chúng trong việc chế tạo bom và các chiến thuật khủng bố khác, đưa chúng tới chiến trường Afghanistan để chống lại quân Liên Xô đang có mặt tại đó, và chính trong số này có trùm khủng bố Osama bin Laden.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1990-1991), việc Mỹ điều nửa triệu binh sĩ tới triển khai ở Saudi Arabia đã khiến bin Laden và nhiều thủ lĩnh Hồi giáo khác coi Mỹ là "kẻ thù chính", và đây là bước ngoặt làm thay đổi "mối quan hệ chủ-tớ".

Mặc dù vậy, việc Mỹ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu cũng không hẳn có nghĩa là Mỹ đã đoạn tuyệt hoàn toàn với những kẻ cực đoan Hồi giáo. Một mối liên hệ không minh bạch giữa chính sách đối ngoại của Mỹ với những kẻ Hồi giáo cấp tiến, nhất là ở Iraq, Libya và Syria - ba nước do các chế độ thế tục lãnh đạo đã trấn áp phần lớn các nhóm cực đoan - là một minh chứng.
 
Cuộc xâm lược và chiếm đóng Iraq của Mỹ đã tàn phá đất nước này. Mỹ sử dụng chiến lược "chia để trị" và sự chiếm đóng đó đã gây ra sự chia rẽ phe phái giữa người Shi'ite và người Sunni, dẫn đến hậu quả là tăng cường sức mạnh cho al-Qaeda ở Iraq trên cơ sở dựa vào người Sunni, rồi lập ra cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant" (ISIL), tiền thân của IS bây giờ. Nói cách khác, việc Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 đã mở đường cho al-Qaeda vào Iraq, rồi phát triển rất mạnh ở đó để có IS ngày nay.

Tương tự, trong cuộc không kích của NATO và Mỹ vào Libya năm 2011, bên chủ chiến đã sử dụng các phần tử liên quan đến mạng lưới al-Qaeda để lập ra các đội quân hậu thuẫn cuộc không kích ấy trên mặt đất, để rồi bây giờ chính lực lượng ấy đang làm tan rã dần đất nước này bằng một cuộc nội chiến.

Khói bốc lên sau xung đột tại thành phố miền bắc Aleppo, Syria ngày 20/6. Ảnh: AFP/ TTXVN


Còn ở Syria, CIA và các đồng minh của Mỹ như Qatar và Saudi Arabia đã trang bị vũ khí, tài trợ và huấn luyện trực tiếp cho các phần tử cực đoan Hồi giáo để chiến đấu chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nhân vật bị Mỹ coi là đồng minh của Iran và Nga.

Đáng chú ý là trong cuộc chiến ở Syria, những kẻ được Mỹ tài trợ bao gồm cả Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda ở Syria, và thậm chí Mỹ còn rót tiền cho cả IS chỉ để lật đổ chế độ Damascus mặc dù Washington hiểu rõ IS được biết đến như một tổ chức khủng bố cực đoan hơn al-Qaeda.

Nhiều nhà quan sát đã cảnh báo rằng những tội ác của IS đang trở thành cái cớ cho một cuộc leo thang, can thiệp quân sự của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm: tăng cường ném bom ở Iraq, rồi mở rộng sang Syria và rất có thể sẽ tái triển khai quân đội qui mô lớn hơn ở khu vực này.

Bằng chứng là chỉ vài giờ sau vụ nhà báo Steven Sotloff bị sát hại, ông Obama đã ra lệnh đưa tới Baghdad thêm 350 binh sĩ để tăng cường bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở đây. Tuy nhiên, không loại trừ đó là quyết định mở đầu cho một đợt mới nhằm triển khai quân Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.


TTK
Thế khó của Mỹ trên 3 mặt trận: Ukraine, IS, xoay trục tới châu Á
Thế khó của Mỹ trên 3 mặt trận: Ukraine, IS, xoay trục tới châu Á

Vào thời điểm này, Mỹ đang mất thăng bằng. Washington phải đối mặt với những thách thức tại chiến trường Syria-Iraq cũng như những thách thức ở Ukraine và chiến lược xoay trục tới châu Á. Mỹ cũng không có một phản ứng rõ ràng đối với các thách thức trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN