Iran sẽ lấp khoảng trống tại Irắc sau khi Mỹ rút quân?

"Thời báo Oasinhtơn" ngày 12/12 đưa tin về việc ông Hadi Farhan al-Amiri - cựu Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran - có mặt trong phái đoàn của Thủ tướng Irắc đến thăm Nhà Trắng hôm 12/12. Điều đáng nói hơn, Hadi Farhan al-Amiri còn xuất hiện với tư cách Bộ trưởng Bộ Giao thông Irắc.

Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran bị Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Mỹ cáo buộc là thủ phạm gây ra vụ tấn công năm 1996 trên đất Arập Xêút, khiến 19 lính Mỹ thiệt mạng. Bản thân ông Amiri từng là chỉ huy của Quân đoàn Badr thuộc lực lượng này trong suốt giai đoạn những năm cuối 80 và 90 thế kỷ trước, tổ chức các hoạt động chống chế độ của Tổng thống Irắc Saddam Hussein.

Người phát ngôn Nhà Trắng Tommy Vietor đã từ chối xác nhận sự hiện diện của ông al-Amiri như một thành viên trong đoàn của Irắc. Trong khi đó, một quan chức của Đại sứ quán Irắc tại Oasinhtơn xác nhận ông al-Amiri có tên trong danh sách đoàn, nhưng cũng từ chối nói thêm về vai trò của ông này.

Ông Louis J. Freeh, Cựu Giám đốc FBI dưới thời Tổng thống Bill Clinton và giai đoạn đầu của chính quyền George W. Bush, cho hay ông đã bị sốc trước vụ việc. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói: "Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran dính líu tới nhiều vụ khủng bố. FBI đáng ra phải gặp Amiri, hỏi ông ta về Ahmad Sherifi - tổng chỉ huy của vụ tấn công đó - bởi là quan chức cấp cao chắc chắn ông ta phải biết rõ".

Từ lâu, người ta đã e ngại rằng tầm ảnh hưởng của Iran ở Irắc ngày càng tăng lên. Thậm chí, có những cáo buộc rằng chính quyền của ông al-Maliki giống như cánh tay nối dài của chính quyền người Shi'ite của Iran. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran hỗ trợ những binh lính đào ngũ người Shi'ite và những người tỵ nạn từ Irắc, đưa họ vào Quân đoàn Badr, chống lại chính quyền Saddam Hussein trước đây. Hội đồng Hồi giáo Tối cao, tên cũ là Hội đồng Tối cao vì Cách mạng Hồi giáo của Irắc, cũng là một trong những tổ chức nhận được sự hỗ trợ tài chính và quân sự từ Iran.

Trang tin "MSNBC News" cũng đưa tin rằng ảnh hưởng của Iran ở Irắc là quá rõ ràng. Phần lớn số tên lửa tấn công tòa lãnh sự của Mỹ ở thành phố Basra là do người Irắc sử dụng, song được vận chuyển lậu từ Iran sang.

Hãng tin AFP dẫn lời Abdulaziz Sager, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh, nói: "Không còn nghi ngờ gì nữa, việc Mỹ rút quân khỏi Irắc chắc chắn sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực". Ông nhấn mạnh sự hiện diện quân sự lâu nay của Mỹ tại Irắc tạo cho các nước vùng Vịnh cảm giác ổn định và an toàn. Do vậy sau khi Mỹ rút quân, chắc chắn ảnh hưởng quân sự và tình báo của Iran sẽ tăng lên.

Những động thái mà Iran có thể tiến hành tại đất nước Irắc do người Shi'ite điều hành đang gây lo ngại các nước Arập tại vùng Vịnh, nhất là Arập Xêút và Baranh, nơi mà các chế độ của người Sunni đang đàn áp làn sóng bất bình của người Shi'ite trong mấy tháng gần đây.

Theo Sager, có thể ảnh hưởng gia tăng của Iran không "đe dọa trực tiếp tới Irắc", mà Têhêran sẽ lợi dụng vị thế mới này để thách thức những đối thủ tại vùng Vịnh, chủ yếu là do các chính phủ do người Sunni lãnh đạo, và còn để bù đắp lại nguy cơ bị mất đồng minh là Xyri.

Nhà phân tích chính trị Sami al-Nisf cho rằng thời điểm Mỹ rút quân khỏi Irắc là không thuận lợi và sẽ chỉ càng làm phức tạp thêm những xung đột chính trị và phe phái tại khu vực. Nisf nói: "Lẽ ra Mỹ nên ở lại Irắc như họ đã từng ở Đức và Nhật Bản để đất nước này không bị đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Têhêran".
Các quan chức chính phủ Mỹ đang tìm cách xoa dịu những quan ngại trong khu vực. Tháng trước, cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Tom Donilon nói rằng "cán cân khu vực đang nghiêng về phía không có lợi cho Iran", và rằng Irắc và Iran có "những nhãn quan rất khác nhau về tương lai của mình".

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN