Hợp tác Tiểu khu vực ở Nam Á sẽ hồi sinh?

Tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Hợp tác Nam Á lần thứ 18 (SAARC - 18) tổ chức ở Kathmandu (Nepal) tháng 11/2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh một sự thay thế có thể được thực hiện để thúc đẩy hợp tác Nam Á thông qua việc tham gia các sáng kiến ở cấp tiểu khu vực.

Lễ bế mạc hội nghị SAARC - 18. Ảnh: THX-TTXVN


Trên thực tế, SAARC đã không thể hiện được là một diễn đàn "xây dựng sự đồng thuận” trong khu vực mà nguyên nhân của điều này chủ yếu là do sự đối đầu giữa Ấn Độ và Pakistan. Vậy đâu là lý do khiến quá trình thúc đẩy hợp tác khu vực Nam Á không có tiến triển và triển vọng của quá trình này?

Trong khu vực Nam Á có nhiều diễn đàn tiểu khu vực đa phương như Sáng kiến Vịnh Bengal vì hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa phương tiện (BIMSTEC), Hợp tác kinh tế Tiểu khu vực Nam Á (SASEC) và Hợp tác tiểu khu vực Ấn Độ - Bangladesh - Myanmar (IBM - SRC). Việc không đạt được bất kỳ kết quả ý nghĩa hay tiến bộ đáng kể nào trong các sáng kiến hợp tác tiểu khu vực nói trên xuất phát từ sự kết hợp của các yếu tố chính trị, chính sách đối ngoại và nhân tố kinh tế ở mỗi nước cũng như trong khu vực.

Các mối quan hệ song phương, đa phương

Mặc dù các mỏ khí đốt ở tỉnh Rakhine, Myanmar đã được phát hiện, nhưng đường ống dẫn khí đốt Myanmar - Bangladesh - Ấn Độ, một dự án có tầm quan trọng đặc biệt để thúc đẩy hợp tác tiểu khu vực, đã không được triển khai. Nguyên nhân là do Bangladesh muốn Ấn Độ giảm mạnh thâm hụt thương mại song phương; cho phép quá cảnh tới Nepal và Bhutan và tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng điện tử từ các quốc gia này được vận chuyển qua lãnh thổ Ấn Độ và bán tại Bangladesh. Đổi lại, Bangladesh sẽ cho phép các đường ống dẫn dầu từ Myanmar quá cảnh qua nước này đến Ấn Độ. Bên cạnh đó, sức ép ở mỗi nước liên quan đến Hiệp định chia sẻ nguồn nước sông Teesta và Hiệp định biên giới (LBA) cũng đã tác động đến quan hệ song phương và thúc đẩy hội nhập kinh tế.

Trong khi đó, quan hệ song phương Bangladesh - Myanmar bị chi phối bởi vấn đề người Rohingya và tình hình chính trị mỗi nước, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng ngày càng tăng của vịnh Bengal và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hai nước này cũng đang sẵn sàng tăng cường hợp tác.

Các yếu tố kinh tế, kỹ thuật

Ngoài hàng rào thuế quan, phi thuế quan như trợ cấp xuất khẩu, các lệnh cấm, hạn ngạch, cấp phép nhập khẩu, thủ tục hải quan cũng là trở ngại lớn đối với hội nhập kinh tế, thương mại trong khu vực Nam Á. Hiện nay, thương mại nội khối Nam Á chỉ ở mức 5% so với 58% trong EU, 52% trong NAFTA, và 26% trong ASEAN. Tuy nhiên, việc Ấn Độ đang chủ động sửa đổi các chế độ thuế quan và phi thuế quan với các nước láng giềng, đặc biệt là Bangladesh - đã mang đến sự lạc quan cho tiến trình thúc đẩy hợp tác trong khu vực Nam Á.

Cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu các cơ sở thương mại ở khu vực biên giới là những trở ngại lớn khác ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực.

Rõ ràng, các mối quan hệ song phương vừa là nền tảng, vừa là rào cản trong việc đạt được sự hợp tác khu vực. Nỗ lực cùng tham gia giải quyết các vấn đề song phương và thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng sẽ mở đường cho hợp tác tiểu vùng ở Nam Á.

Là “trục bản lề” của Tiểu khu vực và là “cánh cửa” dẫn đến khu vực Đông Nam Á, các quốc gia IBM (gồm Ấn Độ, Bangladesh và Myanmar) giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hội nhập khu vực. Vì vậy, điều quan trọng là thổi luồng ánh sáng vào mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ với Bangladesh, Bangladesh với Myanmar và tạo động lực để các nước này thúc đẩy sự hợp tác Tiểu khu vực ở Nam Á.

Chắc chắn việc tăng cường hợp tác trong khu vực sẽ gặp phải những rào cản, cả về chính trị cũng như kinh tế. Tuy nhiên, một loạt cuộc đối thoại tương tự sẽ được thiết lập và tổ chức trong năm nay. Do đó, có lý do để hy vọng về sự hồi sinh của hợp tác tiểu khu vực ở Nam Á và điều này không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia mà còn đóng góp vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.


Đăng Chính (Theo trang mạng IPCS)
Nam Á - ưu tiên chính sách đối ngoại Mỹ đầu 2015
Nam Á - ưu tiên chính sách đối ngoại Mỹ đầu 2015

Theo báo “the Business Standard” ra ngày 5/1, Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan là trọng tâm ngoại giao của Mỹ trong tháng 1/2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN